11/11/2022 08:45 GMT+7

Doanh nghiệp vào mùa hàng Tết

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TTO - Nhiều doanh nghiệp cam kết sẽ đưa ra giá bán bình ổn, thậm chí tăng khuyến mãi đối với thịt heo, thực phẩm chế biến từ thịt dịp cuối năm. Ngược lại, một số mặt hàng như trứng, đường, dầu ăn, hải sản ngoại nhập... lại lo giá tăng.

Doanh nghiệp vào mùa hàng Tết - Ảnh 1.

Lượng lớn doanh nghiệp đã vào đợt cao điểm sản xuất thực phẩm thiết yếu phục vụ mùa Tết với lượng tăng mạnh so với ngày thường và năm ngoái, đặc biệt sản phẩm được tiêu dùng nhiều như giò chả, xúc xích, lạp xưởng, nước mắm được sản xuất sớm hơn mọi năm.

Sản xuất sớm hơn, lượng nhiều hơn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đăng Phú - phó tổng giám đốc Công ty Vissan (TP.HCM) - cho biết để đảm bảo nguồn cung cho thị trường dịp Tết Quý Mão, từ tháng 6-2022 đã triển khai dự trữ nguyên vật liệu nên thuận lợi khi bước vào mùa sản xuất cao điểm.

"Nhận định nhu cầu sẽ tăng nên đơn vị dự kiến cung ứng ra thị trường 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 30% so với cùng kỳ 2022; và 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết hơn 710 tỉ đồng, tăng 10% so với năm ngoái", ông Phú thông tin.

Trong khi đó, theo ông Worachai Wunsasueb - giám đốc nhà máy chế biến thực phẩm C.P Củ Chi (TP.HCM), với nhà máy có công suất 1.200 tấn/tháng, đơn vị đã bắt đầu tăng chế biến từ tháng 9 và khả năng sang tháng tới sẽ hoạt động hết công suất để đủ nguồn hàng cho thị trường Tết.

Dự kiến nguồn cung cho thị trường miền Nam dịp cuối năm sẽ được C.P tăng lên với mức khoảng 800 tấn/tháng, gấp đôi so với tháng thường, và miền Bắc ước đạt 3.500 tấn/tháng, trong đó chủ đạo là xúc xích, giò chả, lạp xưởng. 

"Từ tháng 12 trở đi, các khách hàng sẽ tăng mạnh lượng nhập, đặc biệt là các kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, nhờ sản xuất tiến hành sớm hơn các năm nên đơn vị tự tin đủ nguồn cung cho thị trường".

Cũng theo vị này, Công ty C.P Việt Nam đã có kế hoạch tăng mạnh nguồn cung heo hơi cho thị trường tiêu dùng cuối năm, đặc biệt các ngày giáp Tết có thể tăng gấp đôi nguồn cung so với bình thường với khoảng 25.000 - 30.000 con/ngày.

Trong khi đó, đại diện SaigonFood (TP.HCM) cho biết đã bước vào giai đoạn sản xuất cao điểm với lượng hàng tăng mạnh, trong đó một số sản phẩm khả năng được "chốt đơn" trong tháng này nhờ đối tác chọn mua sớm hơn các năm. 

Với trứng gia cầm, bà Phạm Thị Huân - chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân (TP.HCM) - cho biết đã dự trữ lượng thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh liên kết với nông dân nuôi vịt, tăng đàn gà đẻ... để tăng nguồn cung trứng cho thị trường cuối năm, trong đó dịp cao điểm có thể bán ra 1,2 triệu quả/ngày.

Nhiều đơn vị cung ứng mặt hàng gia vị cũng tăng mạnh lượng sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Ngữ - tổng giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (tỉnh Tây Ninh) - cho biết đã bước vào giai đoạn sản xuất cao điểm với lượng hàng phục vụ cuối năm dự kiến tăng khoảng 50% so với bình thường, đặc biệt tập trung vào tháng giáp Tết Nguyên đán khi nhu cầu sử dụng đường để làm bánh kẹo dự báo tăng mạnh.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Thái, giám đốc kinh doanh Công ty Hương Việt Xưa (TP.HCM), cho biết dựa theo nhu cầu thị trường và đối tác đã đặt hàng sớm hơn mọi năm, đơn vị này đã sản xuất đủ nguồn cung cho hai tháng cuối năm với lượng tăng gấp 2,5 lần bình thường, trong đó chủ đạo là nước mắm, sa tế, nước tương. Ngoài ra, đơn vị sản xuất lượng lớn gói gia vị cho các doanh nghiệp sản xuất bún, mì...

Giá bán hàng Tết sẽ ổn định?

Theo ông Nguyễn Đăng Phú, nhờ nguồn nguyên liệu dự trữ có giá ổn định, Vissan cam kết giữ giá bán thực phẩm, đặc biệt hàng chế biến ở mức bình ổn, không điều chỉnh tăng giá bán trước, trong và sau Tết. Đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá các sản phẩm chế biến và tươi sống với mức giảm từ 5 đến 10% tại các điểm bán sản phẩm của công ty.

Tương tự, theo đại diện Công ty C.P, dù chịu áp lực với giá đầu vào tăng khoảng 5% so với quý trước nhưng vẫn cam kết đưa ra giá bán bình ổn đối với mặt hàng thực phẩm chế biến vào dịp cuối năm. 

Nhờ ký hợp đồng sản xuất theo chuỗi với giá ổn định từ 1-2 tháng trước đó, giá bán thịt heo và gà dịp cuối năm khả năng không biến động, trừ trường hợp cung cầu có những thay đổi mạnh.

Một số mặt hàng thiết yếu khác đang chịu áp lực về giá đầu vào nên khả năng khó giữ giá ổn định. Theo ông Nguyễn Thanh Ngữ các đơn vị sản xuất đường đang bước vào vụ ép mía nhưng sản lượng mía không đủ nhu cầu, trong khi lượng đường thành phẩm và nguyên liệu tồn kho của nhiều doanh nghiệp lại đang ở mức thấp.

Do đó, khả năng nguồn cung đường sẽ thiếu hụt so với nhu cầu cao điểm dịp cuối năm, kéo giá bán mặt hàng này tăng. "Giá đường được cung ứng ra hiện ổn định, và đơn vị cũng đã tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM. Tuy nhiên, không dễ để duy trì được giá bán tốt nếu nguồn nguyên liệu thiếu hụt, chi phí sản xuất tăng", ông Ngữ nhận định.

Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Huân, giá trứng gia cầm bán lẻ trong diện bình ổn tại TP.HCM thời gian qua không tăng theo kịp mức tăng giá đầu vào nên các doanh nghiệp đang gặp áp lực. Do đó, thời gian tới có thể sẽ kiến nghị cơ quan quản lý cho tăng giá bán.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất dầu ăn tại Bình Dương cũng cho biết giá bán có thể tăng vào dịp cuối năm do một số lô hàng sản xuất có nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang tăng, đặc biệt dầu đậu nành, hướng dương. Nhiều doanh nghiệp cho biết do chịu tác động từ tỉ giá USD nên giá bán hải sản nhập khẩu đang neo cao, thậm chí còn tăng trong thời gian tới.

Tăng kết nối, chia sẻ chiết khấu

Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết ngay trong tháng này, TP sẽ phối hợp cùng các tỉnh thành tổ chức chương trình "Kết nối cung - cầu" nhằm xây dựng thêm các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp TP có thêm lượng hàng thiết yếu, đặc biệt cho mùa tiêu dùng cao điểm Tết.

"Để bảo đảm nguồn hàng phục vụ Tết 2023, sở cùng các sở, ngành sẽ làm việc với các doanh nghiệp nắm lại kế hoạch sản xuất, chuẩn bị lượng hàng hóa, đôn đốc xây dựng nguồn hàng bình ổn thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất sẽ kết hợp hệ thống phân phối để chia sẻ chiết khấu, hạn chế áp lực giá", vị này nói.

Nhiều vườn mai tiền tỉ bắt đầu tất bật chuẩn bị cho mùa vụ Tết Nhiều vườn mai tiền tỉ bắt đầu tất bật chuẩn bị cho mùa vụ Tết

TTO - Tại nhiều vườn mai có giá trị tiền tỉ, thậm chí nhiều tỉ đồng ở TP.HCM, nông dân đang tất bật bước vào giai đoạn tháo kẽm, cắt tỉa cành non, bón phân... nhằm tạo dáng thế cho cây, giúp cây có sức nuôi nụ hoa để đón Tết.

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên