
Du khách làm thủ tục tại sân bay - Ảnh: THANH HIỆP
Sách Trắng 2025 vừa công bố, EuroCham chỉ ra năm điểm nghẽn đã tồn tại từ lâu, trở thành rào cản cho doanh nghiệp châu Âu khi kinh doanh, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đó là chính sách thị thực, thủ tục nhập cảnh - hạ tầng sân bay, giấy phép lao động, hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) và thủ tục hải quan.
Cải thiện quy trình nhập cảnh
EuroCham nhận định ngành du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh, nhưng so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Malaysia, Việt Nam cần cải thiện chính sách thị thực nhập cảnh nhằm nâng cao tính cạnh tranh.
EuroCham cho rằng Việt Nam cần triển khai cổng kiểm tra e-gate, tăng cường nhân sự tại các cửa nhập cảnh và bổ sung làn ưu tiên cho các nhóm khách nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục. Đồng thời cần cải thiện hệ thống giao thông sân bay, bao gồm làn thanh toán tự động, làn riêng cho xe không đón khách và mở rộng mạng lưới giao thông công cộng.
"Việc hiện đại hóa hạ tầng sân bay không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm du lịch mà còn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch và kinh tế toàn cầu" - theo EuroCham.
Về chính sách thị thực, hiệp hội này cho rằng Việt Nam cần áp dụng hệ thống thị thực phân cấp, bao gồm cấp thị thực dài hạn cho người nghỉ hưu và lao động số.
Đồng thời cần xem xét mở rộng diện miễn thị thực cho toàn bộ các quốc gia EU, cũng như Úc và New Zealand.
Việc đầu tư vào hạ tầng số để cải thiện quy trình cấp thị thực điện tử và cân nhắc sáng kiến "thị thực chung Đông Nam Á" nhằm thúc đẩy kết nối trong khu vực cũng là những bước đi cần thiết.
Hoàn thuế VAT, lưu ý đến cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ
Ngoài vấn đề nhập cảnh và thị thực, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng đúng hạn, ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền và hoạt động kinh doanh.
Theo EuroCham, nguyên nhân chủ yếu đến từ các quy định chưa rõ ràng, quy trình xác minh hóa đơn kéo dài và yêu cầu hồ sơ còn rườm rà, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, EuroCham đánh giá Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong hoạt động hải quan.
Doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng họ bị gặp khó khăn trong việc khai báo thuế suất ưu đãi do quy trình chưa thống nhất, dẫn đến nguy cơ bị xử phạt nếu xảy ra sai sót.
Việc cơ quan hải quan sử dụng cơ sở dữ liệu nội bộ để xác định trị giá hải quan cũng gây ra tranh chấp khi doanh nghiệp không thể chứng minh sự chênh lệch giá, làm suy giảm niềm tin vào quy trình hiện hành.
Cân nhắc ứng xử với xuất nhập khẩu tại chỗ
EuroCham cho rằng Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ. Mô hình giúp tăng tỉ lệ nội địa hóa "sản xuất tại Việt Nam".
Đề xuất của Bộ Tài chính về việc bãi bỏ thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ (theo khoản 1, điều 35, nghị định 08) "dường như đặt ưu tiên cho vấn đề quản lý hải quan hơn là lợi ích kinh tế", theo EuroCham. Bởi việc loại bỏ cơ chế này có thể làm gia tăng chi phí đầu vào sản xuất, kéo dài thời gian vận chuyển và làm suy giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận