Phóng viên Tuổi Trẻ đã kết nối với thượng úy Nguyễn Nhật Phương - cán bộ đội 3, Phòng PC07, một trong 12 gương mặt công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2020 và trung tá Nguyễn Chí Thành - phó đội trưởng đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM - để hỏi thăm về điều kiện làm việc và sinh hoạt của các anh những ngày qua tại nước bạn.
Vượt qua điều kiện khắc nghiệt
Tính đến thời điểm hiện tại, đội cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ được năm ngày. Đoàn dựng ba lều trại tại một trường học để nghỉ ngơi, lực lượng cứu hộ của một số nước khác cũng tập trung tại đây.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chúng tôi kết nối với thượng úy Phương qua tín hiệu mạng chập chờn. Anh cho biết anh em trong đội được hỗ trợ một số sim điện thoại để liên lạc với đơn vị. Hiện tại sóng điện thoại rất yếu, lúc được lúc không. Đoàn vừa di chuyển tới khu vực có nguồn điện rất yếu, lúc nói chuyện điện cũng đã cúp. Nước sạch không còn nữa.
"Trời lạnh, giữa trưa mà âm 3oC, anh em đang chia nhau đi tìm củi để đốt sưởi. Từ lúc qua tới nay trời trở lạnh hơn và thiếu nước nên chúng tôi chỉ lấy nước đóng chai lau người", anh Phương chia sẻ.
Thời tiết và lệch múi giờ cũng khiến mọi người trong đoàn mất sức và phải cố gắng thích ứng, nhất là đối với những người ở TP.HCM. Ngoài ra bất đồng ngôn ngữ giữa các nhóm cứu hộ cũng khiến việc phối hợp gặp một số khó khăn.
Nhưng sự đón chào của người dân địa phương với đoàn khiến anh em ấm lòng. Bên cạnh đó, các trang thiết bị hiện đại đoàn mang theo cũng đã giúp cho việc cứu hộ cứu nạn thuận lợi hơn.
"Đây là trải nghiệm chúng tôi sẽ mãi không quên, nó là bài học kinh nghiệm cho anh em trong đội. Đoàn vẫn đang cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ" - Phương nói, cho biết thêm đây là lần đầu tiên anh trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như vậy. Từ niềm vui vỡ òa khi cứu sống được một nạn nhân, cho tới những phút nhói lòng khi phải đưa ra những người đã chết.
Hỗ trợ hết mình
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, trung tá Nguyễn Chí Thành cho biết khi thực hiện nhiệm vụ, đội chia làm hai ca, thay nhau làm việc để mỗi người có chút thời gian nghỉ ngơi, lấy lại sức.
Anh cho biết thời tiết tại đây cũng là một thử thách lớn, ban đêm nhiệt độ âm 4-6oC, những ngày đầu chưa quen rất khó ngủ. Sau năm ngày dù đã cơ bản thích nghi hơn nhưng vẫn còn "chưa quen lắm". Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, khắc nghiệt. Các cửa hàng đều đóng cửa, đoàn chủ yếu ăn cơm, mì gói, bánh mì...
"Nhưng với tinh thần quốc tế, với tình yêu thương con người, lòng nhân ái, các cán bộ, chiến sĩ trong đội một lòng quyết tâm để vượt qua thử thách, đồng lòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hỗ trợ hết mình cho nước bạn", trung tá Thành chia sẻ.
Đoàn Việt Nam tiếp tục tới điểm cứu hộ mới
Ngày 14-2, đoàn cứu hộ, cứu nạn quốc tế của Bộ Công an Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục được cử tới hiện trường mới. Trước đó, đoàn ở một vị trí khác và đã tìm, đưa được bốn thi thể nạn nhân ra ngoài.
Địa điểm mới hiện nay là tòa C, chung cư Cinar Sitesi (gồm ba tòa nhà) ở số 66 đường Kemalpasa, quận Cumhuriyet, thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ.
Được biết do đội cứu nạn của Việt Nam có thiết bị tốt và hoạt động chuyên nghiệp nên được điều động đến hiện trường mới để ưu tiên "chạy đua với thời gian tìm cứu người còn sống".
Thổ Nhĩ Kỳ cứu được thêm ba nạn nhân sau 198 giờ mắc kẹt
Ngày 14-2, lực lượng cứu hộ đã giải cứu thêm được ba người sống sót sau 198 giờ bị mắc kẹt dưới các đống đổ nát do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Hãng tin Anadolu Agency, đó là anh Muhammed Cafer (18 tuổi) cùng hai anh em là Baki Yeninar (21 tuổi) và Muhammed Enes Yeninar (17 tuổi).
Trận động đất mạnh 7,8 độ hôm 6-2 và các dư chấn đến nay đã khiến hơn 37.000 người thiệt mạng ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây bắc Syria. Con số này có thể sẽ tiếp tục tăng, theo Hãng tin Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận