Khách hàng thực hiện uống bia giãn cách ở khu vực Winchmore Hill thuộc thủ đô London ngày 12-6 - Ảnh: REUTERS
Trả lời phỏng vấn trên Đài Sky News ngày 14-6, Bộ trưởng Sunak cho biết những tiến triển đạt được trong cuộc chiến chống dịch bệnh đồng nghĩa với việc Anh có thể có cái nhìn mới về quy định giãn cách, sau khi nhiều chủ lao động phàn nàn rằng quy định cứng nhắc sẽ gây khó khăn cho việc nối lại hoạt động sau các biện pháp phong tỏa.
Ông Sunak nhấn mạnh rằng quá trình đánh giá này sẽ có sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà kinh tế học và nhiều nhân vật khác, song bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ không gây nguy hiểm cho sự an toàn của cộng đồng.
Việc giảm bớt giãn cách xã hội sẽ cho phép 75% quán rượu có thể mở lại, thay vì chỉ có 30% quán được mở với quy định giãn cách 2m như hiện nay.
Theo Bộ trưởng Sunak, dữ liệu tuần trước cho thấy kinh tế Anh đã giảm 25% trong tháng 3 và tháng 4, qua đó phản ánh quy mô tác động của lệnh phong tỏa tới nền kinh tế. Ông nhận định cú sốc kinh tế do lệnh phong tỏa chỉ là tạm thời, việc mở lại lĩnh vực bán lẻ trong tuần này là bước đi quan trọng đối với quá trình phục hồi.
Theo kế hoạch, ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng sẽ là lĩnh vực tiếp theo được phép mở lại. Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson hiện cũng đang cân nhắc lại các phương án cách ly 2 tuần đối với những người nhập cảnh vào nước này và có khả năng sẽ thay đổi các quy định liên quan.
Cảnh vắng lặng trong nhà ga Waterloo ở thủ đô London ngày 19-5, vào giờ cao điểm. Chính sách phong tỏa đã khiến kinh tế Anh bị đình trệ - Ảnh: REUTERS
Chính phủ Anh đang đối mặt với nhiều áp lực từ ngành du lịch và nhiều lĩnh vực khác sau khi ban bố chính sách cách ly vào tuần trước. Các hãng hàng không cảnh báo điều này sẽ tác động tiêu cực tới việc làm và ngành du lịch.
Ngày 12-6, ba hãng hàng không British Airways, EasyJet và Ryanair thông báo đã khởi động quy trình pháp lý nhằm vào Chính phủ Anh về quy định cách ly 14 ngày đối với hành khách nhập cảnh vào nước này.
Trong tuyên bố của mình, 3 hãng hàng không trên cho rằng quy định cách ly hiện hành có "thiếu sót", sẽ để lại hậu quả "tàn phá" đối với ngành du lịch Anh nói riêng và nền kinh tế nước này nói chung, cũng như khiến hàng ngàn người mất việc làm.
Ba hãng này muốn chính phủ tái áp đặt các biện pháp được ban hành vào ngày 10-3, theo đó chỉ cách ly những hành khách đến từ các nước "có nguy cơ cao".
Kể từ ngày 8-6, Chính phủ Anh yêu cầu người nhập cảnh nước này phải tự cách ly trong 2 tuần để phòng dịch COVID-19. Quy định này được áp dụng đối với cả công dân Anh và người nước ngoài, trừ một số trường hợp ngoại lệ, nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ hai từ nước ngoài.
Theo đó, người đến Anh bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển hoặc tàu hỏa phải cung cấp chi tiết hành trình và địa chỉ sẽ tự cách ly. Công dân Anh và hành khách nước ngoài nếu vi phạm quy định này sẽ bị phạt tiền lên đến 1.250 USD hoặc bị truy tố.
Các biện pháp phong tỏa để đối phó với đại dịch COVID-19 tác động đến nhu cầu và hoạt động của tất cả các lĩnh vực, dẫn đến nền kinh tế Anh trong tháng 4 đã suy giảm ở mức kỷ lục (giảm 20,4% so với tháng trước).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận