26/04/2025 10:33 GMT+7

Doanh nghiệp xuất khẩu chật vật ứng phó thuế đối ứng

Nhiều doanh nghiệp cho biết đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến động tỉ giá, khi đồng USD tăng mạnh.

doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nhiều khó khăn và vướng mắc về tỉ giá được doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu nêu lên tại hội nghị - Ảnh: P.Q.

Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp ngày 25-4, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tổ chức, ông Bill Nguyễn, giám đốc phát triển kinh doanh Công ty gỗ Cainver, chia sẻ chỉ trong thời gian ngắn, đối tác đã yêu cầu đàm phán lại giá, thậm chí dời thời hạn thanh toán từ 90 - 120 ngày, gây sức ép lớn lên dòng tiền doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi thiếu kỹ năng đàm phán. Trong khi các ngân hàng nước ngoài đã nhanh chóng tiếp cận, giới thiệu các công cụ tài chính hỗ trợ phòng ngừa rủi ro tỉ giá và thanh khoản thì các ngân hàng trong nước gần như không có động thái tương tự", ông Bill Nguyễn bày tỏ.

Đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết dù đã nỗ lực vượt qua cơn khủng hoảng sau đại dịch COVID-19, nhưng với hàng loạt biến động địa chính trị và thương mại, doanh nghiệp khó trụ vững nếu không có sự đồng hành thực sự từ ngân hàng và Nhà nước.

Về thuế đối ứng, ông Trần Tuấn Anh, phó phòng khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng BPCE IOM, nhận định việc Mỹ tăng thuế đối ứng đã buộc nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược và tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. 

Tuy nhiên việc chuyển đổi thị trường không dễ dàng, khi các thị trường mới nổi tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh toán và khác biệt về hệ thống pháp lý, tiêu chuẩn.

Trong quá trình dịch chuyển thị trường, ông Anh nhấn mạnh vai trò tư vấn và hỗ trợ từ ngân hàng là vô cùng quan trọng. Mỗi ngân hàng có thế mạnh riêng, tùy vào mạng lưới đại lý và kinh nghiệm tại từng khu vực, có thể hỗ trợ doanh nghiệp chọn phương thức thanh toán phù hợp và đánh giá rủi ro.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Khôi, đại diện Nam Á Bank, cho rằng việc thiết kế lại chuỗi logistics, phối hợp giữa doanh nghiệp, trung tâm xúc tiến thương mại và cơ quan ngoại giao là cần thiết để mở cửa thị trường mới một cách hiệu quả và bền vững.

Trước những kiến nghị từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 2, cho biết việc Mỹ đang xem xét điều chỉnh chính sách thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam gây lo ngại lớn cho doanh nghiệp. 

Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối là nhiệm vụ xuyên suốt, và là nỗ lực góp phần kiểm soát lạm phát. Ngành ngân hàng luôn đảm bảo đủ nguồn ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu. 

Ngoài ra doanh nghiệp còn có thể tiếp cận nhiều ưu đãi như vay vốn bằng ngoại tệ hoặc tiền đồng với lãi suất không quá 4%/năm, nhất là trong 5 nhóm ngành ưu tiên, gồm cả xuất khẩu. 

Ông cũng khuyến nghị doanh nghiệp chủ động sử dụng công cụ phái sinh, hoán đổi, mua bán kỳ hạn... để ổn định nguồn ngoại tệ và tăng khả năng ứng phó rủi ro tỉ giá.

"Thêm vào đó các doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn được các ngân hàng thương mại "thiết kế" nhiều chương trình ưu đãi như vay vốn ngoại tệ, vay vốn bằng tiền đồng lãi suất thấp, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động xuất nhập khẩu ổn định và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước", ông Lệnh thông tin thêm.

Cần cải tiến thủ tục, giữ ổn định tỉ giá để hỗ trợ sản xuất

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp cũng đặt vấn đề về thủ tục tiếp cận vốn và đề nghị cải tiến quy trình để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Các doanh nghiệp đề xuất cần thúc đẩy đồng bộ hóa thủ tục hải quan. Bởi thực tế dù nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh vào máy móc, công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm, nhưng nếu khâu thông quan, lưu thông vẫn còn ách tắc, việc giao hàng đúng tiến độ sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên vật liệu, việc duy trì một mặt bằng tỉ giá ổn định là yếu tố then chốt để doanh nghiệp chủ động hoạch định kế hoạch kinh doanh.

Đại diện các ngân hàng thương mại cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để hướng dẫn minh bạch, đồng thời tăng cường kênh trao đổi trực tiếp để giải quyết kịp thời các vướng mắc.

Doanh nghiệp xuất khẩu chật vật ứng phó thuế đối ứng - Ảnh 2.Chuẩn bị tốt cho đàm phán thuế đối ứng với Mỹ

Ngày 22-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về chuẩn bị đàm phán, thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, ổn định, bền vững với Mỹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên