Bùi Bảo Đạt đã nhận giải cao nhất (giải Chiến thắng) trị giá 150 triệu đồng, cùng với ba tác giả Trần Thiên Quý (giải Ấn tượng), Hà Huy Khánh (giải Ý tưởng), Nguyễn Văn Sao (giải Cống hiến) tại lễ trao giải ngày 26-10.
Ông Phan Đăng Sơn - chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đại diện thành phần tổ chức cuộc thi - cho biết ban tổ chức chọn cách làm hiện đại của thế giới, đó là các tác giả không chỉ thiết kế một logo mà phải tạo các phiên bản đa dạng phù hợp ứng dụng cho từng hoạt động, lĩnh vực khác nhau.
Sau ba tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 347 phương án thiết kế của 142 tác giả khắp cả nước gửi dự thi.
11 tác phẩm của 10 tác giả đoạt giải cuộc thi vào vòng chung khảo. Các tác phẩm này được trưng bày tại một trung tâm thương mại lớn ở quận Long Biên để lấy ý kiến tham vấn cộng đồng vào tháng 8.
Trong bốn mẫu biểu trưng được trao giải kể trên, ba mẫu đều sử dụng hình ảnh cầu Long Biên, trong đó có mẫu của Bùi Bảo Đạt giành giải Chiến thắng. Tác giả trẻ này đưa hình ảnh những nhịp cầu Long Biên trên nền mặt trời.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, Bùi Bảo Đạt cho biết anh sinh sống ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) nhưng vợ là người quận Long Biên, anh lại làm việc ở quận Long Biên nên cá nhân anh có sự gắn bó đặc biệt với cây cầu lịch sử này.
Nhiều năm qua, vợ chồng Bảo Đạt thường xuyên đi thăm gia đình bên vợ, và ngày ngày đi làm, đều là hành trình vượt qua sông Hồng. Và anh luôn chọn đi qua cầu Long Biên, dù anh có nhiều lựa chọn khác có thể thuận đường hơn như đi qua cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy.
Yêu cây cầu là một nhẽ, Bảo Đạt còn có lý do rất "nghệ sĩ" để chọn đi qua cây cầu này: "vì nó đẹp". Với anh, ưu tiên số một khi đi lại không phải là tìm con đường ngắn nhất, thuận tiện nhất, mà là một hành trình đi qua những cái đẹp.
Tại Hà Nội, Long Biên là quận thứ hai tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng, sau quận Hoàn Kiếm đã làm vào năm 2021.
Tại TP.HCM, quận Thủ Đức năm 2022 cũng công bố biểu trưng riêng của quận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận