01/04/2019 15:00 GMT+7

Doanh nghiệp châu Á chật vật giữ người tài vì ô nhiễm không khí

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Từ việc cho nghỉ làm vì khói bụi đến những khoản thưởng thêm vì ô nhiễm, nhiều doanh nghiệp châu Á đang cam kết tăng thêm phúc lợi nhằm giữ chân các lãnh đạo tài năng của họ ở lại châu lục này.

Doanh nghiệp châu Á chật vật giữ người tài vì ô nhiễm không khí - Ảnh 1.

Thủ đô Bắc Kinh trong một ngày ô nhiễm không khí nặng đầu năm 2017 - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin AFP, giới chuyên gia cảnh báo những lo ngại về sức khỏe đang trở thành vấn đề phải cân nhắc với những người từng bị cuốn hút mạnh mẽ trước các cơ hội việc làm gia tăng ở các nước châu Á trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng tại đây.

Bối cảnh hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp tại châu Á phải chật vật tìm cách đưa ra những chính sách ưu đãi cụ thể nhằm thu hút và giữ chân các chuyên gia họ cần.

Theo chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc, khoảng 92% người dân tại châu Á - Thái Bình Dương đang phải tiếp xúc với các mức độ ô nhiễm không khí tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng với sức khỏe của họ.

Điều này có nghĩa, ngoài các khoản lương tháng theo quy định, các doanh nghiệp cũng phải cung cấp thêm các khoản đãi ngộ khác khuyến khích người lao động để "bù đắp" cho các nguy cơ sức khỏe này.

Ông Lee Quane, giám đốc khu vực châu Á của hãng tư vấn ECA International, cho biết những chế độ đãi ngộ thêm đó có thể là việc trả tiền cho những kỳ nghỉ ngắn vì khói bụi vài tháng một lần, hoặc cho phép những cách thu xếp công việc phi truyền thống để mọi người sẵn lòng tới làm việc ở những nơi ô nhiễm hơn.

Theo ông Lee, ở "một nơi có mức độ ô nhiễm cao hơn, chắc chắc quý vị sẽ thấy chúng tôi đề nghị các mức trợ cấp tại bất cứ chỗ nào trong khoảng 10-20% lương cơ bản của mỗi người".

Phần ước tính này bắt nguồn từ hệ thống đánh giá của công ty ông Lee nhằm giúp các công ty có thể quyết định mức bù đắp tài chính phù hợp cho việc thay đổi chỗ làm. Nó cũng sẽ kết hợp với các yếu tố khác như tỉ lệ tội phạm và điều kiện tiếp cận các dịch vụ.

Ngoài ra, những điều khoản thỏa thuận khác mà các nhân viên có thể trông đợi khi chuyển tới làm việc tại những nơi ô nhiễm không khí cao còn có: được ở trong các căn hộ riêng tốt hơn, có hệ thống lọc không khí cho nhà và văn phòng làm việc, khẩu trang chống ô nhiễm và các đợt khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Năm 2014, công ty Panasonic xác nhận đã đề nghị một "khoản tiền thưởng ô nhiễm" cho những người làm việc cho công ty này tại Trung Quốc.

Trong khi đó, truyền thông tiết lộ công ty Coca Cola cũng đã đề xuất phần trợ cấp cho những người phải chịu đựng môi trường khổ cực vào khoảng 15% lương cho những nhân viên chịu tới Trung Quốc làm việc.

Doanh nghiệp châu Á chật vật giữ người tài vì ô nhiễm không khí - Ảnh 2.

Thủ đô New Delhi, Ấn Độ là một trong những nơi người dân than trời vì không khí ô nhiễm - Ảnh: REUTERS

Trung Quốc, Ấn Độ khổ vì ô nhiễm

Kể từ thời điểm đó tới nay Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng không khí, nhưng Bắc Kinh cùng nhiều trung tâm đô thị chính khác tại Nam Á, trong đó có thủ đô New Delhi của Ấn Độ, vẫn thường xuyên có các chỉ số chất lượng không khí vượt giới hạn an toàn với sức khỏe con người theo tiêu chuẩn của WHO.

Ấn Độ, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, cũng đang là nơi có tới 7 trong số những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo báo cáo gần đây của tổ chức Greenpeace và IQ Air Visual.

"Tất cả các lãnh đạo cấp cao đều muốn có kinh nghiệm làm việc tại Ấn Độ trong sơ yếu lý lịch của họ. Tuy nhiên có một nỗi lo về ô nhiễm liên quan tới các vấn đề sức khỏe", ông Atul Vohra, đối tác quản lý của hãng tuyển dụng toàn cầu Transearch, cho biết.

Ông Patrick Behar-Courtois, người điều hành hãng tư vấn về cách đãi ngộ của công ty, tổ chức tại Thượng Hải trong hơn mười năm qua, cho rằng "các đề nghị hào phóng về tài chính" vẫn là chưa đủ đề bù đắp cho những lo ngại về tình trạng ô nhiễm với những người có trình độ kỹ năng nghề nghiệp cao mà ông muốn tuyển dụng.

"Về cơ bản tôi đã phải sửa lại các chính sách tuyển dụng của mình và tìm kiếm những người ở địa phương, theo đó hẳn nhiên điều này có nghĩa tôi nhận được những hồ sơ kém kinh nghiệm hơn và tôi phải dành thêm thời gian để đào tạo họ", ông nói.

Nam Á và Đông Nam Á chưa cẩn trọng với vấn đề ô nhiễm không khí Nam Á và Đông Nam Á chưa cẩn trọng với vấn đề ô nhiễm không khí

Theo WHO, ô nhiễm không khí khiến khoảng 7 triệu trẻ sinh non tử vong mỗi năm, trong đó có 1,5 triệu ca tử vong ở khu vực Nam và Đông Nam Á.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên