Các doanh nghiệp rượu, bia quan ngại rằng đề xuất thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe có nhiều điểm còn bất cập, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, trong khi hiệu quả của việc nâng cao sức khỏe không rõ ràng.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, cho biết hầu hết doanh nghiệp trong ngành này đều "rất quan ngại" với đề xuất thành lập Quỹ với đề xuất tại tại Dự thảo "Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia" do Bộ Y tế soạn thảo.
Theo ông Việt, hiện nay doanh nghiệp rượu, bia đang phải nộp tới tới 12 loại thuế, phí, trong đó, riêng Thuế Tiêu thụ đặc biệt tăng liên tục trong những năm gần đây, từ 45% lên 65%.
"Không thể cứ xây dựng một Luật lại đưa ra một loại phí. Phí đóng vào Quỹ Nâng cao sức khỏe này thực chất là một dạng thuế. Chưa kể, Dự thảo Luật chưa chứng minh được sự cần thiết, có cơ chế quản lý, ràng buộc hoạt động để đảm bảo toàn bộ nguồn thu của quỹ này được sử dụng hiệu quả và triệt để vào các mục tiêu đã đề ra", ông Việt cho biết.
Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, trong bối cảnh Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương giảm chi phí cho doanh nghiệp, việc yêu cầu doanh nghiệp phải đóng góp thêm vào Quỹ Nâng cao sức khỏe là không phù hợp.
"Lấy lí do bảo vệ sức khỏe nhưng sức khỏe cũng liên quan tới nhiều nội dung. Nhiều tác động khác cũng có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tại sao chỉ lấy kinh phí của doanh nghiệp rượu, bia. Như thế là không công bằng", ông Vỵ nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, cũng không đồng tình với phương án Bộ Y tế đưa ra.
Thu quỹ dựa trên doanh số bán thì các doanh nghiệp sản xuất bia sẽ phải nộp nhiều nhất, nhưng bia nếu có tác hại (do lạm dụng) thì so với rượu và thuốc lá là ít hơn.
Điều này, theo ông Đức là "đánh tráo khái niệm", đưa cái độc hại lớn vào nhưng thu nhiều từ cái độc hại ít để có tiền.
"Tại sao không sử dụng nguồn từ thuế để giải quyết tác hại. Với thuế phí, việc quản lý còn chặt chẽ, chứ với quỹ các quy định rất lỏng lẻo", luật sư Đức lo ngại.
Các chuyên gia cũng đặt vấn đề mục đích chính để lập quỹ trong một nền kinh tế có quy mô nhỏ và đã có rất nhiều quỹ.
Hơn nữa, kinh nghiệm từ hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá đến nay cho thấy mô hình này không thành công và không phải là phương pháp hiệu quả nhất để giảm tác hại của thuốc lá.
Nhìn ra thế giới hiếm có nước nào lại lập quỹ Nâng cao sức khỏe từ nguồn thu thuế của doanh nghiệp.
Đó là chưa kể hầu hết các quỹ được lập nên sau đó bị xóa bỏ hoặc sửa đổi do thách thức về tính hiệu quả.
Theo các chuyên gia, trong số ít các quốc gia đang thực hiện Quỹ này, sau một thời gian hoạt động như Úc và Bỉ đã ngừng hoạt động hoặc điều chỉnh do vướng phải những thách thức về hiệu quả của Quỹ.
Cũng tương tự như vậy, Philippines hiện đang thực hiện rà soát lại hoạt động của Quỹ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận