30/05/2018 10:29 GMT+7

Ngành thuế luôn luôn lắng nghe, luôn luôn chưa thấu hiểu

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TTO - Cứ một sắc thuế đưa ra bị phản ứng, ngành thuế nói họ luôn lắng nghe, nhưng rồi dường như không chịu thấu hiểu các tác động đến giới doanh nghiệp và người dân vốn đang cảm thấy bị "vắt kiệt".

Ngành thuế luôn luôn lắng nghe, luôn luôn chưa thấu hiểu - Ảnh 1.

Nông dân chọn mua phân bón tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) chiều 29-5 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Theo các chuyên gia, việc tăng thuế chỉ nhằm bù đắp nguồn thu thay vì giảm chi sẽ gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hạn chế khả năng phát triển của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là dân nghèo.

Thuế khuyến khích hàng... nhập khẩu!

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế (Luật số 71) có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, phân bón và thức ăn chăn nuôi không còn nằm trong danh sách các mặt hàng phải chịu thuế GTGT (5%).

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, điều này lại gây nhiều bất lợi cho nhà sản xuất phân bón trong nước và người chăn nuôi, nông dân mua phân bón lại chịu thiệt hại nhiều nhất.

Do không được hoàn thuế VAT đầu vào, giá thành sản xuất các sản phẩm này tăng lên, nông dân phải mua với giá cao. Chưa hết, giá thành trong nước tăng, nhiều đơn vị đã đua nhau nhập phân bón nước ngoài về cạnh tranh với hàng sản xuất trong nước.

Nếu các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính được thông qua, như thuế bảo vệ môi trường “đánh” vào xăng, giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước tăng lên, người dân trong nước giảm mua trong khi xuất khẩu cũng gặp khó do không cạnh tranh được về giá

Ông PHẠM NGỌC HƯNG (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM)

Ông Ngô Văn Đông, tổng giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền, cho biết do không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, mỗi năm công ty này phải chịu thêm chi phí ước tính lên tới 30 tỉ đồng, mà cuối cùng là nông dân phải gánh chịu.

Cũng theo ông Đông, nhiều nhà sản xuất phân bón đã phản ảnh những bất cập này, đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét đưa phân bón vào danh mục đối tượng chịu thuế VAT, với mức 0% hoặc 5% (nhà sản xuất được khấu trừ thuế VAT đầu vào) nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và đặc biệt là nông dân.

Tuy nhiên đến nay kiến nghị này vẫn chưa được ghi nhận.

Theo ông Dương Trí Hội - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo), do không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5-8%.

Trong khi đó, phân bón nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Philipines, Nga và Trung Đông... phần lớn có thuế nhập khẩu bằng 0% và đặc biệt hầu hết các nước này có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp.

Đối với PVFCCo, tổng số chi phí tăng lên do không được khấu trừ thuế VAT là 300-370 tỉ đồng/năm.

"Trong ba năm (2015-2017) tổng số tiền thuế không được khấu trừ mà phải hạch toán vào chi phí sản xuất của PVFCCo lên tới gần 1.000 tỉ đồng" - ông Hội cho hay.

Theo ông Hội, do không được khấu trừ thuế VAT đầu ra khiến tăng chi phí đầu tư, kéo theo hiệu quả kinh doanh thấp, dẫn đến sẽ không có doanh nghiệp nào đầu tư công nghệ mới để sản xuất phân bón.

Trong khi đó, phân bón nhập khẩu lại cạnh tranh hơn sản phẩm cùng công nghệ sản xuất trong nước.

"Chính sách thuế có nguy cơ đẩy ngành sản xuất phân bón Việt Nam đi thụt lùi, từ những doanh nghiệp sản xuất phân bón có công nghệ hiện đại dần thành lạc hậu. Về dài hạn nếu không có sự thay đổi, họ buộc phải kinh doanh sang lĩnh vực khác. Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sẽ chịu hệ quả là được sản xuất bởi đầu vào là các loại phân bón có chất lượng thấp" - ông Hội nói.

Ngành thuế luôn luôn lắng nghe, luôn luôn chưa thấu hiểu - Ảnh 3.

Sản xuất, đóng gói và vận chuyển phân bón đi tiêu thụ tại Nhà máy đạm Phú Mỹ, huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tác động tiêu cực đến tăng trưởng

Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty giấy vi tính Liên Sơn (Q.1, TP.HCM), cho rằng sức ép thuế, phí lên doanh nghiệp ngày càng nặng, thậm chí khi xảy ra bất cứ biến động nào thì cơ quan chức năng nghĩ ngay đến việc "đè ra thu thuế".

Chẳng hạn, sau các vụ cháy nổ vừa xảy ra, doanh nghiệp bị buộc phải tăng tỉ lệ mua bảo hiểm phòng cháy nổ, chưa kể quỹ phòng chống bão lụt, thiên tai... căn cứ trên doanh số báo cáo cho cơ quan thuế!

"Nếu đề xuất tăng thuế môi trường thêm 4.000 đồng/lít xăng sắp tới được thông qua, chi phí vận chuyển sẽ tăng gây áp lực lên doanh nghiệp, chưa kể hàng loạt điều chỉnh khác như tiền lương, bảo hiểm... Lắm lúc doanh nghiệp có cảm giác bị vắt kiệt sức" - ông Linh nói, đồng thời cho rằng với chính sách thuế, phí hiện nay, các doanh nghiệp không có động lực để phát triển.

Theo chuyên gia Nguyễn Thái Sơn, nếu "khai thác" thuế phí quá mức, nguồn thu không được nuôi dưỡng sẽ cạn kiệt.

Bản thân các doanh nghiệp sẽ đối phó bằng cách lách thuế, thậm chí thu hẹp hoạt động, tác động đến công ăn việc làm.

Do đó, thay vì tăng thuế phí, nên tìm cách tăng tính hiệu quả của các sắc thuế, việc hành thu phải hiệu quả hơn.

"Các vụ chuyển giá của các "ông lớn" nước ngoài, nợ đọng rất nhiều, mảng thương mại điện tử, bán hàng qua Facebook... là những nguồn thu lớn nhưng cơ quan thuế không tổ chức thu hiệu quả" - ông Sơn nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế VCCI, cho biết nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng tốc độ tăng chi phí tăng nhanh hơn tốc độ tăng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp khiến môi trường kinh doanh Việt Nam kém thuận lợi.

"Dường như cơ quan soạn thảo chưa phân tích được việc tăng các sắc thuế tác động đến doanh nghiệp, đến tăng trưởng kinh tế như thế nào" - ông Tuấn nói.

Tăng thuế xăng dầu: hộ chi thêm cao nhất 130.000 đồng/ tháng Tăng thuế xăng dầu: hộ chi thêm cao nhất 130.000 đồng/ tháng

TTO - Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vẫn được đề xuất tăng lên kịch khung: xăng 4.000 đồng/lít, dầu 2.000 đồng/lít vì giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam thấp xếp thứ 47 trong tổng số 167 quốc gia.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên