05/05/2020 14:37 GMT+7

Độc đáo giường của 'thủ lĩnh Bình Xuyên' trong bộ sưu tập Vương Hồng Sển

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Chiếc giường được mệnh danh là “Quý phi sàng” trong bộ sưu tập Vương Hồng Sển từng là vật sở hữu của thủ lĩnh Bình Xuyên Bảy Viễn, hiện đang trưng bày tại bảo tàng Lịch Sử TP.HCM.

Độc đáo giường của thủ lĩnh Bình Xuyên trong bộ sưu tập Vương Hồng Sển - Ảnh 1.

Chiếc quý phi sàng trong phòng trưng bày Vương Hồng Sển được nhân viên bảo tàng vệ sinh thường nhật trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh: L.ĐIỀN

"Quý phi sàng" (giường của bậc quý phi) được làm theo dạng trường kỷ khổ rộng (khoảng 1,6m x 1,1m) với mặt lưng làm theo dáng tam sơn (núi 3 ngọn) với diềm gỗ lộng ôm ba phiến đá Đại Lý vân trắng xám nâu rất trang nhã.

Theo cụ Vương Hồng Sển tìm hiểu, chiếc Quý phi sàng này đóng bằng gỗ táo tàu, cho đến lúc về tay cụ thì đã "lên nước đen mun và bóng ngời".

Cũng theo hành trình sưu tầm cổ vật của cụ Vương, chiếc giường này vốn của Bảy Viễn - thủ lĩnh Bình Xuyên. Sau khi lực lượng Bình Xuyên bị tan rã dưới thời đệ nhất Cộng hòa, chiếc giường quý lưu lạc ra giới mua bán đồ cổ. Nhà sưu tập Vương Hồng Sển tìm thấy ở tiệm Huê Hưng nằm trên đường Trịnh Hoài Đức thuộc Chợ Lớn.

Câu chuyện để mua được chiếc Quý phi sàng tức chiếc giường của tướng Bảy Viễn được cụ Vương Hồng Sển kể lại trong tập hồi ký Tạp bút Quý Dậu.

Theo đó, lúc bắt gặp chiếc Quý phi sàng này cụ Vương không đủ tiền để mua bởi giá đến 16.000 đồng tiền bấy giờ, nhưng ông chủ tiệm có lẽ vốn biết uy tín của cụ Vương (lúc bấy giờ đang làm quản thủ bảo tàng viện Sài Gòn) nên mở lời cho trả trước 4000 đồng, còn 12.000 đồng trả góp trong ba tháng.

Điểm đặc biệt của chiếc giường này chính là nội dung các đề tài trang trí và hoa văn mang ngụ ý của người chủ sở hữu (có lẽ chính là người đặt làm).

Trên mặt lưng dáng tam sơn, hai bên phiến đá cẩn lớn nhất ở giữa chính là đôi câu thơ chạm nổi bằng chữ Hán thể triện thư: thi tửu cầm kỳ kiếm/ phong hoa tuyết nguyệt thiên.

Đây vốn là hai câu trích từ bài "thần đồng thi" - một giáo trình chữ Hán thông dụng, nhưng bị đổi đi một chữ. Vốn câu thơ nguyên tác là "Thi tửu cầm kỳ khách", ở đây chữ khách bị đổi thành chữ kiếm, có thể đoán được ý người đặt làm muốn dụng ý cho biết mình là người theo võ nghiệp.

Độc đáo giường của thủ lĩnh Bình Xuyên trong bộ sưu tập Vương Hồng Sển - Ảnh 2.

Đôi câu đối theo thể triện thư trên mặt lưng chiếc Quý phi sàng - Ảnh: L. ĐIỀN

Và theo ý nghĩa câu thơ đó, chiếc giường được thiết kế đầy đủ các đề tài kiêm cả hai ban văn võ: thanh kiếm cách điệu cùng với các quân cờ xe pháo mã sĩ, các dây hoa leo ôm hũ rượu, liễn đối...

Đặc biệt hai bên thành tả hữu của chiếc giường chính là mô hình chiếc đàn tỳ bà cách điệu với đầy đủ dây, trục, phím, thân đàn được chạm khắc tinh tế.

Độc đáo giường của thủ lĩnh Bình Xuyên trong bộ sưu tập Vương Hồng Sển - Ảnh 3.

Thành giường thiết kế mô hình chiếc đàn Tỳ bà - Ảnh: L. ĐIỀN

Cũng theo lời cụ Vương Hồng Sển kể trong hồi ký, trong ba lần đem tiền và "trả góp" cho chủ tiệm Huê Hưng, cụ Vương đã tranh thủ hỏi thêm các nội dung của chiếc giường quý này.

Trong đó các đề tài của câu "thi tửu cầm kỳ kiếm" coi như đã rõ cả nơi chiếc giường, chỉ có câu "phong hoa tuyết nguyệt thiên" không biết thể hiện ở đâu.

Và câu trả lời của ông chủ tiệm đã giải tỏa những điều thắc mắc của cụ Vương: "Phiến đá giữa là cảnh gió thổi hoa lạc tơi bời, phiến bên hữu là cảnh trời xanh vân cẩu, phiến bên tả là cảnh núi tuyết và vầng trăng".

Độc đáo giường của thủ lĩnh Bình Xuyên trong bộ sưu tập Vương Hồng Sển - Ảnh 4.

Các đề tài tửu, kỳ, kiếm được thiết kế khéo léo - Ảnh: L. ĐIỀN

Theo lời anh Nguyễn Hữu Lộc - cán bộ phụ trách phòng trưng bày của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, khách tham quan nhìn hình dáng chiếc giường này dễ nhận thấy nó giống chiếc trường kỷ.

Đọc trong hồi ký Tạp bút Quý Dậu của cụ Vương thấy nhắc chiếc Quý phi sàng, "tôi kết nối thông tin từ sách và hiện vật thì có thể khẳng định đây chính là "quý phi sàng" độc nhất vô nhị" mà cụ Vương nhắc đến trong sách.

Sau đó khi tiếp xúc với người cháu đại diện gia đình cụ Vương, được xác nhận đây là chiếc Quý phi sàng cụ Vương đã mua và kể lại trong sách.

Khách tham quan bảo tàng hiện nay có thể chiêm ngưỡng chiếc Quý phi sàng của Bảy Viễn tại phòng cổ vật Vương Hồng Sển.

Ngoài những thông tin có được, các vấn đề như nghệ nhân nào đã tạo tác chiếc giường này, vật liệu gỗ táo tàu và đá Đại Lý thời bấy giờ lưu thông đến Việt Nam có mang chứa điều gì đặc biệt không... là nội dung dành cho giới nghiên cứu và tìm hiểu cổ vật có thể tiếp tục tìm kiếm.

Vương Hồng Sển vẫn quyến rũ về chuyện  địa danh và lịch sử Nam Kỳ Vương Hồng Sển vẫn quyến rũ về chuyện địa danh và lịch sử Nam Kỳ

TTO - Tháng 3 năm nay, tên tuổi Vương Hồng Sển trở lại với bạn đọc qua quyển di cảo Chuyện cũ ở Sốc Trăng.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên