21/12/2020 17:20 GMT+7

Doanh nghiệp Nhật phản ánh gì về việc đầu tư ở Việt Nam?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Các quy định ưu đãi thuế khi áp dụng còn nhiều vướng mắc, thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài gây nhiều khó khăn cho một số nhà đầu tư Nhật Bản.

Doanh nghiệp Nhật phản ánh gì về việc đầu tư ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị liên quan những bất cập trong áp dụng ưu đãi - Ảnh: N.AN

Chiều 21-12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Theo đại diện của Công ty HOYA Việt Nam, hiện đang có nhiều bất cập trong chính sách ưu đãi thuế, khi không chấp thuận cho doanh nghiệp hưởng ưu đãi. Ví dụ, Cục Thuế tỉnh Hưng Yên không công nhận ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp chính thức được hưởng theo giấy phép đầu tư, có ý định tăng thuế xuất nhằm đánh thuế bổ sung. 

Giấy chứng nhận hưởng ưu đãi, thực tế không có

"Số tiền thuế đó ước tính lên đến 50 triệu USD trong vòng 10 năm tới đối với một doanh nghiệp. Đầu tư nước ngoài phải được pháp luật liên quan, như các văn bản chính thức là giấy phép đầu tư và luật đầu tư…, bảo vệ. Vấn đề nằm ở việc thực thi pháp luật ở cấp cơ sở. 

Cục Thuế tỉnh Hưng Yên bắt đầu có ý kiến không chấp thuận vào năm 2018, doanh nghiệp Nhật Bản đang mất nhiều thời gian để ứng phó với vấn đề này" - đại diện doanh nghiệp này cho hay. 

Gặp vấn đề khác về thủ tục đầu tư, đại diện Công ty Aeon Mall Việt Nam cho biết trong số các dự án phát triển tại Việt Nam, có dự án mà thời gian từ khi làm thủ tục tới khi nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kéo dài hơn 1 năm.

Đặc biệt, dự án thuộc thẩm quyền điều chỉnh của Thủ tướng mất thời gian lâu hơn so với thẩm quyền của tỉnh, thành. Đại diện doanh nghiệp này đề nghị cần đẩy nhanh hơn quá trình thủ tục cấp phép đầu tư, làm nhanh quá trình cấp phép, cần rút ngắn thời gian và xử lý song song các thủ tục như giấy phép đầu tư, xây dựng, quyền sử dụng đất… 

Xác định rõ về ưu đãi đầu tư, rút ngắn thủ tục cấp phép

Ông Dương Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), cho hay với trường hợp của công ty HOYA Việt Nam, thời gian qua cơ quan thuế đã có văn bản trả lời cho cục thuế địa phương, phối hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp, UBND tỉnh xác định cụ thể để trả lời cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, vướng mắc xảy ra liên quan đến việc giấy phép đầu tư, yêu cầu để hưởng ưu đãi thì sản phẩm sản xuất phải thuộc danh mục hưởng ưu đãi. Để xác định được sản phẩm của công ty có thuộc ưu đãi hay không cần phải xác định kỹ lưỡng. 

Doanh nghiệp này sản xuất sản phẩm đĩa từ, là phôi chưa hoàn chỉnh, nên được phân vào ngành đĩa từ chứ không phải là ngành sản xuất vi tính, không thuộc ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư. 

Do đó, ông Huy cho rằng các bộ ngành liên quan gồm Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công thương cần phải làm rõ sản phẩm này có thuộc danh mục sản phẩm được hưởng ưu đãi đầu tư hay không, để làm căn cứ xác nhận. 

Ông Đỗ Văn Sử, phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho hay với các kiến nghị liên quan đến đầu tư về quy trình thủ tục cần nhanh và khẩn trương hơn, cơ quan rút ngắn thời hạn cho phép rút ngắn, thực tế từ năm 2016 Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thông qua môi trường Chính phủ điện tử, yêu cầu các bộ ngành đưa quy trình thủ tục hành chính kinh doanh của người dân lên mạng, tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. 

Xây dựng Chính phủ không giấy tờ

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho hay Chính phủ yêu cầu các bộ ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội bền vững nhất. Thực hiện hiệu quả giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế, chuyển đổi mạnh mẽ các hình thức giao dịch, dịch vụ không tiếp xúc với dịch vụ công thương hướng Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp.

"Việc xử lý hồ sơ từ thủ công, bằng giấy sang xử lý hồ sơ sang môi trường điện tử, toàn bộ là giao dịch điện tử, Chính phủ không giấy tờ. Từ đầu năm đến nay Chính phủ liên tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành với trên 30% là những rào cản, phát sinh khó khăn làm tăng thời gian, chi phí doanh nghiệp " - ông Dũng nhấn mạnh.

Đại sứ Nhật Bản tại cũng cho hay trong khi các nước chật vật chống dịch thì Việt Nam duy trì tăng trưởng dương, từ 2-3%. Với chính sách hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, có tới 37 doanh nghiệp muốn chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, cao nhất trong số các nước, cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

Do đó, ông cho rằng các đơn thuốc để phục hồi nhanh kinh tế là mở lại đi lại giữa hai nước, cải thiện nhanh việc giải ngân đầu tư công; thu hút đầu tư nước ngoài, trên cơ sở cải thiện mạnh mẽ hơn nữa đầu tư và nâng cao xếp hạng tín nhiệm Việt Nam.

Muốn phát triển chính phủ điện tử phải đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính Muốn phát triển chính phủ điện tử phải đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính

TTO - Nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ đã chia sẻ những đóng góp trong việc phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam tại hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử (eGov) lần thứ 15 diễn ra ngày 17-9.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên