Toàn cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: NAM TRẦN
Lý do chính là phân bón không phải chịu thuế VAT, và điều này khiến cho doanh nghiệp không muốn đầu tư, ngân sách bị thiệt, còn nông dân phải mua phân bón giá cao, theo các chuyên gia trong buổi Tọa đàm Thúc đẩy sản xuất Kinh doanh từ chính sách thuế, do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Hà Nội vào hôm nay, 1-6.
Nông dân bị thiệt và doanh nghiệp khó khăn
Ông Trần Xuân Toàn, Uỷ viên Ban biên tập Báo Tuổi Trẻ, nhận định Chính sách thuế là một trong những động lực hỗ trợ và thúc đẩy kinh doanh, ngành thuế có nhiệm vụ thu đúng, thu đủ, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số chính sách thuế chưa thực sự tạo thuận lợi cho sự phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, theo ông Toàn, Luật sửa đổi một số điều của Luật Thuế, gọi là Luật số 71, năm 2014 quy định phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) đã và đang gây nhiều bức xúc đối với người nông dân và cả doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hạc Thúy Quyền chủ tịch - kiêmTổng thư ký hiệp hội phân bón Việt Nam - Video: DƯƠNG LIỄU
Dẫn chứng bất cập chính sách này, ông Nguyễn Hạc Thúy, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt nam cho biết nông dân không hề có lợi.
Thực tế, theo ông Thúy, doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư gồm xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị… và các chi phí này đều có thuế VAT nhưng lại không được khấu trừ thuế này. Điều này khiến doanh nghiệp phải tính luôn vào giá thành, và nông dân phải mua với giá cao.
Điều này được ông Dương Trí Hội, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty phân bón và hoá chất dầu khí (PVFCCo), xác nhận.
Ông Hội cho biết từ năm 2015 đến nay, khi phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT, PVFCCo không được khấu trừ gần 1.000 tỉ đồng tiền thuế, và doanh nghiệp này buộc phải "khấu trừ" vào giá bán, nên người thiệt cuối cùng là nông dân.
Ông Dương Trí Hội Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu - Video: DƯƠNG LIỄU
Mặt khác, ông Hội lo ngại, khi thuế không được khấu trừ thì chi phí đầu tư tính vào giá thành thì doanh nghiệp không muốn đầu tư, vì càng đầu tư hiện đại bao nhiêu thì giá thành càng cao, khả năng thu hồi vốn thấp.
"Tôi sợ rằng chính sách thuế sẽ khiến ngành phân bón giật lùi, nguy cơ trở thành vùng trũng về công nghệ sản xuất phân bón của thế giới. Trên thực tế người tiêu dùng là nông dân chịu ảnh hưởng", ông Hội băn khoăn.
Ông Sigmund Stromme, Chủ tịch điều hành Công ty TNHH Baconco - Ảnh NAM TRẦN
Ông Sigmund Stromme, Chủ tịch điều hành Công ty TNHH Baconco, cho biết mỗi năm doanh nghiệp này bị tăng chi phí sản xuất khoảng 1 triệu USD vì chính sách thuế này.
Cụ thể, Baconco mở rộng đầu tư 13 triệu USD trong năm qua nhưng 10% VAT, tương đương 1,3 triệu USD, không được hoàn lại.
Điều này cho thấy chính sách thuế VAT hiện nay cũng không khuyến khích đầu tư công nghệ mới trong sản xuất phân bón, theo ông Stromme.
Ông Stromme cho biết thêm việc loại bỏ thuế VAT cũng làm giảm đóng góp thuế của công ty cho nhà nước từ 5,3 triệu USD/năm xuống còn 2-2,4 triệu USD/năm trong giai đoạn 2015-2017, một minh chứng của việc chi phí doanh nghiệp tăng lên nhưng nguồn thu nhà nước bị giảm.
Ông Nguyễn Đức Ngọc Phó trưởng Ban kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Video: DƯƠNG LIỄU
Doanh nghiệp phân bón xin được nộp thuế VAT mức 5%
Để hỗ trợ nông dân, khuyến khích ngành nông nghiệp phát triển bền vững ông Thúy nói Hiệp hội phân bón thiết tha đề nghị Quốc hội, Chính phủ thay đổi chính sách VAT với phân bón là áp mức 5% thay vì phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế như hiện nay.
Chỉ khi thay đổi thì mới mang lợi đến cho nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón hữu cơ.
Cùng quan điểm, ông Sigmund Stromme đề nghị sớm quay lại chính sách VAT 5% đối với phân bón để đem lại lợi ích cho các bên.
Lý do là việc đánh thuế VAT 5% đối với phân bón là để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghệ.
Chẳng hạn như Pháp đang áp dụng thuế VAT với phân bón là 20%, còn Na Uy là 25%...
Khuyến khích nhập khẩu phân bón
Không chỉ vậy, ông Thúy cho biết thêm chính sách thuế VAT đang khuyến khích phân bón nhập khẩu tràn vào Việt Nam mà khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khó khăn, giảm sản lượng và lợi nhuận.
Cùng quan điểm ông Hội dẫn chứng, phân bón nhập khẩu từ các nước ASEAN có thuế 0%, nhập từ Nga thuế từ 0-4,9%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận