04/07/2016 13:54 GMT+7

Doanh nghiệp Việt ngày càng li ti

ÁNH HỒNG - TRẦN VŨ NGHI
ÁNH HỒNG - TRẦN VŨ NGHI

TTO - Phòng Thương mại - công nghiệp VN (VCCI) đã tổng kết rằng càng ngày các doanh nghiệp Việt càng trở nên li ti chứ không gọi là siêu nhỏ nữa.

Ông Nguyễn Văn Bé, chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, phát biểu tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp sáng 3-7-2016 - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Nguyễn Văn Bé, chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, phát biểu tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp sáng 3-7 - Ảnh: TỰ TRUNG

Trong 5 năm tới, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân sẽ giữ vai trò nòng cốt. Những việc nào doanh nghiệp tư nhân làm được thì dứt khoát không để doanh nghiệp nhà nước thò tay vào. Ngoài ra, không nhất thiết Nhà nước đứng ra vay ODA mà hãy để doanh nghiệp tư nhân nào có đủ tiềm lực, uy tín thực hiện điều này

Ông ĐINH LA THĂNG (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM)

Tại buổi gặp giữa lãnh đạo TP và doanh nghiệp (DN) do UBND TP.HCM tổ chức sáng 3-7, các DN cho rằng không nên đặt mục tiêu số lượng DN, mà nên đặt mục tiêu xây dựng DN hiện hữu ngày càng lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh.

Các DN cũng nêu ra những vướng mắc, khó khăn hiện nay và đề xuất tháo gỡ.

Quy trình 5 ngày, giải quyết... 5 tuần

Ông Nguyễn Quốc Anh - chủ tịch Hiệp hội Nhựa, cao su - cho rằng mục tiêu thành lập 500.000 DN đến năm 2020 là khó thực hiện. TP.HCM có 12 triệu dân, với mục tiêu trên, tức khoảng 20 người dân phải có một DN.

Hiện quy mô một gia đình khoảng 5 người, như vậy có nghĩa cứ 4 gia đình có một gia đình kinh doanh.

“Phòng Thương mại - công nghiệp VN (VCCI) đã tổng kết rằng càng ngày các DN càng trở nên li ti chứ không gọi là siêu nhỏ nữa. Điều này không hợp lý vì như vậy có nghĩa DN ngày càng nhỏ đi, trong khi lẽ ra phải càng ngày càng lớn lên” - ông Quốc Anh phân tích.

Ông Nguyễn Quốc Anh cũng đề xuất đừng nên đặt mục tiêu về số lượng, mà nên đặt mục tiêu làm sao để DN lớn lên, vươn tầm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lộc, tổng giám đốc Công ty CP Dây cáp điện VN (Cadivi), cũng cho rằng mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 500.000 DN là một tham vọng.

Việc có đạt được hay không phải có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ các DN xây dựng thương hiệu, cộng với động lực tự vươn lên của DN.

Ông Lộc cũng đề nghị cần lưu ý khi thương thảo các hiệp định thương mại vì thời gian qua nhiều hiệp định có lợi cho DN nước ngoài hơn DN trong nước.

Cũng như những lần gặp gỡ trước, vấn đề thủ tục hành chính tiếp tục là câu chuyện khiến một số DN bức xúc.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, do các sở ban ngành không liên thông nên quá trình xử lý hồ sơ kéo dài. Chẳng hạn quy trình xử lý hồ sơ là 5 ngày, nhưng nếu phải xin ý kiến quận huyện thì kéo dài đến 5 tuần.

Cụ thể, giải quyết hồ sơ tại sở là 5 ngày, sau đó công văn chạy từ sở về huyện hết một tuần. Một tuần sau huyện ra văn bản, rồi mất một tuần nữa mới từ huyện về sở. Như vậy quy trình chỉ cần 5 ngày, nhưng DN phải mất 5 tuần mới có được thông tin cần thiết.

Chưa kể cơ sở dữ liệu giữa các sở ban ngành gần như là “bí mật”, DN phải làm quy trình ngược là trung chuyển văn bản từ sở này qua sở khác để được giải quyết, trong khi lẽ ra nội bộ cơ quan chức năng phải có cơ sở dữ liệu để khi cần bấm lên là có.

Về dự thảo kế hoạch triển khai nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, theo các DN, nghị quyết 35 nói rất nhiều về hỗ trợ DN vừa và nhỏ, nhưng dự thảo của TP đề cập rất ít, thậm chí chỉ có một từ.

Do vậy cơ quan quản lý phải làm sao cho DN yên tâm chứ hiện nay cứ lâu lâu lại có một văn bản ra đời khiến DN cảm thấy rất bất an.

Ông Nguyễn Văn Bé, chủ tịch Hiệp hội các DN Khu công nghiệp TP.HCM (HBA), đề nghị cần tiếp tục cải cách hành chính để bãi bỏ hàng loạt giấy phép con, rườm rà không cần thiết.

Chứ hiện nay dù dễ được cấp phép nhưng đến khi cầm được giấy phép, để hoạt động được thì vô cùng gian nan, vất vả.

“Đã có chính sách một cửa rồi nhưng vẫn chưa phát huy hết tác dụng. Nếu chính sách một cửa phát huy ở các cửa khẩu thì DN mới đỡ khổ” - ông Bé nói.

Thúc đẩy hộ khoán thành lập DN

Về ý kiến của DN cho rằng không nên đặt mục tiêu số lượng DN, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng ở các nước phát triển, bình quân 10 người có một DN, còn ở VN thì 200 người mới có một DN.

“TP khi đặt mục tiêu có 500.000 DN là hoàn toàn không mơ hồ, viển vông vì tiềm năng thế mạnh của TP chưa được phát huy” - ông Thăng khẳng định.

Cũng theo ông Thăng, hiện mỗi tháng TP có 3.000 DN mới thành lập, muốn tăng số lượng DN phải thúc đẩy DN thành lập mới lên, đồng thời giảm số DN ngừng hoạt động xuống.

Bên cạnh đó, TP sẽ tạo điều kiện chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên DN. Chỉ cần chuyển đổi 50% số hộ kinh doanh cá thể hiện nay thành DN thì có thêm khoảng 100.000 DN.

Cũng theo ông Thăng, trong thời gian tới TP tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian là yêu cầu mà TP đặt ra cho các cơ quan hành chính nhằm kích thích sự cống hiến, vươn lên của DN. DN nào làm tốt phải được tôn vinh, khen thưởng xứng đáng.

Ông cũng kêu gọi DN hãy cho bộ máy cơ quan nhà nước thêm thời gian để hoàn thiện công việc của mình và cam kết cả bộ máy nhà nước trên địa bàn của TP sẽ phục vụ, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu cũng như nguyện vọng của DN trong thời gian sớm nhất.

Ở góc độ ngược lại, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu DN cần nâng cao tính chủ động và hợp tác hơn nữa. Có như vậy mới tạo được xung lực mạnh cho cộng đồng DN TP.

Đồng thời, DN cần tái cơ cấu về năng lực tài chính, quản trị, đổi mới công nghệ để có thể bước vào sân chơi hội nhập mới đầy chủ động.

Tiếp nữa là phải minh bạch, chủ động liên kết hợp tác, nhất là với DN FDI để tận dụng được cơ hội chuyển giao công nghệ từ thành phần DN này.

Ngoài ra, theo ông Phong, các hiệp hội DN phải trở thành kênh chuyển tiếp thông tin với UBND TP để chuyển tải nhanh chóng, nhanh nhất những trở ngại, vướng mắc của DN.

Hiện TP đang phối hợp với VCCI thực hiện cơ sở dữ liệu thông tin cho TP để đến năm 2017, mọi thông tin dữ liệu mà DN cần sẽ được cung cấp công khai, minh bạch ở những lĩnh vực, ngành nghề mà TP chọn làm trọng tâm phát triển.

TP.HCM cũng sẽ trích 1.000 tỉ đồng để hỗ trợ DN khởi nghiệp, cũng như tăng thêm chi phí hỗ trợ DN đổi mới trang thiết bị, công nghệ.

Sẽ chấm dứt thư mời bằng giấy

Tại cuộc họp, UBND TP cũng yêu cầu từ ngày 30-7 chấm dứt thư mời bằng giấy để thông qua thư mời điện tử, đồng thời nhanh chóng tiến tới giao dịch điện tử giữa các sở, ban ngành trong TP.

Theo ông Phạm Thành Kiên - giám đốc Sở Công thương TP.HCM, sau cuộc họp của UBND TP tổ chức gặp gỡ, lắng nghe DN góp ý hồi tháng 3-2016, sở đã nhận được 112 ý kiến, kiến nghị từ các hiệp hội ngành hàng trên địa bàn TP.HCM.

Sau ba tháng đã có 129/129 cơ quan trả lời các ý kiến, kiến nghị nói trên và hiện đang được sở tiếp tục chuyển tiếp những thắc mắc của DN đến cơ quan chức năng.

ÁNH HỒNG - TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên