30/06/2016 09:40 GMT+7

Doanh nghiệp cần môi trường minh bạch

ĐÌNH DÂN - MAI HƯƠNG, (dinhdan@tuoitre.com.vn)
ĐÌNH DÂN - MAI HƯƠNG, (dinhdan@tuoitre.com.vn)

TTO - Tại hội nghị về cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), do UBND TP.HCM và Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tổ chức sáng 29-6, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tin DN, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN hoạt động.

Thời gian qua, Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM có nhiều thay đổi để rút ngắn thủ tục đăng ký kinh doanh. Trong ảnh: đại diện doanh nghiệp làm thủ tục trả hồ sơ qua bưu điện, tại sở này vào chiều 27-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thời gian qua, Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM có nhiều thay đổi để rút ngắn thủ tục đăng ký kinh doanh. Trong ảnh: đại diện doanh nghiệp làm thủ tục trả hồ sơ qua bưu điện, tại sở này vào chiều 27-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định TP.HCM xem DN và nhà đầu tư là đối tượng cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất chứ không chỉ là đối tượng để quản lý. “Vì sự phát triển của DN cũng chính là sự phát triển của TP” - ông Phong nói.

DN Việt lo bị loại trên sân nhà

Tại hội nghị, ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, cho biết các DN dệt may đang đẩy mạnh cổ phần hóa nhưng quá trình này bộc lộ điểm yếu lớn là thiếu nguồn lực quản trị, không có trường đào tạo thiết kế thời trang bài bản.

“Ngay TP.HCM là trung tâm của dệt may nhưng cũng không có chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu”, ông Giang nói.

Do đó, ông Giang đề nghị một loạt giải pháp hỗ trợ DN dệt may, như xây dựng trung tâm thiết kế thời trang, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp dệt may nói riêng và các ngành khác, xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu về dệt may...

“Đặc biệt, các DN rất ức chế vì cứ bị kiểm tra liên tục, TP cần xây dựng bộ quy chuẩn tiêu chuẩn, theo đó sáu tháng hay một năm mới tổ chức kiểm tra một lần”, ông Giang đề xuất.

Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách VN Nguyễn Đức Thuấn thừa nhận các DN trong ngành “chỉ lo cắm đầu làm mà thiếu chú trọng về nghiên cứu phát triển”, đồng thời khẳng định muốn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, TP phải trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm và nguyên phụ liệu, tạo sân chơi cho DN.

Trong khi đó, bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội DN hàng VN chất lượng cao, cho biết ngay cả các DN có thực lực trên thị trường nhưng “cứ gặp nhau là nói khó khăn về hệ thống phân phối”, đầu ra của sản phẩm. Bởi thị trường bán lẻ nội địa đã bị các đại gia ngành bán lẻ thế giới thâu tóm, hàng Việt đang bị đẩy từ đầu kệ xuống cuối kệ và có nguy cơ bị đẩy ra khỏi các hệ thống bán lẻ lớn.

Theo bà Hạnh, đây cũng là vấn đề mà việc cải cách thể chế lần này cần tập trung sát sao.

Dẫn trường hợp người Thái, bà Hạnh cho biết một vòng tròn liên kết giữa các bộ ngành quản lý thương mại, các DN lớn, các ngân hàng và các DN vừa và nhỏ đã được xây dựng, trong đó mỗi chủ thể đều được phân quyền rõ. Chẳng hạn, các tập đoàn bán lẻ lớn phải đưa các DN nhỏ và vừa vào các hệ thống.

Phải chế tài người “đẻ” giấy phép con

Cũng tại hội nghị, ông Phạm Phước Long (đại diện một DN) cho rằng có quá nhiều thủ tục gây cản trở hoạt động của DN. Thủ tục hải quan đã cải tiến nhưng cần tăng cường hải quan điện tử, định lượng ra là mấy ngày chứ không quy định chung chung.

“Ngoài 267 điều kiện kinh doanh luật đưa ra, có còn giấy phép con nào nữa hay không?”, ông Long đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Anh Kiệt (đại diện một DN sản xuất hóa chất) phản ảnh nghị quyết của Chính phủ quy định chỉ được thanh tra, kiểm tra tối đa một lần/năm, nhưng chỉ riêng cơ quan phòng cháy chữa cháy đã kiểm tra DN này đến bốn lần trong một năm.

“Luật khác, nghị định khác và thực tế còn khác nữa nên DN chẳng biết đâu mà lường” - ông Kiệt nói.

Ông Phạm Trọng Nhường, phó thường trực Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang, cho rằng có quá nhiều giấy phép con, VCCI đang đề xuất xóa bỏ nhiều giấy phép con nhưng vẫn còn hàng ngàn giấy phép con khác gây không ít khó khăn cho DN.

“Dư luận lên án nhiều về giấy phép con nhưng chưa có hình thức xử lý. Ai đề xuất giấy phép con gây cản trở phát triển kinh tế đất nước phải bị xử lý nghiêm” - ông Nhường nói.

Một số chuyên gia cũng cho rằng DN Việt đang gánh chịu ba rủi ro, gồm rủi ro về thị trường, chính sách và người làm công vụ.

“Không có đất nước nào có hai giấy chứng nhận đầu tư rồi lại phải có thêm giấy chứng nhận thành lập DN. Cái gì không cần bỏ bớt đi”, một chuyên gia nói. Theo vị này, chính sách cũng phải công khai minh bạch, thay vì trở thành công cụ cho công chức làm khó, nhũng nhiễu DN.

Trao đổi tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, cho biết ngoài 267 điều kiện được quy định theo Luật đầu tư mới, các bộ ngành không được đưa ra quy định nào khác. Tuy nhiên, 7 luật chuyên ngành vẫn được ban hành điều kiện. “Tôi đang đề xuất bỏ cái này bởi nhiều quy định không cần thiết và cản trở hoạt động của DN”, ông Lộc cho biết, đồng thời ủng hộ đề xuất phải có chế tài các đơn vị đưa ra các chính sách cản bước phát triển của DN.

“Thủ tướng cũng đã quy trách nhiệm rõ ràng, bộ ngành nào ra điều kiện vô lý thì bộ trưởng ngành đó sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Lộc cho biết thêm.

Cũng theo ông Lộc, mục tiêu của việc thanh tra, kiểm tra là phát hiện và ngăn chặn vi phạm pháp luật chứ không phải tìm sai phạm để trừng trị. Nghị quyết của Chính phủ đã nói rõ chỉ thanh tra, kiểm tra một lần/năm, không làm khổ DN.

"Phải tin DN và trao niềm tin cho DN khi ban hành các quyết sách”, ông Lộc nói.

Sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhắc lại việc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác lập một vai trò mới của khu vực kinh tế tư nhân, lần đầu tiên khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Theo ông Phong, TP.HCM không chỉ xem DN và nhà đầu tư là đối tượng quản lý mà còn là đối tượng cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất. “Vì sự phát triển của DN cũng chính là sự phát triển của TP” - ông Phong nói.

Ông Phong cam kết TP sẽ kề vai sát cánh cùng DN, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, an toàn, thông thoáng.

“Tất cả DN, không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của TP”, ông Phong khẳng định. Đặc biệt, TP cũng tạo mọi điều kiện để DN khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy DN phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

Theo ông Phong, trong thời gian tới TP sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho các dự án thuộc 7 chương trình đột phá; nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh các quy định thuộc thẩm quyền cũng như ban hành các chính sách mới để hỗ trợ DN tranh thủ thời cơ, hạn chế thấp nhất các rủi ro; hỗ trợ mạnh hoạt động khởi nghiệp, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân và DN...

Đặc biệt, ông Phong khẳng định sẽ xây dựng môi trường đầu tư ổn định, an toàn, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.

“TP mong muốn cộng đồng DN tiếp tục tin cậy, gắn bó mật thiết với chính quyền. Chính các bạn là kênh góp ý, phản biện rất phong phú cho chính quyền, là cầu nối, là người tư vấn cho chúng tôi giải quyết các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của TP”, ông Phong nói.

* Phải cải thiện năng lực cạnh tranh

Phát biểu tại hội nghị triển khai các giải pháp nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, TP (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, TP (PCI) diễn ra ngày 29-6, ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM - khẳng định quan điểm của lãnh đạo TP là dù thứ hạng hai chỉ số này không tăng, thậm chí có giảm trong năm nay nhưng các tiêu chí thành phần phải có sự tiến bộ, tăng trưởng.

Theo ông Tuyến, phải phổ biến rộng rãi các chỉ số này để mọi người dân đều hiểu và tham gia cùng chính quyền, bởi đến nay nhiều cán bộ không biết hai chỉ số này là gì.

“Chậm nhất giữa tháng 7, từng đơn vị phải có kế hoạch triển khai quyết định của UBND TP về cải thiện hai chỉ số trên theo chức năng nhiệm vụ của mình, ít nhất là đến từng tổ dân phố. Các tổ chức mặt trận, đoàn thể cũng phải có kế hoạch tuyên truyền về các chỉ số này”, ông Tuyến yêu cầu.

MAI HOA

* Doanh nghiệp Tiền Giang kêu bị thủ tục hành chính làm khó

Tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang ngày 29-6, các doanh nghiệp trên địa bàn đã phản ảnh nhiều khó khăn, bất cập trong thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục cấp phép đầu tư và xây dựng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc doanh nghiệp tư nhân SD (chuyên sản xuất sản phẩm từ tre, nứa, rơm, rạ...) tại TP Mỹ Tho, bức xúc cho biết muốn đầu tư nhà máy trị giá 2 triệu USD nhưng từ tháng 12-2015 đến nay vẫn chưa biết có được chấp thuận đầu tư hay không, dù đã hoàn tất các thủ tục đầu tư theo yêu cầu.

Tương tự, ông Đoàn Văn Khanh, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Long Thuận (huyện Châu Thành), cho biết muốn mở rộng sản xuất nên cần khoảng 5.000m2 đất để xây dựng nhà máy, chạy tới chạy lui đến UBND tỉnh nhưng chẳng biết gặp ai để thực hiện các thủ tục.

“UBND tỉnh nên mở một kênh thông tin hay một điểm tiếp riêng để doanh nghiệp liên hệ làm thủ tục đầu tư hoặc tháo gỡ những vướng mắc”, ông Khanh đề nghị.

THANH TÚ

 

ĐÌNH DÂN - MAI HƯƠNG, (dinhdan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên