06/03/2020 10:35 GMT+7

Doanh nghiệp lo 'đói' nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch COVID-19

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Phải tìm mọi cách để thoát cảnh đói nguyên liệu là mong muốn của mọi doanh nghiệp khi dịch COVID-19 làm gián đoạn nguồn cung ứng nguyên liệu, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Doanh nghiệp lo đói nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp là tìm nơi cung ứng nguyên liệu thay thị trường Trung Quốc. Trong ảnh: sản xuất thực phẩm ở KCN Vĩnh Lộc (TP.HCM) - Ảnh: NGỌC HIỂN

Khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa công bố cho thấy nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, sẽ có hơn 60% doanh nghiệp được khảo sát bị giảm trên 50% doanh thu, gần 29% doanh nghiệp bị giảm 20-50% doanh thu.

Tháng 3 lo lắng, tháng 4 nguy ngập

"Nhiều doanh nghiệp chỉ cầm cự được nguyên liệu sản xuất trong 1-2 tháng tới, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguy cơ dừng sản xuất và phá sản khi bị đứt nguồn cung nguyên liệu" - bà Đỗ Thị Thúy Hương, ủy viên ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, chia sẻ như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ.

Theo bà Hương, ngành điện tử phân bổ theo chuỗi sản xuất toàn cầu từ rất lâu và định vị chủ yếu từ Trung Quốc, tập trung tại các tỉnh như Thâm Quyến, Chiết Giang, Quảng Châu và một phần Vũ Hán. Vì vậy, việc nước này đóng cửa nhà máy kéo dài khiến nguồn cung ứng nguyên liệu gặp khó khăn, chỉ cầm cự được đến đầu tháng 3. 

"Tôi có trao đổi với một đại diện hiệp hội điện tử của Trung Quốc, họ thông tin rằng Chính phủ Trung Quốc bật đèn xanh cho một số thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đi làm trở lại từ ngày 10-2 nhưng khuyến khích làm ở nhà, tránh tập trung đông người và làm online. Với tình hình như vậy, ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp gia công nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất" - bà Hương cho hay.

Bà Hương cho biết nhiều doanh nghiệp điện tử lớn đã phải tính phương án như vận chuyển bằng đường hàng không nhưng do hiện nay không có đường bay trực tiếp, phải bay vòng nên làm tăng chi phí; hoặc đi qua đường biển mất thời gian hơn do phải kiểm tra dịch tễ. 

Qua đường bộ, một số cửa khẩu như Hữu Nghị - Lạng Sơn đã thông quan hàng hóa, nhưng phía Trung Quốc chưa tiếp nhận hoặc chỉ tiếp nhận dần từng lô, chủ yếu nông sản, còn linh phụ kiện chưa được thông quan. 

Nguyên nhân là do vừa phải đảm bảo kiểm dịch vệ sinh dịch tễ, bên phía bạn cũng ít người làm, thiếu nhân viên trầm trọng do đều phải nghỉ hoặc cách ly vì dịch.

Doanh nghiệp lo đói nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Doanh nghiệp Việt tại KCN Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn trong mùa dịch - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tích cực thúc đẩy thông quan hàng hóa

Chiều 5-3, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đến các doanh nghiệp dệt may và da giày để lắng nghe trực tiếp tình hình của doanh nghiệp nhằm có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, tổng giám đốc Công ty TNHH hóa dệt Hà Tây, cho biết doanh nghiệp này sản xuất xuất khẩu 100% với kim ngạch 12 triệu USD. 

Công ty chỉ đủ nguyên liệu sản xuất đến giữa tháng 3 và đang tìm kiếm các nhà cung cấp trong và ngoài nước khác. Công ty cũng đàm phán với khách hàng đề nghị lùi đơn hàng, hoặc thay đổi một số nguyên phụ liệu nhưng kết quả chưa rõ ràng. 

Công ty có tìm được nguồn cung khác giá cao hơn nhưng chủng loại nguyên phụ liệu không đa dạng, phong phú bằng nguồn Trung Quốc, lại không sẵn sàng cung cấp lô nhỏ nên cũng khó khăn.

Đặc biệt, đối tác chuyên cung cấp khuôn mẫu là công ty Trung Quốc tại Việt Nam vẫn chưa hoạt động trở lại do nhiều lao động từ Trung Quốc chưa trở lại Việt Nam, do đó công ty không có khuôn mẫu để sản xuất. Nếu tình hình dịch kéo dài, công ty sẽ đứng trước nguy cơ phải hủy đơn hàng, dừng sản xuất.

Còn theo ông Thân Đức Việt - tổng giám đốc Tổng công ty May 10, dịch bệnh khiến vật tư về không kịp để sản xuất nhưng vẫn phải trả lương người lao động. Dự kiến doanh thu 2 tháng đầu năm của doanh nghiệp sẽ giảm 10% so với kế hoạch và hiện chỉ tạm đủ hàng cho sản xuất hết tháng 3-2020.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết bộ đã đôn đốc các tỉnh có biên giới với Trung Quốc chủ động làm việc với phía bạn để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa, đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh. 

Về nguồn cung nguyên liệu, bộ đã có chỉ đạo các đơn vị, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tìm kiếm các nhà phân phối, sản xuất nguyên phụ liệu nước ngoài để thông tin cho các ngành sản xuất trong nước sớm có sự kết nối, thực hiện kế hoạch cung ứng phù hợp. 

Đồng thời điều chỉnh, bổ sung Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm tìm kiếm các thị trường mới, tới đây Bộ Công thương sẽ thành lập một tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Các vấn đề của doanh nghiệp sẽ được đưa vào hội nghị trực tuyến ngày 16-3 tới, tại đó bộ sẽ giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, cục, vụ vào cuộc quyết liệt, triệt để cùng gỡ khó.

Doanh nghiệp lo đói nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Nguồn: Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Đồ họa: T.ĐẠT

Cần chính sách dài hạn

Ông Trương Thanh Hoài - cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương - cho biết giải pháp trước hết là đảm bảo nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất trong nước. 

Theo đó, các bộ ngành và Chính phủ cần tích cực làm việc với chính quyền các cấp của Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới. Đồng thời có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế; khuyến khích DN phụ trợ trong nước tăng cường sản xuất cung ứng cho nội địa.

Ông Hoài cho rằng về dài hạn cần các giải pháp như đầu tư nguồn lực từ ngân sách để tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai. 

Tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đồng thời, cần quy định rõ về các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trong quá trình sửa đổi pháp luật đầu tư, làm căn cứ để Chính phủ ban hành các nghị định quy định cụ thể các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các ngành này.

Tạo điều kiện để chuyên gia nước ngoài trở lại làm việc

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 5-3, ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho biết bộ đã chỉ đạo Cục Việc làm đề nghị các địa phương tổng hợp nhu cầu về chuyên gia, lao động nước ngoài từ các doanh nghiệp gửi về bộ để xem xét, cấp phép cho các chuyên gia vào làm việc, nhất là chuyên gia của các tập đoàn, doanh nghiệp, công trình lớn. Bộ sẽ xét duyệt và cấp phép theo thứ tự ưu tiên, chặt chẽ đúng theo quy trình.

Trước đó ngày 2-2, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp tạm dừng tiếp nhận chuyên gia, lao động nước ngoài đến từ vùng có dịch hoặc di chuyển qua vùng có dịch.

ĐỨC BÌNH

Doanh nghiệp được giãn nợ đến 90 ngày sau khi hết dịch COVID-19 Doanh nghiệp được giãn nợ đến 90 ngày sau khi hết dịch COVID-19

TTO - Doanh nghiệp được giãn nợ đến 90 ngày sau khi hết dịch COVID-19 nhằm đảm bảo phù hợp với khả năng phục hồi dòng tiền.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên