07/05/2016 11:01 GMT+7

Doanh nghiệp tỉnh queo thu phí đường công

LÊ THANH TÂM
LÊ THANH TÂM

TTO - Nhiều nhà đầu tư cố tình làm ngơ, coi tuyến đường thu phí là đường mới hoàn toàn, nghiễm nhiên thu phí toàn bộ, không hề gia giảm chút nào. Kỳ quái hơn có nhà đầu tư “tay không bắt giặc”...

Thực tế cho thấy có dự án lập trạm trên đường này để thu phí cho đường khác, vô lý nhất là có dự án chưa đi vào hoạt động nhưng nhà đầu tư đã được phép thu phí. Ảnh minh họa

Nguyên tắc cơ bản của thu phí đường theo dự án BOT là nhà đầu tư phải xây dựng mới 100%, còn đường cũ Nhà nước không thu phí, dùng tiền thuế của dân để duy tu, bảo dưỡng. Với lý lẽ đó, tất nhiên đường của dự án BOT phải tốt hơn, thuận tiện hơn mới thu hút được khách ghé qua.

Tuy nhiên, đòi hỏi như vậy quả là quá tầm các nhà đầu tư ở VN, trong tình hình hiện nay cũng phải chấp nhận cách làm kiểu công - tư lẫn lộn. Tức là cho nhà đầu tư bỏ tiền nâng cấp, mở rộng trên nền đường cũ sẵn có rồi sau đó cho phép thu phí để thu hồi vốn.

Điều đáng nói là dường như người ta quên mất phần “công” trong việc thu phí đối với loại đường “nửa nạc, nửa mỡ” này.

Nhà đầu tư cứ cố tình làm ngơ, coi đây là đường mới hoàn toàn, nghiễm nhiên thu phí toàn bộ, không hề gia giảm chút nào.

Đơn cử, tuyến đường Cần Thơ - Phụng Hiệp vốn có từ thời nảo thời nào, nhà đầu tư chỉ nâng cấp và mở rộng đôi chút, rồi thu phí còn cao hơn cả đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (tính trung bình trên 1km).

Có không ít nhà đầu tư thuộc loại “tay không bắt giặc”, vốn liếng chẳng đáng bao nhiêu, chủ yếu vay ngân hàng.

Nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, toàn sử dụng vốn vay là đồng nghĩa với việc phải trả lãi, khiến giá thành dự án gia tăng, rốt cuộc người dân phải chi cho cái khoản này. Đó là chưa kể có hàng loạt dự án BOT bị đội vốn do chậm tiến độ hết năm này tới năm khác, nhưng người gánh chịu lại vẫn là... dân.

Thu phí cầu đường là “ăn bánh, trả tiền”, ai thụ hưởng thì người đó phải móc tiền ra trả. Nhưng thực tế cho thấy có dự án lập trạm trên đường này để thu phí cho đường khác, vô lý nhất là có dự án chưa đi vào hoạt động nhưng nhà đầu tư đã được phép thu phí.

Điển hình là dự án đường hầm đèo Cả, dù nhà đầu tư có lý giải thế này thế nọ, nhưng với người dân chỉ biết là tới nay dự án này chưa làm xong nhưng mấy năm qua vẫn tồn tại một trạm thu phí sừng sững ngay giữa quốc lộ 1.

Cứ như vậy, dân kêu phí cầu đường quá cao là hoàn toàn có lý do...

Bức xúc trạm thu phí đóng dải phân cách để thu phí không hợp lý, dân tháo dải phân cách trước trạm thu phí của Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp 

 

LÊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên