25/08/2020 10:54 GMT+7

Mở nút thắt đón 'đại bàng' - Kỳ 2: 'Chim sẻ' và 'đại bàng' cùng gặp khó

N.AN
N.AN

TTO - Quy trình xử lý thủ tục phức tạp, kéo dài cộng thêm những ràng buộc về nguồn lực khiến việc đầu tư của cả "đại bàng" và "chim sẻ" tại VN gặp muôn vàn khó khăn.

Mở nút thắt đón đại bàng - Kỳ 2: Chim sẻ và đại bàng cùng gặp khó - Ảnh 1.

Công ty Duy Khanh gặp nhiều khó khăn để mở rộng nhà máy mới - Ảnh: N.AN

Thủ tục hành chính đã có cải thiện nhưng những chính sách thay đổi, những thủ tục khó khăn vẫn là rào cản không nhỏ với doanh nghiệp "chim sẻ" để phát triển lên "đại bàng", gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chờ và chờ

Hơn 30 năm làm cơ khí, Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh nung nấu đầu tư một dự án sản xuất linh kiện trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Triển khai năm 2017, dự kiến cuối năm 2019 sẽ đi vào hoạt động nhưng đến nay dự án lỡ hẹn hơn một năm. Chia sẻ với Tuổi Trẻ tại xưởng sản xuất chật hẹp ở quận Tân Phú, ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch công ty trên, cho hay suốt hơn hai năm chạy lòng vòng vẫn chưa nhận được giấy phép xây dựng.

"Chính sách cũ hết thời hiệu, cái mới chưa ban hành nên phải chờ. Ví dụ về giá đất kết thúc năm 2018 là hết giá cũ nhưng giá mới lại chưa ban hành, nên phải chờ ký hợp đồng giá đất mới. Rồi các vấn đề liên quan quy hoạch, đánh giá tác động môi trường trước đây ban quản lý khu công nghệ lo, giờ chuyển sang chính quyền địa phương nên phải chờ hướng dẫn. Tiếp nhận hồ sơ cũng cứ đúng thời hạn là sau 25 ngày mới trả lời, trong khi có thể trả lời sớm hơn... Cộng dồn nhiều khâu nên bị kéo dài. Có doanh nghiệp không chờ đợi được phải lên Bình Dương thuê đất, thậm chí lỡ cơ hội kinh doanh" - ông Tống chia sẻ.

Khó đầu tư vì chuỗi cung ứng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Choi Joo Ho, tổng giám đốc Samsung VN, khẳng định tình hình ở VN: dù không xây dựng mới nhà máy với quy mô lớn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất mới. Dẫn chứng, Samsung đã xây dựng dây chuyền sản xuất thiết bị network 5G tại Bắc Ninh, hay đăng ký đầu tư thêm 120 triệu USD để sản xuất thấu kính - một linh kiện quan trọng trong điện thoại di động...

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với tập đoàn này, đó là phát triển chuỗi cung ứng nội địa, đáp ứng nhu cầu liên tục mở rộng của 6 nhà máy. Mặc dù hãng này liên tục mở hội thảo, triển lãm tìm nhà cung cấp, nhưng số nhà cung ứng nội địa cấp 1 đến nay chỉ được 50 doanh nghiệp - quá khiêm tốn với tổng gần 700 nhà cung ứng của Samsung.

Ông Nguyễn Đình Nam, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc IPAVIETNAM, kể về trường hợp một nhà đầu tư Nhật Bản rất hào hứng vì được hỗ trợ đầu tư vào Khu công nghệ cao, ưu đãi thuế 10%, song cũng phải mất tới hơn hai năm mới có thể rót vốn. Lý do cũng như Samsung, mất nhiều thời gian tìm nhà cung cấp nội địa, dù sản phẩm chỉ là chiếc kim máy khâu nhưng phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.

"Chúng ta chưa có bản đồ nhà cung cấp ở VN, chưa xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng nên FDI khi đầu tư gặp khó ở việc hoàn thiện chuỗi cung ứng. VN cũng chưa có bản đồ về nguồn nhân lực, thông tin từng địa phương nhân lực tại chỗ thế nào, ngành nghề, trình độ ra sao" - ông Nam nói.

Ông lớn công nghệ chưa thể đặt hai chân?

Ông Vũ Tú Thành - phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) - kể câu chuyện một loạt hãng công nghệ như Google, Amazon, Facebook, Netflix... rất quan tâm tới VN nhưng đặt câu hỏi: tại sao đến nay họ vẫn chưa có một khoản đầu tư nào hiện hữu ở VN? Ông nhìn nhận dường như các nhà hoạch định chính sách vẫn tư duy cũ là cứ nói FDI phải có những con số ghi danh cụ thể vài chục triệu hay tỉ USD, hay phải có văn phòng đại diện, bắt buộc thành lập pháp nhân... Điều này có thể sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội lớn.

"Với những nhà đầu tư mới nổi trong lĩnh vực công nghệ, có vốn hóa hàng nghìn tỉ USD, thước đo trong đầu tư không chỉ là bao nhiêu tỉ USD, mà quan trọng là giá trị việc đầu tư đó mang lại" - ông Thành nói và cho hay các hãng công nghệ đầu tư gián tiếp cũng mang lại lợi ích không nhỏ. Đơn cử như Google đào tạo nhân sự trình độ cao để làm nên một kỹ sư an ninh mạng Dương Ngọc Thái, hay Amazon hợp tác cùng Bộ Công thương hỗ trợ doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu...

Các công ty lớn thế giới trước đây đặt trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) đã chuyển dịch sang Singapore, thì nay làn sóng này đang hướng đến Malaysia, Thái Lan nhiều hơn là VN. "Tại sao các hãng công nghệ không thể đặt hai chân ở VN?" - ông đặt vấn đề và cho rằng "chính sách của VN còn tình trạng thiếu thống nhất, chưa rành mạch. Thay vì đưa ra chính sách mang tính cảm tính, cần nhìn thẳng bản chất vấn đề, đó là môi trường cạnh tranh trong thế giới phẳng. Những quốc gia và thị trường tư duy kiểu cũ sẽ bị bỏ lại phía sau..." - ông Thành nói.

Ông Đỗ Phước Tống cho rằng sự chuyển dịch đầu tư đang diễn ra tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, chính sách thu hút FDI cần gắn với phát triển doanh nghiệp nội địa, tạo ra thị trường đủ lớn và tăng năng lực tham gia chuỗi cung ứng. Nhu cầu chuyển dịch đầu tư đang diễn ra, nên cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt tiếp cận. Song đón dòng vốn ấy cần có chính sách, phân công phối hợp đồng bộ, truyền thông rõ ràng: Nhà nước tiếp cận doanh nghiệp nào, doanh nghiệp đó có nhu cầu gì, liên kết nội địa ra sao để tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia.

Ông Hirai Shinji (trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM):

VN đang được nhà đầu tư quan tâm

hiraishinji 1(read-only)

Ông Hirai Shinji


Mỗi năm chúng tôi đều có cuộc khảo sát về các vấn đề liên quan đến việc triển khai kinh doanh ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản. Năm 2018, tỉ lệ nhà đầu tư chọn Thái Lan và VN gần như xấp xỉ, nhưng tới năm 2019 tỉ lệ nhà đầu tư chọn VN tăng vọt lên 41%, Thái Lan là 36,3%.

Tôi nhận thấy thời gian gần đây, các tỉnh lân cận thành phố lớn đang làm khá tốt trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư, chính sách thu hút FDI của các địa phương này đang dần tốt lên.

Chính phủ Nhật Bản vừa công bố danh sách các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ kế hoạch mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong dịch COVID-19. Dù doanh nghiệp có nằm trong danh sách của chính phủ hay không thì chúng tôi vẫn hỗ trợ, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản đến VN những năm gần đây chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế khi đi sang một quốc gia mới, họ vẫn còn nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, quy định pháp luật, lao động...

N.BÌNH ghi

Ông Nguyễn Hải Minh (phó chủ tịch EuroCham):

Thà chấp nhận đóng thuế

Ưu đãi thuế là một điểm cộng để thu hút FDI vào VN. Cấp giấy phép gắn với các ưu đãi, nhưng bất ngờ vào kiểm tra rồi nói ưu đãi chỉ cấp cho đầu tư ban đầu thôi, ví dụ chỉ ưu đãi cho 1 dây chuyền, còn 2 dây chuyền mới thì không được hưởng. Doanh nghiệp EU không chấp nhận việc này, họ nói thà chấp nhận đóng thuế. VN không có ưu đãi gì vượt trội ngoài đất đai và thuế, nhưng lại hành doanh nghiệp.

Mở nút thắt đón Mở nút thắt đón 'đại bàng' - Kỳ1: Chật chội, muốn 'bay' không dễ

TTO - Ấn Độ tung 5,5 tỉ USD thu hút một số doanh nghiệp lớn, trong đó có Samsung. VN đã có tổ công tác đặc biệt thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng còn nhiều việc phải gỡ để có thể đón sự chuyển dịch dòng vốn FDI.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên