25/10/2018 19:29 GMT+7

Đọc cổ tích dạy con, sao lại chối từ?

TRẦN XUÂN TIẾN
TRẦN XUÂN TIẾN

TTO - Cha mẹ có nên tiếp tục đọc truyện cổ tích cho con nghe khi cổ tích có thể khiến trẻ nghĩ cuộc sống toàn màu hồng?

Đọc cổ tích dạy con, sao lại chối từ? - Ảnh 1.

Kể chuyện, đọc sách cùng con sẽ giúp bồi dưỡng tâm hồn trẻ - Ảnh: NHƯ HÙNG

Gần đây, việc nên hay không nên đọc/kể truyện cổ tích cho trẻ nhỏ một lần nữa được các phụ huynh thảo luận sôi nổi. Đã có những ý kiến khá gay gắt, thậm chí đi đến kết luận: cần tẩy chay, nói không với truyện cổ tích cho trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận đa chiều. Ngay từ lúc "ra đời", bản thân truyện cổ tích đã không hề hướng đến mục đích chỉ phục vụ riêng cho trẻ em.

Nó thể hiện khát vọng sống hạnh phúc của người dân, thường gắn liền với niềm tin thiện ác hữu báo, con người cần hành thiện mới gặt được quả ngọt... Vì những giá trị giáo dục này, từ lâu truyện cổ tích được sử dụng trong quá trình nuôi dạy trẻ nhỏ.

Cá nhân tôi đề xuất một số lưu ý khi kể/đọc truyện cổ tích cho trẻ. 

Trước hết cần chọn lọc truyện cổ tích phù hợp với lứa tuổi của con em mình. Bởi vì cổ tích, cũng như các tác phẩm nghệ thuật khác, thể hiện nhân sinh quan của các tác giả đối với thế giới khách quan, hàm chứa cách nhìn về cuộc sống của tác giả.

Các quan điểm này, trong nhiều trường hợp, đòi hỏi ở người tiếp nhận cần đạt được một số yêu cầu nhất định về độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn... Đó chính là lý do phim điện ảnh chiếu ở các rạp có phân loại độ tuổi người xem. Các truyện tranh khi xuất bản cũng được biên tập viên cẩn thận ghi chú rõ độ tuổi cho thể đọc.

Thứ hai, truyện cổ tích thường có nhiều tình tiết, nhiều tình huống xảy ra, giúp nhân vật thể hiện cá tính và giúp truyện có mạch diễn biến logic. Khi kể, phụ huynh nên chú ý làm đậm các chi tiết thiện lành, các chi tiết mang lại cảm xúc tích cực.

Ngược lại, cố gắng cắt giảm các tình tiết mang tính đấu tranh, hạn chế các chi tiết quá khích, tạo sự căng thẳng không cần thiết.

Là sản phẩm của trí tuệ dân gian, truyện cổ tích được sáng tạo qua mỗi lần kể. Những dị bản chứa nhiều chi tiết bạo lực có khả năng được kể lại bởi những thái độ quyết liệt với cái xấu, cái ác của người kể. Trong thực tế cuộc sống, hoàn toàn có kiểu người cá tính mạnh mẽ như vậy, nhất định cái xấu phải được răn đe trừng trị.

Thế nên, để sinh động, và cũng là để phù hợp với sự tiếp nhận của từng trẻ, phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động kể lại câu chuyện bằng sự sáng tạo của bản thân. Sự sáng tạo này cũng giúp phụ huynh dễ dàng định hướng nhân cách cho trẻ ngay từ những bài học đầu tiên.

Thời điểm kể chuyện cũng là một yếu tố quan trọng. Mặc dù có thể kể chuyện cho trẻ vào nhiều khung giờ khác nhau trong ngày nhưng thông thường cha mẹ kể cho trẻ nghe trước giờ đi ngủ buổi tối. Vậy thì cần lưu ý tránh kể các câu chuyện có nhiều tình tiết bạo lực, ma mị.

Phụ huynh chúng ta thường có thói quen nhát ma trẻ, hoặc hù dọa, thậm chí có phụ huynh cảm thấy thú vị khi thấy trẻ biểu lộ cảm xúc sợ hãi. Đây rõ ràng là một hành động gây ám ảnh tâm lý cho trẻ, gây ra những sang chấn tâm lý lâu dài về sau.

Kể, đọc truyện kết hợp tương tác với trẻ, cùng trẻ phân tích nhân vật, tình huống truyện, lắng nghe chia sẻ cảm xúc của cả trẻ lẫn phụ huynh một mặt sẽ tạo sự hứng thú, cuốn hút cho trẻ, mặt khác khéo léo truyền đạt các thông điệp giáo dục đơn giản, nhẹ nhàng đến trẻ.

Cuối cùng, xen kẽ trong những buổi đọc truyện cổ tích, phụ huynh có thể kể cho con nghe những câu chuyện đời thực quanh mình. Đó có thể là một bạn nhỏ biết bỏ rác vào thùng, biết đi bộ trên vỉa hè bên phải, biết chào hỏi người lớn tuổi, biết yêu quý cây cỏ và thú vật xung quanh...

Phụ huynh cũng có thể đưa ra các tình huống sinh hoạt hàng ngày theo cấu trúc như thể một câu chuyện cổ tích và gợi ý trẻ hướng giải quyết.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, có nên đọc truyện cổ tích cho bé trước khi ngủ?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Học kỹ năng từ truyện cổ tích Học kỹ năng từ truyện cổ tích

TTO - Thông qua những câu chuyện cổ tích, giáo viên hướng dẫn học sinh những kỹ năng như biết bày tỏ ý kiến cá nhân, biết chia sẻ, biết giữ lời hứa...

TRẦN XUÂN TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên