Trung tá Tạ Ngô Quyền - chỉ huy trưởng đầu tiên của nhà giàn đầu tiên - 1A Tư Chính - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Tôi xác định đã là người lính thì không có gì phải sợ, tôi sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì, ở đâu.
Trung tá Tạ Ngô Quyền
Đại tá Phạm Xuân Hoa - nguyên lữ đoàn trưởng lữ đoàn 171 - nhớ lại, sau khi hoàn thành nhiệm vụ khảo sát biển DK1 trở về, được tư lệnh Giáp Văn Cương khen ngợi.
Nhưng sau vài phút dứt lời khen, tư lệnh đã nói với ông và các đồng đội: "Các đồng chí mới hoàn thành nhiệm vụ khảo sát thôi. Đây chỉ mới là bước đầu. Nay mai còn nhiệm vụ ra chốt giữ chủ quyền rất quan trọng nữa".
Trọng trách mới lại đặt lên vai người lính hải quân.
Cờ Tổ quốc bay trên nhà giàn
Mỗi lần ra nhà giàn DK1, ai cũng xúc động khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc giữa biển cả chủ quyền của Tổ quốc. 30 năm trước, thượng úy Nguyễn Đình Thịnh - chỉ huy phó chính trị nhà giàn 1A Tư Chính - là người đầu tiên kéo lá cờ Tổ quốc bay cao trên nóc nhà giàn.
"Xúc động lắm, không thể tả nổi. Lúc đó, dù còn khó khăn, vất vả, dù còn bỡ ngỡ giữa biển bao la nhưng khi kéo lá cờ Tổ quốc lên, lòng tôi nhẹ nhõm và vui mừng khó tả" - ông Thịnh bồi hồi nhớ về giây phút ấy.
Cùng kéo lá cờ Tổ quốc ngày đó trên nóc nhà giàn là hạ sĩ báo vụ số 1 Lê Văn Đức - nay là thiếu tá phụ trách ngành thông tin vô tuyến điện tàu 09 - lữ đoàn 171 và thượng sĩ cơ yếu Nguyễn Ngọc Phước.
Đó là một buổi sáng sớm của một ngày giữa tháng 6-1989, thượng úy Thịnh cùng hai đồng đội của mình ăn mặc chỉnh tề.
"Lá cờ đỏ sao vàng được xếp gọn gàng, thẳng nếp để trên khay. Anh Thịnh treo cờ vào dây, tôi và anh cùng kéo cờ lên. Còn anh Phước đứng nghiêm, mắt ngước nhìn cờ" - thiếu tá Đức nhớ lại.
Thiếu tá Đức tâm sự, đến nay trong cuộc đời binh nghiệp của mình, giây phút kéo cờ trên nhà giàn 1A Tư Chính là khoảnh khắc đáng nhớ nhất, không thể nào quên.
"Lúc đó, cảm giác tôi lâng lâng. Đến bây giờ, cảm giác đó vẫn còn nguyên. Giữa biển bao la, giữa trời rộng lớn, lá cờ Tổ quốc - hình ảnh của đất mẹ hiển hiện ngay trước mắt. Mọi khó khăn, lo toan trong tôi đều tan biến kể từ giây phút kéo cờ ngày ấy" - thiếu tá Đức kể lại.
Nhà giàn 6A Ba Kè năm 1989 - Ảnh: Nguyễn Hữu Bảy (cựu chiến binh lữ đoàn 171)
Sẵn sàng nhận nhiệm vụ
Trung tá Tạ Ngô Quyền (61 tuổi) hiện sống trong căn nhà cấp bốn nhỏ hẹp, đơn sơ ở phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu. Cách đây đúng 30 năm, ông mang quân hàm đại úy và là một trong ba người chỉ huy ba nhà giàn đầu tiên: 1A Tư Chính - tức DK1/1 (hai nhà giàn còn lại là 3A Phúc Tần - tức DK1/3 và 6A Ba Kè - tức DK1/4).
Tháng 5-1989, khi đang làm trưởng ngành pháo - tên lửa của tàu săn ngầm HQ 09 (lữ đoàn 171), ông được điều động về khung quản lý DK1 - tiền thân tiểu đoàn DK1 bây giờ, giữ chức lô trưởng lô 1A Tư Chính.
Trước khi ra nhà giàn, trung tá Quyền được đại tá Hoàng Kim Nông - lữ đoàn phó chính trị - gọi lên để làm công tác tư tưởng, giao nhiệm vụ.
"Các anh ấy nói rằng đây là nhiệm vụ số 1 của số 1, làm nhiệm vụ đặc biệt không chỉ của lữ đoàn mà của toàn quân chủng. Tôi trả lời ngay, các anh cứ yên tâm, tôi xác định đã là người lính thì không có gì phải sợ, tôi sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì, ở đâu" - giọng của trung tá Quyền quả quyết như ngày nào.
Ngày 4-7-1989, trung tá Quyền cùng đồng đội xuống tàu HQ 272, thẳng tiến ra nhà giàn 1A Tư Chính. Trước khi ông ra nhà giàn 1A Tư Chính khoảng gần một tháng, chính trung tá Nguyễn Đình Thịnh, thiếu tá Lê Văn Đức và thượng sĩ Nguyễn Ngọc Phước đã theo tàu của dầu khí ra nhà giàn trước để nhận bàn giao từ đơn vị xây dựng.
Trung tá Thịnh nhớ lại: "Lúc được cấp trên giao nhiệm vụ, tôi vui vẻ nhận vì đã xác định đời người lính đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần".
Cùng với thời điểm nhà giàn 1A Tư Chính được thành lập, đại úy Nguyễn Văn Nam được điều động làm chỉ huy trưởng nhà giàn 3A Phúc Tần cùng trung úy Nguyễn Hữu Hưng. Còn nhà giàn 6A Ba Kè do đại úy Lê Văn Lập làm chỉ huy trưởng và đại úy Hà Văn Đức làm chỉ huy phó chính trị.
Ba nhà giàn đầu tiên dựng lên trên vùng biển chủ quyền và họ là những người lính đầu tiên lên đường ra chốt giữ. Những ngày đầu tiên ra nhà giàn, trung tá Quyền, trung tá Thịnh cùng đồng đội phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và thiếu thốn.
Đó là bếp dầu nấu cơm dùng bấc bị ẩm do nước biển nên cả tháng đầu tiên cả đơn vị phải ăn cơm sống, cơm sượng. Đó là nước ngọt - một ngày mỗi người chỉ được 10 lít cả đánh răng, rửa mặt và tắm giặt. Đó là rau xanh thiếu thốn, cả đơn vị ai cũng bị bệnh đường ruột.
"Hai mươi ngày đầu, tôi không ngủ được vì lo. Lo nhà giàn rung lắc, nhất là những ngày sóng gió to. Lo nồi cơm không chín. Lo vì hầu hết chiến sĩ từ bộ binh sang nên chưa quen biển cả" - trung tá Quyền cho biết.
Trung tá Thịnh cũng không thể nào quên những ngày đầu gian khó, vất vả ấy. Đó là những ngày sóng lừng to như quả núi cứ đánh ầm ầm, họ phải nấu cơm nắm, nước uống đổ vào can nhựa để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Đó là những ngày dài chỉ ăn rau muống khô, củ cải khô. "Nhưng chúng tôi phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ" - thiếu tá Đức nhớ lại.
Từ đó, những người lính hải quân đầu tiên trên nhà giàn đầu tiên 1A Tư Chính thay nhau ca trực, cưa chai thủy tinh làm chụp che gió cho đèn dầu để treo bốn góc nhà giàn. Rồi thay nhau lau chùi vũ khí, lau sàn nhà, lau thép để chống gỉ. Cứ như thế cho đến 20 ngày sau, khi trung tá Tạ Ngô Quyền cùng các đồng đội khác ra đây để đủ quân số cho một kíp nhà giàn.
Tư lệnh Giáp Văn Cương: "Phải giữ bằng được nhà giàn"
Sau 30 năm, đến nay trung tá Quyền, trung tá Thịnh và thiếu tá Đức vẫn không quên lời dặn dò của tư lệnh Giáp Văn Cương. Đó là ngày 20-7-1989, sau khi nhà giàn 1A Tư Chính ổn định quân số, đích thân tư lệnh Giáp Văn Cương đã ra kiểm tra.
Tư lệnh Giáp Văn Cương (thứ hai từ trái) thăm và làm việc, kiểm tra nhà giàn 1A Tư Chính tháng 7-1989 - Ảnh tư liệu truyền thống của lữ đoàn 171
Cả ba ông đều nhớ như in lời dặn dò của vị tư lệnh tài ba: "Dù thế nào, các đồng chí phải giữ cho bằng được nhà giàn vì đây là chủ quyền do cha ông ta đổ xương máu mà có được. Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí, các đồng chí phải giữ được nhà giàn".
Kỳ tới: Những ngày gian khó
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận