09/05/2023 08:56 GMT+7

Định danh tài khoản mạng xã hội: Cần bàn việc ngăn chặn sẽ mất dấu vết

Ý kiến này được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nêu ra từ phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp liên quan việc chấp hành pháp luật về phòng chống mua bán người, ngày 8-5.

Trang Facebook của ca sĩ Mỹ Tâm được định danh rõ ràng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trang Facebook của ca sĩ Mỹ Tâm được định danh rõ ràng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Với nạn buôn bán người, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an đã có cơ chế phối hợp cụ thể về việc xác thực các tài khoản trên mạng xã hội.

Không định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý

Theo ông Lâm, khi cơ quan điều tra ở địa phương đến cấp huyện làm văn bản gửi bộ đề nghị xác thực các tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ có cơ chế phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử xác thực xem chủ tài khoản đó là ai.

Trong đó, có trường hợp xác định được và có trường hợp còn gặp khó khăn do một số đối tượng phạm tội sử dụng tin nhắn bằng ứng dụng OTT xuyên biên giới.

Đối với vấn đề này, theo ông Lâm, tới đây sẽ được giải quyết bằng khuôn khổ pháp lý cụ thể, khi Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Viễn thông sửa đổi. Trong dự luật này đã quy định sẽ quản lý các ứng dụng OTT nước ngoài như là các nền tảng trong nước.

"Nếu như không đáp ứng yêu cầu quản lý sẽ ngăn chặn. Ngăn chặn việc sử dụng các ứng dụng này để lập hội nhóm làm những việc lừa đảo, không truy vết được", ông Lâm nêu.

Thêm vào đó, ông Lâm cho hay nghị định thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đang được sửa đổi và sẽ ban hành trong năm 2023 đã có thay đổi rất quan trọng.

Cụ thể yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok... và mạng xã hội trong nước.

"Với các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau", ông Lâm nêu. Ông Lâm cũng nêu hiện nay có khó khăn là việc ngăn chặn, xóa bỏ các tài khoản mạng xã hội vi phạm cho dù là của ứng dụng nước ngoài thì bộ làm được.

Tuy nhiên khi ngăn chặn, xóa bỏ thì vô hình trung làm mất đi dấu vết, chứng cứ, gây khó khăn cho quá trình củng cố chứng cứ, đấu tranh của các lực lượng khác. Đây là việc sẽ phải bàn bạc trong việc phối hợp.

Ông Lâm cũng nêu việc Bộ Thông tin và Truyền thông có cơ chế rà soát, đo đạc thông tin trên không gian mạng nhưng với thông tin có dấu hiệu mua bán người thì rất tinh vi.

Do đó, rất cần cơ quan chuyên ngành đưa ra các tiêu chí, giúp rà quét, đánh giá và từ đó giúp ngăn chặn có hiệu quả việc sử dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi phạm tội như mua bán người.

Bảo đảm tính chính xác, minh bạch

Trước thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông về việc định danh tài khoản mạng xã hội, ông Nguyễn Duy Vĩ, giám đốc Công ty truyền thông Buzi, cho rằng nên thực hiện xác định người dùng thật vì một môi trường thông tin lành mạnh và hợp pháp.

Theo ông Vĩ, hiện có rất nhiều thông tin tiêu cực và những bài viết, những bình luận vô thưởng vô phạt mà không hề quan tâm đến hậu quả. Trong khi đó, rất khó truy ra những người tung tin đồn thất thiệt gây hậu quả cho cá nhân và doanh nghiệp, thậm chí cả chủ quyền đất nước.

"Thực tế, chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều người dùng không được định danh đang thoải mái chửi bới, xúc phạm cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức một cách vô tư và xem đó như là một đặc quyền qua từ "bóc phốt"" - ông Vĩ nhận định.

Bên cạnh đó cũng phải cần kiểm soát việc chia sẻ thông tin từ các trang tin hội nhóm trên mạng xã hội vì việc câu view, câu like bất chấp... Thậm chí nhiều trường hợp còn tưởng mình thay cả quy trình xử lý của pháp luật, gây hậu quả cực xấu, nhất là liên quan đến doanh nghiệp khi doanh nghiệp còn có nhiều người phụ thuộc, liên quan.

Bà Ánh Hồng, giám đốc marketing hệ thống bán lẻ 24hStore, cho rằng rất đồng tình với quyết định yêu cầu định danh tài khoản mạng xã hội của cá nhân và tổ chức.

Việc định danh trước tiên sẽ giúp đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong quá trình sử dụng các tài khoản mạng xã hội, đặc biệt là trên các nền tảng như Facebook, YouTube và TikTok.

"Qua thực tế công việc nhiều năm qua, tôi đã thấy những rủi ro và hậu quả có thể xảy ra khi một tài khoản mạng xã hội không được định danh đầy đủ. Đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ thiết bị công nghệ, đã có rất nhiều trường hợp khách hàng bị lừa đảo hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái mà không thể truy soát được đối tượng mạo danh lừa đảo là ai" - bà Hồng nói và cho rằng việc định danh còn giúp người tiêu dùng có được sự tin tưởng và an tâm hơn khi mua sắm trực tuyến.

Làm rõ lợi ích khi định danh

Khi bàn về việc định danh tài khoản mạng xã hội, ông Trần Viết Quân, nhà sáng lập kiêm giám đốc Công ty chuyển đổi số Tanca.io, cho rằng rất khó để thực thi. Thông thường các mạng xã hội sẽ xác thực người dùng qua email và số điện thoại. Số điện thoại hoặc email thường xác thực bằng OTP hoặc mật khẩu.

Trong khi đó, một người có thể tạo số lượng email không giới hạn vì có rất nhiều dịch vụ tạo mail miễn phí. Sau khi đăng ký các tài khoản mạng xã hội, việc đề xuất người dùng cung cấp nhiều thông tin định danh thông thường là không bắt buộc.

Thêm vào đó, nếu cung cấp nhiều thông tin cá nhân cho mạng xã hội, người dùng cũng rất sợ bị hack hay lộ lọt thông tin.

Ngay cả khi việc định danh được thông tin mạng xã hội thì việc kết nối hàng triệu dữ liệu này sang dữ liệu quốc gia cũng không hề dễ dàng vì nó có thể phụ thuộc vào mô hình kinh doanh mạng xã hội cũng như cơ sở hạ tầng mạng và dữ liệu.

Bà Nguyễn Nhàn, trưởng phòng truyền thông Công ty Tasco, chia sẻ bà cũng ủng hộ đề xuất, tuy nhiên cơ quan chức năng cần làm rõ và phải cho người dùng thấy được những lợi ích của việc định danh thay vì đưa ra "hình phạt".

Chẳng hạn nếu không định danh sẽ bị giới hạn một số tính năng... Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi cho cơ quan chức năng mà chắc chắn đông đảo người dân sẽ quan tâm như: định danh tài khoản mạng xã hội có được đồng bộ với hệ thống dữ liệu dân cư khác như căn cước công dân, bảo hiểm xã hội, thuế...?

Đại biểu BÙI HOÀI SƠN (ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội):

Phù hợp với quy luật chung

Thực tế, sự phát triển của mạng xã hội trải qua các giai đoạn khác nhau. Trong giai đoạn đầu tiên, mạng xã hội đã tạo ra thế giới ảo, khó nhận diện được người sử dụng, tương tác trên đó. Đây là nguyên nhân khiến mạng xã hội - thế giới ảo để lại tác hại rất tiêu cực không chỉ ở Việt Nam mà ở các nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, trải qua quá trình phát triển, mạng xã hội đã nhận ra và ở nhiều nền tảng mạng xã hội đã có những bộ quy tắc ứng xử riêng, quy định riêng về xác thực người sử dụng, kể cả cấm một số người như dưới 13 - 14 tuổi không được sử dụng mạng xã hội đó.

Vì vậy, chúng ta có thể tin tưởng cách thức đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra. Tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải định danh là phù hợp với quy luật chung của thế giới cũng như nguyên tắc, tôn chỉ của các trang mạng xã hội. Chúng ta cũng tin vào tính khả thi và khi làm được sẽ giúp môi trường mạng xã hội trong lành hơn.

Với các mạng xã hội mang tính toàn cầu thì việc yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội khi dùng ở Việt Nam phải định danh thì đòi hỏi cần có sự hợp tác của các nhà cung cấp với cơ quan chức năng.

Chúng ta hy vọng với tầm quan trọng, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ thuận lợi trong việc đàm phán với các trang mạng xã hội về việc này. Tôi tin việc làm trong sạch mạng xã hội không chỉ là nguyện vọng của riêng Việt Nam, một quốc gia nào mà của tất cả các nhà cung cấp.

Phát hiện 1,2 triệu thuê bao không chính chủ

Thời gian tới sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải định danh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thời gian tới sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải định danh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đề cập việc đấu tranh việc lợi dụng công nghệ để hoạt động phạm tội trên không gian mạng và mạng viễn thông, trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - thứ trưởng Bộ Công an - nói qua đề án 06 xác thực cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với số điện thoại đã góp phần làm chuyển biến tình hình.

Đến ngày 15-4, với những thuê bao không xác thực chính chủ đã bị cắt liên lạc hai chiều.

Qua đó đã phát hiện 1,2 triệu thuê bao không xác thực chính chủ và không ít trong đó tiềm ẩn việc tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, còn lại có những dạng sim được khuyến mãi nhưng không được sử dụng.

Ông Ngọc cũng thông tin sắp tới bộ sẽ bàn với phía ngân hàng tiến hành xác thực tài khoản thanh toán. "Như vậy chúng ta sẽ tiếp cận và hạn chế được vấn đề tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao dưới hình thức sim điện thoại hay thanh toán tài khoản, thanh toán tiền", trung tướng Ngọc nêu.

Về nạn buôn người, ông Ngọc cho hay thời gian tới sẽ phối hợp với các ngành như với Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) để có dữ liệu dạy nghề. Từ đó, giúp kiểm soát các trường hợp đi ra nước ngoài lao động, giảm việc lợi dụng buôn bán người thông qua việc đưa người đi lao động nước ngoài.

Sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải định danhSẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải định danh

Yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh, áp dụng cho cả Facebook, YouTube, TikTok...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên