15/04/2021 08:30 GMT+7

Điều tra các ca đông máu sau tiêm vắc xin: Công nghệ vector virus có liên quan?

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - FDA Mỹ cho biết giả thiết hàng đầu là vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca và J&J đã kích hoạt phản ứng miễn dịch hiếm gặp có liên quan đến công nghệ vector virus.

Điều tra các ca đông máu sau tiêm vắc xin: Công nghệ vector virus có liên quan? - Ảnh 1.

Vắc xin ngừa COVID-19 Janssen của Hãng Johnson & Johnson - Ảnh: REUTERS

Các nhà khoa học đang điều tra công nghệ vector virus sử dụng trong nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson (J&J) và AstraZeneca, dựa trên giả thiết hàng đầu là các vắc xin đã kích hoạt phản ứng miễn dịch hiếm gặp liên quan đến vector virus này.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ ngày 13-4 khuyến nghị tạm ngừng tiêm vắc xin của J&J sau khi ghi nhận 6 ca đông máu hiếm gặp, gọi là huyết khối xoang tĩnh mạch não (CVST), ở phụ nữ dưới 50 tuổi trong khoảng 7 triệu người đã tiêm vắc xin của J&J tại Mỹ.

Tuần trước, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) nói có mối liên hệ giữa vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng AstraZeneca với 169 trường hợp huyết khối xoang tĩnh mạch não, cùng tình trạng giảm tiểu cầu, trong số 34 triệu liều đã tiêm ở khu vực này.

Công nghệ vector virus

Cả hai vắc xin đều được phát triển dựa trên công nghệ vector virus dùng virus cúm thông thường adeno - đã được làm cho vô hại - làm vector mang thông tin di truyền đặc biệt của virus corona. Khi tiêm vào cơ thể người, vector sẽ dạy cơ thể cách tạo ra protein gai - được tìm thấy trên vỏ ngoài của virus corona - giúp hệ miễn dịch tạo kháng thể chống lại virus này.

Theo Hãng tin AP, các ca đông máu đã ghi nhận không phải là các trường hợp điển hình. Chúng kỳ lạ theo hai cách. Đầu tiên, chúng xảy ra ở những bộ phận đặc biệt của cơ thể, như các tĩnh mạch máu não. Thứ hai, những bệnh nhân này cũng xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu - tế bào giúp đông máu khi con người bị thương.

Các nhà khoa học tại Na Uy và Đức là những người đầu tiên đưa ra giả thiết về việc một số người gặp phản ứng bất thường của hệ miễn dịch sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca, hình thành kháng thể tấn công chính tiểu cầu của họ.

Theo nghiên cứu, kết quả xét nghiệm nhiều trường hợp đông máu phát hiện kháng thể có khả năng kết dính với một phân tử gọi là PF4 trên bề mặt tiểu cầu. Ông Andreas Greinacher, thuộc ĐH Greifswald (Đức), cho rằng vắc xin của AstraZeneca có thể kích hoạt cơ thể sản xuất loại kháng thể này, và tạo ra các cục máu đông.

Mỹ hiện đang điều tra các ca đông máu sau khi tiêm vắc xin J&J theo giả thiết này. FDA Mỹ ngày 13-4 cho biết giả thiết hàng đầu là hai loại vắc xin trên đã kích hoạt phản ứng miễn dịch hiếm gặp có liên quan đến vector virus này. FDA nói sẽ phân tích dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng của nhiều loại vắc xin khác cũng sử dụng các vector virus này, bao gồm vắc xin ngừa Ebola của Hãng J&J, để tìm manh mối.

Cho đến nay không có loại vắc xin sử dụng vector virus nào được tiêm chủng với quy mô lớn như vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng J&J và AstraZeneca. Điều này có thể lý giải vì sao mối liên hệ tiềm ẩn với tình trạng đông máu chỉ xuất hiện trong các chương trình tiêm chủng quy mô lớn này.

Tình trạng đông máu tương đồng nhau

Nga và Trung Quốc cũng sử dụng công nghệ vector virus trong nghiên cứu phát triển các loại vắc xin ngừa COVID-19 của họ. Theo Hãng tin Reuters, vấn đề đông máu cũng có thể ảnh hưởng đến vắc xin Sputnik V của Nga và vắc xin COVID-19 của Công ty CanSino Biologics của Trung Quốc do sử dụng virus adeno làm vector. J&J sử dụng chủng Ad26 của virus adeno trong khi Công ty CanSino Biologics sử dụng chủng AD5. Sputnik V dùng cả hai chủng này.

Tiến sĩ Peter Marks, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đánh giá sinh học thuộc FDA, nói đông máu không phải là vấn đề chung của tất cả các vắc xin dùng vector virus nhưng thừa nhận có điểm tương đồng trong các trường hợp đông máu đã được ghi nhận. 

Ông Marks nói "rõ ràng" các trường hợp đông máu sau khi tiêm vắc xin J&J "rất giống" với các trường hợp sau khi tiêm vắc xin của Hãng AstraZeneca. Ông Marks cho biết không có báo cáo về các trường hợp đông máu tương tự trong những người đã tiêm vắc xin của Hãng Moderna và Pfizer/BioNTech - vốn sử dụng công nghệ mRNA để phát triển vắc xin COVID-19.

Khác biệt cơ bản nhất là mRNA sử dụng thông tin di truyền từ virus corona để hướng dẫn tế bào con người tại protein gai nhưng công nghệ này không sử dụng một virus khác để làm vector. Cả hai loại vắc xin dùng công nghệ mRNA đều cần bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh, trong khi vắc xin của J&J và AstraZeneca có thể bảo quản trong tủ lạnh thông thường.

Giới khoa học cũng bị ấn tượng bởi các trường hợp đông máu tương tự nhau sau khi tiêm vắc xin J&J và AstraZeneca. Danny Altmann, giáo sư miễn dịch học tại ĐH Hoàng gia London (Anh), cho rằng các trường hợp đông máu tương tự nhau này rất đáng chú ý và cần tìm ra cơ chế kích hoạt tình trạng này.

Ông John Moore, giáo sư vi sinh học và miễn dịch học tại ĐH Y Weill Cornell (New York, Mỹ), nói việc kiểm tra xem có mối liên hệ chung nào với virus adeno là "một giả thiết hợp lý, và đó là một hướng để điều tra và nghiên cứu. Nhưng điều đó không có nghĩa là giả thiết này đã được chứng minh". 

Ông Moore, tham dự họp báo tại Nhà Trắng cùng các nhà khoa học khác ngày 13-4, nói FDA và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đang hợp tác với giới chức y tế châu Âu để tìm hiểu xem liệu hội chứng liên quan tới vắc xin AstraZeneca và J&J là tương tự nhau hay không.

Một manh mối quan trọng có thể nằm ở thực tế là các trường hợp được báo cáo khoảng 13 ngày sau khi người bệnh được tiêm vắc xin. Đây là khoảng thời gian các kháng thể có thể xuất hiện, theo ông Moore.

Các cuộc điều tra kiểu này thường mất vài năm. Tuy nhiên, ông Moore tin rằng cũng giống như việc các vắc xin COVID-19 được phát triển thành công trong thời gian kỷ lục, rất nhiều nỗ lực hiện nay của cộng đồng khoa học sẽ giúp tìm ra đáp án cho cuộc điều tra này trong vài tuần.

Các vắc xin Việt Nam được sản xuất bằng công nghệ nào?

vacxin

Tiêm vắc xin AstraZeneca cho cán bộ chiến sĩ Bệnh viện Quân y 175 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-4, thành viên nhóm nghiên cứu - thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax (vắc xin Việt Nam của Công ty Nanogen) cho biết vắc xin này được sản xuất bằng công nghệ protein tái tổ hợp, tức là protein - bộ gen của virus được nuôi cấy bằng công nghệ sinh học, làm tinh sạch và đóng vào ống tiêm, khi tiêm tạo ra kháng thể.

Còn vắc xin Covivac (vắc xin Việt Nam của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang) sản xuất bằng công nghệ vector virus, đây là công nghệ mới, hiện đại, khác về công nghệ so với công nghệ protein tái tổ hợp. Nhà sản xuất sử dụng mảnh vật chất di truyền khi tiêm vào cơ thể mới nhân lên và tạo ra protein, tức là kháng nguyên.

Đến thời điểm hiện tại, qua theo dõi gần 60.000 người tiêm vắc xin AstraZeneca tại Việt Nam có ghi nhận tỉ lệ khoảng 0,7% gặp các phản ứng nặng sau tiêm (sốc phản vệ, tiêu chảy, kẹt huyết áp, phình mạch ở vị trí tiêm...), chưa ghi nhận trường hợp gặp phản ứng đông máu sau tiêm. Vắc xin Nano Covax chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

L.ANH

Những sai sót khi tiêm ngừa vắc xin COVID-19

Trung tâm Phòng chống dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ đã nhận được hơn 300 thông tin thông qua dịch vụ phản hồi để đưa ra hướng dẫn giúp xử trí các trường hợp sai sót xảy ra do tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh COVID-19.

Lỗi thường gặp nhất (gặp hơn 1/3 trong tất cả các sai sót) là tiêm thấp hơn liều quy định (ví dụ, do kim tiêm không gắn chặt với bơm tiêm, gây đổ ra ngoài một lượng vắc xin). Lỗi sai phổ biến khác là tiêm cho người trẻ hơn so với độ tuổi quy định (chiếm 18,5% các lỗi) và tiêm qua đường khác (như tiêm dưới da) thay vì tiêm bắp (chiếm 12,3% các lỗi).

Các lỗi khác như: tiêm sai vị trí giải phẫu (phải tiêm vào vai nhưng lại tiêm vào mông, gặp 10,2%); tiêm liều 2 sớm hơn 4 ngày, có nghĩa là <17 ngày so với quy định là 21 ngày đối với vắc xin của Pfizer-BioNTech, hoặc <24 ngày so với quy định là 28 ngày đối với vắc xin của Moderna (gặp 6,5%); liều thứ nhất và thứ hai khác nhà sản xuất (4,9%); tiêm vắc xin sau khi bảo quản và xử lý không thích hợp (nhiệt độ bảo quản không theo quy định, tiêm quá lâu sau khi rút vắc xin từ lọ chứa, dùng vắc xin sau thời điểm quy định sử dụng); dùng dung dịch hòa tan không đúng, chiều dài kim tiêm không đúng, bơm tiêm quá hạn; tiêm nhiều hơn liều cho phép như: tiêm vắc xin mà không dùng dung dịch hòa tan.

Các chuyên gia lưu ý, những sai sót nêu trên có thể xảy ra đối với việc sử dụng các loại vắc xin mới được cấp phép như vắc xin của Janssen (Johnson & Johnson). Các nhà sản xuất cũng cần điều chỉnh các khiếm khuyết do kỹ thuật bào chế để tránh các sai sót dễ xảy ra cho thực hành tiêm chủng.

BS MAI VĂN BÔN (Theo CDC & Medscape)

Vì sao vắc xin của AstraZeneca và Johnson & Johnson gây đông máu? Vì sao vắc xin của AstraZeneca và Johnson & Johnson gây đông máu?

TTO - Sau khi vắc xin phòng COVID-19 của Hãng AstraZeneca có liên hệ với biến chứng đông máu rất hiếm sau tiêm, ngày 13-4, đến lượt Mỹ khuyến cáo tạm ngưng sử dụng vắc xin của Johnson & Johnson (J&J) vì lý do tương tự.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên