Nhiều doanh nghiệp lẫn công nhân đang áp dụng “3 tại chỗ” mong muốn được thay đổi mô hình - Ảnh: KIM CƯƠNG
Các doanh nghiệp đã áp dụng "3 tại chỗ" nóng lòng được thay đổi mô hình sang "4 xanh" khi Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) có hướng dẫn thí điểm tại Khu chế xuất Tân Thuận và Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi kể từ ngày 16-9.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp phản ảnh dù đã đăng ký, nhập dữ liệu về lao động để được cấp thẻ xanh COVID và đã nộp phương án lên HEPZA nhưng chưa được tiếp nhận để thí điểm.
"4 xanh" thế nào?
Tại văn bản hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng chống dịch tại các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) từ ngày 16 đến 30-9, HEPZA cho hay sẽ thí điểm thẻ xanh, thẻ vàng COVID cho người lao động đã tiêm vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh để tham gia sản xuất.
Với phương thức sản xuất, ngoài các phương án vừa sản xuất vừa cách ly đang áp dụng, HEPZA đưa ra phương án sản xuất mới là "4 xanh" hoặc kết hợp "4 xanh" với phương án vừa sản xuất vừa cách ly.
Điểm mới của phương án "4 xanh" là "người lao động xanh" được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa "nơi làm việc xanh", "nơi ở xanh" theo một "cung đường xanh". Trong đó, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm rà soát, cập nhật danh sách các địa bàn thuộc "vùng xanh" của địa phương theo công bố của cơ quan có thẩm quyền...
Tỉ lệ người lao động không được quá 50% tổng số lao động, riêng với phương án "4 xanh", doanh nghiệp chỉ dùng lao động có thẻ xanh COVID và không phát sinh F0 trong 7 ngày gần nhất.
Doanh nghiệp lúng túng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một doanh nghiệp FDI tại KCX Tân Thuận cho biết ngay sau khi nhận văn bản từ HEPZA, doanh nghiệp này đã tức tốc thực hiện theo các hướng dẫn, đồng thời trình phương án thí điểm cho HEPZA. Tuy nhiên, HEPZA chưa tiếp nhận phương án của doanh nghiệp, do đó các doanh nghiệp vẫn phải chờ, đến ngày 19-9 vẫn chưa biết khi nào mới chính thức... thí điểm.
Tương tự, các doanh nghiệp khác tại KCX này cũng đang vẫn phải tiếp tục duy trì "3 tại chỗ" mà chưa biết chính thức thời điểm nào mới thay đổi, khiến các doanh nghiệp đang chịu áp lực rất lớn từ công nhân.
Theo vị này, quy trình để được cấp thẻ xanh COVID khá nhiều chi tiết: doanh nghiệp phải nhập dữ liệu từng công nhân lên hệ thống quản lý về y tế của TP, chi tiết từ loại vắc xin, số lô, địa điểm tiêm các mũi... Sau đó, để kích hoạt tài khoản, phải liên lạc đến từng nhân viên kiểm tra mã kích hoạt, đăng nhập rồi chụp màn hình mã QR gửi lại công ty.
Vị này cho rằng các doanh nghiệp đã nhiều lần gửi dữ liệu, cập nhật thông tin đến các cơ quan chức năng của TP, song các dữ liệu này chưa liên thông. "Với những doanh nghiệp đến hàng ngàn công nhân mà phải khai như vậy thì rất nhiêu khê" - vị này nói.
Đại diện Công ty C. tại Củ Chi cũng cho rằng cần phải ứng dụng công nghệ để cập nhật cơ sở dữ liệu về "vùng xanh" theo thời gian thực, bởi nếu quy trách nhiệm cho doanh nghiệp có rủi ro khi công nhân không cập nhật kịp được địa phương mình cư ngụ có còn là "vùng xanh" không. "Các vùng xanh, vùng đỏ phải cập nhật hằng ngày qua các phần mềm. Chứ phải tự đi tìm hiểu, quá thủ công và rủi ro" - vị này nói.
Theo các doanh nghiệp, khi thí điểm "4 xanh", trường hợp phát hiện F0 trong nhà xưởng, cách tiếp cận y tế nên nghiên cứu thay đổi so với trước, không nên vẫn tiếp tục đóng, mở nhà xưởng mà phải xử lý y tế linh hoạt hơn với bộ tiêu chí y tế mới, thay thế các tiêu chí cũ do trước đây chưa có quan điểm "sống chung với COVID-19".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận