05/11/2013 07:41 GMT+7

Điều tra các ngân hàng Nhật bắt tay mafia

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Bê bối ngân hàng tiếp vốn cho các băng đảng tội phạm yakuza ở Nhật tiếp tục lan rộng sau khi chính phủ buộc phải vào cuộc điều tra hàng loạt ngân hàng lớn.

Mafia và ngân hàng: mối quan hệ nguy hiểm Cấp tài khoản cho tội phạm, ngân hàng Nhật xin lỗi Nhật sẽ điều tra ba ngân hàng lớn

TAv79tmy.jpgPhóng to
Lãnh đạo Mizuho (giữa) cùng các quan chức cúi đầu xin lỗi tại cuộc họp báo tổ chức ở Ngân hàng Trung ương Nhật hôm 28-10 - Ảnh: Reuters

Hoạt động ngầm của lực lượng yakuza chẳng phải là điều lạ lẫm gì ở Nhật, và việc bắt tay giữa các tổ chức tài chính và băng đảng tội phạm không khiến nhiều người ngạc nhiên. Dù vậy, hàng loạt ngân hàng lớn của nước này đang trong tầm ngắm cuộc điều tra của Cơ quan Quản lý tài chính Nhật Bản (FSA) liên quan đến vụ bê bối cho các thành viên thế giới ngầm vay tiền.

FSA cho biết sẽ gửi thanh tra tới ba ngân hàng lớn nhất nước Mizuho, Tokyo Mitsubishi UFJ và Sumitomo Mitsui trong tuần này để “xem xét việc điều hành, tuân thủ luật pháp và quản lý rủi ro chung của họ” - giám đốc Cục Điều tra thuộc FSA Hiroki Kato nói. Cuộc điều tra khởi động vào hôm nay 5-11. Cả ba ngân hàng có liên quan đều từ chối bình luận khi được trang CNN hỏi.

Trong khi đó, trang Kyodo News ngày 1-11 đưa tin Quốc hội Nhật Bản sẽ họp thảo luận về vụ bê bối yakuza vào cuối tháng, trong đó chủ tịch Ngân hàng Mizuho dự kiến sẽ bị triệu tập để đối chất. Ngoài ra, các chính trị gia cho biết Hạ viện Nhật sẽ tranh luận nghiêm túc vấn đề này từ tuần sau.

Vụ việc bùng nổ từ tháng 9-2013 sau khi Ngân hàng Mizuho bị phát hiện cho các băng đảng yakuza vay hơn 200 triệu yen (khoảng 2 triệu USD) trong khoảng 230 giao dịch. Ngân hàng này và công ty mẹ Tập đoàn tài chính Mizuho tuần trước đã thừa nhận cho khách hàng liên quan đến “các lực lượng chống đối xã hội” vay nhưng đổ lỗi hệ thống quản lý phức tạp. Tổng cộng 54 nhân viên cao cấp, gồm cả chủ tịch Takashi Tsukamoto của Mizuho, có liên quan đến các giao dịch trên bị trừng phạt bằng hình thức trừ lương. Ông Tsukamoto sẽ thôi chức chủ tịch nhưng vẫn giữ vị trí lãnh đạo ở công ty mẹ. Còn giám đốc điều hành tập đoàn mẹ Yasuhiro Sato sẽ làm việc sáu tháng không lương.

Tuy nhiên, Bộ trưởng tài chính Taro Aso cuối tuần trước tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng ra thêm hình phạt cho ngân hàng này bởi chuyện tự phạt làm việc không lương là quá nhẹ cho một sai phạm nghiêm trọng. “Chúng ta phải cân nhắc lại việc này, phụ thuộc vào kết quả điều tra” - AFP dẫn lời ông Aso cho biết. Đáp lại các chỉ trích về vai trò của FSA trong bê bối này, ông Aso khẳng định các cơ quan quản lý cần chấn chỉnh và làm tốt hơn trách nhiệm được giao.

Phát biểu của ông Aso cho thấy tầm nghiêm trọng của bê bối lần này, trong đó Mizuho bị cáo buộc đã nộp lên FSA báo cáo giả về các khoản cho yakuza vay. Ngân hàng này trước đó phủ nhận cố tình tiếp tay cho yakuza, nhưng các luật sư của ngân hàng sau đó khẳng định nhiều lãnh đạo cấp cao của Mizuho, bao gồm ông Sato, đã biết chuyện này từ năm 2010 nhưng cố tình phớt lờ. Cựu chủ tịch Satoru Nishibori cũng thừa nhận được báo cáo vào đầu năm 2011.

Ngay sau khi cuộc điều tra được công bố, một tổ chức tài chính khác là Ngân hàng Shinsei đã nhanh chóng lên tiếng thừa nhận và xin lỗi vì đã cho yakuza vay tiền. “Các biện pháp kiểm soát nội bộ của chúng tôi không đủ nghiêm khắc” - chủ tịch ngân hàng Shigeki Toma nói.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên