17/08/2022 19:14 GMT+7

Doanh nghiệp ở TP.HCM, Hà Nội ráo riết tìm lao động vì quá thiếu hụt

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội thiếu hụt nhân lực ngành dịch vụ, du lịch, xây dựng, kiến trúc, bán buôn, bán lẻ, kế toán, tài chính, công nghệ thông tin…

Doanh nghiệp ở TP.HCM, Hà Nội ráo riết tìm lao động vì quá thiếu hụt - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn tìm ứng viên để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh cuối năm 2022, dịp Tết Nguyên đán 2023 - Ảnh: HÀ QUÂN

Đó là thông tin được nêu trong báo cáo "Tình hình thị trường lao động trong năm 2022: Thực trạng và hướng đi" do Navigos Groups thực hiện trên khoảng 400 doanh nghiệp và hơn 3.000 người tìm việc tại Việt Nam, công bố ngày 17-8.

Doanh nghiệp ‘đỏ mắt’ tìm người

Theo báo cáo, gần 87% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó khăn trong tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu là do nhân viên chủ động xin nghỉ tăng nhiều hơn so với cùng kỳ 2021. Có doanh nghiệp chứng kiến tỉ lệ nhân viên nghỉ việc lên tới 30 - 40%. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ việc này gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Tại hai đô thị lớn là TP.HCM và Hà Nội, tình trạng thiếu hụt nhân lực lần lượt là 23% và 15%. Các ngành thiếu hụt nhiều nhất là dịch vụ, du lịch, xây dựng, kiến trúc, bán buôn, bán lẻ, kế toán, tài chính, công nghệ thông tin. Tuy vậy, 60% người tìm việc có công việc ổn định, 20% chưa tìm được việc mới, 15% khác đã thôi việc đang đi làm thời vụ…

Lý do thôi việc "muôn màu" khi có người cho rằng muốn nghỉ ngơi trước khi tìm việc mới, số khác kinh doanh tự do hoặc tìm việc bán thời gian, một số nữa chưa vội tìm việc.

Navigos Group đánh giá người lao động đang chờ đợi để tìm công việc phù hợp với nhu cầu cá nhân hoặc dành thời gian cân bằng cuộc sống trước khi tìm việc mới. Bên cạnh đó, xu hướng thích an toàn, tìm một công việc ổn định không được nhiều người lao động đánh giá cao so với trước đây.

Theo khảo sát, thực tập sinh, nhân viên có kinh nghiệm và giám đốc chiếm đến 80% nhu cầu tìm việc mới, tập trung trong khối tài chính, kế toán, kiểm toán, du lịch, xuất - nhập khẩu, bất động sản, nhà hàng, khách sạn.

Ứng viên tìm việc cũng quan tâm đặc biệt tới lương thưởng, chế độ đãi ngộ xứng đáng, môi trường tạo động lực với sếp và đồng nghiệp thân thiện, lộ trình thăng tiến rõ ràng và cuối cùng mới đến thương hiệu doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ở TP.HCM, Hà Nội ráo riết tìm lao động vì quá thiếu hụt - Ảnh 2.

Nhiều người lao động tìm việc lương cao, đãi ngộ tốt tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Tăng tốc 'săn lùng' ứng viên

Có tới gần 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ đẩy mạnh tuyển dụng trong 6 tháng cuối năm 2022. Các doanh nghiệp có quy mô từ 300 - 1.000 lao động tăng tuyển dụng từ 50 - 60%. Đơn vị có quy mô từ 101 - 300 lao động sẽ tăng tuyển dụng từ 10 - 40%. Công ty có quy mô dưới 100 lao động tăng tuyển dụng từ 50 - 60%.

Các vị trí được ưu tiên tuyển dụng cao nhất là kinh doanh - bán hàng (72%), kỹ thuật (12%), công nghệ thông tin (9%), tiếp sau là marketing, kế toán, tài chính… Tuy nhiên, có phần lớn doanh nghiệp ưu tiên người lao động có kinh nghiệm từ 2 năm trở lên, chỉ có khoảng 28% tuyển lao động dưới 2 năm kinh nghiệm.

Các chuyên gia của Navigos Group lưu ý, nhu cầu tìm việc của nhóm lao động đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng; nhóm lao động có dưới 2 năm kinh nghiệm… khiến việc cạnh tranh giữa các ứng viên rất cao. Những ngành có nhiều ứng viên tìm việc có thể kể tới như an toàn môi trường, bảo hiểm, bất động sản, hóa học - hóa sinh, nhân sự, hành chính - pháp lý, y dược…

Navigos Search khuyến nghị người lao động cần chọn đúng thời điểm tìm việc, tự đánh giá về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Ứng viên cần trau dồi kỹ năng chuyển đổi số, ngoại ngữ, mở rộng mạng lưới quan hệ và nâng cao khả năng chấp nhận rủi ro.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tăng lương, hỗ trợ chi phí nâng cao kỹ năng nghề, tăng phúc lợi như chăm sóc sức khỏe - bảo hiểm, thậm chí linh động về thời gian và địa điểm làm việc để "níu chân" nhân tài.

Tại hội nghị trực tuyến với các tỉnh thành ngày 12-8, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng khoảng 900.000 lao động/quý (xét 3 quý gần đây).

Quy mô lao động trong lĩnh vực này cũng khoảng 19,2 triệu người/51,4 triệu người trên thị trường lao động.

Trong quý 1-2022, thu nhập của người lao động tăng lên, nhất là khi Chính phủ điều chỉnh nhiều chính sách. Tuy vậy, một số ngành như tài chính, công nghệ thông tin được dự báo thiếu nhân lực chất lượng cao.

Ngay quý 2-2022, một số bộ ngành dự kiến tổ chức diễn đàn với quy mô quốc gia về lao động, việc làm.

6 nhóm ngành học ‘hot’ nhất năm 2022: Ra trường dễ tìm việc tốt, lương cao 6 nhóm ngành học ‘hot’ nhất năm 2022: Ra trường dễ tìm việc tốt, lương cao

Trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, nhiều bạn trẻ thường tự hỏi: Học ngành gì lương cao, dễ tìm việc sau khi tốt nghiệp? Cùng Đại học Yersin Đà Lạt tìm hiểu 6 ngành học ‘hot’ nhất năm 2022 nhé.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận