23/03/2023 08:02 GMT+7

Điều phương Tây e ngại đã diễn ra: Nga - Trung bắt đầu quan hệ đối tác chiến lược

Một trong những e ngại của phương Tây đã trở thành mối quan tâm thực sự từ 21-3, ngày hai cường quốc Nga - Trung tuyên bố về mối quan hệ đối tác chiến lược.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nâng ly trong buổi tiệc chiêu đãi tại Điện Kremlin ở Matxcơva (Nga) vào ngày 21-3 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nâng ly trong buổi tiệc chiêu đãi tại Điện Kremlin ở Matxcơva (Nga) vào ngày 21-3 - Ảnh: Reuters

Những tín hiệu đầu tiên về sự ra đời của mối tương tác chiến lược này đã được Bắc Kinh phát đi hồi tháng 2-2023. Khi đó, lần đầu tiên trong xung đột Nga - Ukraine, Bắc Kinh từ bỏ những lời kêu gọi hữu hảo vốn là đặc trưng của ngoại giao Trung Quốc mà đưa ra kế hoạch 12 điểm nhằm giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine.

Cuộc gặp cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva từ ngày 20 đến 22-3 được đánh giá là cột mốc chính thức cho sự hình thành mối liên hệ cấp độ chiến lược này.

"Một vấn đề thực sự nghiêm trọng"

Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Tập ngay sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 3 (hôm 10-3) cho thấy "sự chọn lựa chiến lược" của Bắc Kinh - như thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.

Sự chọn lựa này được củng cố bằng 14 văn kiện ký kết hôm 21-3, trong đó hai tuyên bố chung về việc "Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược bước vào thời kỳ mới", và về "Kế hoạch phát triển các lĩnh vực hợp tác kinh tế trọng điểm của Nga - Trung đến năm 2030" đặt nền tảng cho một quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng.

Như nhận định của ông V. Putin, "khi đánh giá tình hình thế giới, quan điểm của Nga và Trung Quốc trùng khớp hoặc rất giống nhau".

Tuyên bố chung nói quan hệ hai nước "đã chín muồi, ổn định, tự túc và mạnh mẽ, đã vượt qua thử thách của đại dịch COVID-19 và tình hình quốc tế đầy biến động, không chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, thể hiện sức sống và năng lượng tích cực".

Trong khi Nga tái khẳng định cam kết của mình đối với nguyên tắc "Một Trung Quốc", công nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của CHND Trung Hoa, thì Trung Quốc ủng hộ lời kêu gọi điều tra khách quan về các vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream).

Không chỉ thế, ông Tập còn gọi phán quyết "bắt giữ" tổng thống Nga của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) hôm 17-3 là "một bước đi vô trách nhiệm".

Đặc biệt, tuyên bố chung nhấn mạnh Nga và Trung Quốc "đẩy nhanh tiến trình xác lập một trật tự thế giới đa cực".

Theo nhà khoa học chính trị Nga S. Markov, hiện nay trên thế giới đang có những xu hướng rất trái ngược nhau về vấn đề này.

"Một mặt, các quốc gia bên ngoài trung tâm châu Âu - Đại Tây Dương của NATO đang phát triển nhanh hơn các nền kinh tế châu Âu. Hoa Kỳ dần mất vị thế thống lĩnh của một cực.

Nhưng từ quan điểm chính trị, Hoa Kỳ và châu Âu đang cố thiết lập lại thế giới đơn cực... Do đó, điều quan trọng là Nga phải có một đối tác mạnh mẽ trong vấn đề này", ông Markov bình luận trên kênh Telegram của mình.

Nay, "Nga và Trung Quốc nói đó là liên minh không biên giới, tôi nghĩ đó là vấn đề thực sự đối với các nước phương Tây..., bất kể điều gì xảy ra ở Ukraine... Tôi nghĩ rằng một trục Nga - Trung sẽ được hình thành, với Iran và Triều Tiên sẽ tham gia", cựu trợ lý của Tổng thống Mỹ về an ninh quốc gia John Bolton nói trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Telegraph (Anh) hôm 21-3.

Chưa nhiều hy vọng cho hòa bình Ukraine

Vào tháng 2, Bắc Kinh lần đầu tiên từ bỏ những lời kêu gọi trung lập truyền thống và đưa ra một tầm nhìn 12 điểm để giải quyết xung đột ở Ukraine.

Trong cuộc gặp lần này, lập trường về Ukraine cũng được xác định trong tuyên bố tổng kết, nêu rõ để giải quyết vấn đề Ukraine, "cần phải tôn trọng các mối quan tâm chính đáng của tất cả các quốc gia trong lĩnh vực an ninh và ngăn chặn sự hình thành đối đầu khối".

Phát biểu sau cuộc gặp, ông V. Putin cho rằng nhiều điều khoản trong kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đưa ra phù hợp với cách tiếp cận của Nga và có thể được coi là cơ sở cho một giải pháp hòa bình khi phương Tây và Kiev sẵn sàng cho điều đó.

Theo sát chuyến thăm của ông Tập, các chính trị gia Mỹ và châu Âu đã đưa ra tuyên bố vào các ngày 20 và 21-3, chỉ ra "những thiếu sót trong kế hoạch của Trung Quốc".

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken cho biết sáng kiến hòa bình của Trung Quốc đáng lo ngại vì nó "không kêu gọi Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng".

Ông Farhan Haq, phó đại diện của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), cho biết hôm 21-3 rằng "rất khó để hình dung một tiến trình hòa bình cho Ukraine hiện nay", dù LHQ "ủng hộ mọi nỗ lực của tất cả các nước nhằm làm những gì có thể để giải quyết xung đột thông qua đối thoại".

Không chỉ thế, từ phía phương Tây, các kêu gọi cũng như hoạt động viện trợ vũ khí cho Kiev lại được đẩy nhanh.

Tại cuộc họp báo ở Kiev hôm 21-3, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tuyên bố phân bổ 30 triệu USD để cung cấp vũ khí phi sát thương cho Ukraine.

Cũng trong ngày 21-3, Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ John Kirby nói với trang MSNBC rằng Hoa Kỳ đang làm việc để giao xe tăng Abrams cho Ukraine "nhanh hơn một chút" so với dự kiến trước đây.

London loan báo Anh sẽ cung cấp cho Ukraine đạn pháo chứa uranium nghèo và tăng hiệu quả tiêu diệt các phương tiện bọc thép...

Phương Tây "phản ứng đối xứng"

Chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, diễn ra cùng ngày ông Tập bắt đầu chuyến thăm Nga, được Hãng TASS (Nga) đánh giá là "phản ứng đối xứng" của phương Tây cho chuyến đi của ông Tập.

Nhật Bản, với tư cách là chủ tịch G7, sẽ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, viện trợ cho Kiev và cũng sẽ tham gia quá trình tái thiết Ukraine.

Đó là những lời hứa của Thủ tướng Nhật Bản trong tuyên bố chung của ông với tổng thống Ukraine do Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố hôm 21-3.

Trong khi đó, CNN nhấn mạnh ông Tập Cận Bình qua chuyến thăm để "đảm nhận vai trò người kiến tạo hòa bình chính trong xung đột Nga - Ukraine và loại bỏ vai trò này khỏi tay Hoa Kỳ".

Cuộc gặp cấp cao đầu tiên sau khi ICC ban hành lệnh "bắt giữ" ông Putin đã "phá hủy mọi nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập ông Putin", Đài CNN bình luận. Báo Guardian thì cho rằng cuộc gặp "không thể che giấu một sự thật rằng Matxcơva đang phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh".

Hai khoảnh khắc và một ẩn số

"Khí đốt, dầu và nhân dân tệ" - có thể tóm gọn như thế về những triển vọng hợp tác Nga - Trung trong thời gian tới qua các văn kiện và tuyên bố hợp tác. Tuy nhiên, một ẩn số lớn tiếp tục là vấn đề hợp tác quân sự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rời buổi tiệc chiêu đãi ở Điện Kremlin tại Matxcơva (Nga) vào ngày 21-3 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rời buổi tiệc chiêu đãi ở Điện Kremlin tại Matxcơva (Nga) vào ngày 21-3 - Ảnh: Reuters

Cổng thông tin doanh thương Nga - The Bell - nêu thắc mắc này khi cho rằng không phải ngẫu nhiên mà các cuộc đàm phán có sự tham gia của Giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật - quân sự, Phó thủ tướng Denis Manturov - một trong những người có trách nhiệm giám sát ngành công nghiệp quân sự.

Trong khi đó, tờ The New York Times trích dẫn dữ liệu hải quan cho rằng kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt đến nay, Trung Quốc đã bán máy bay không người lái và linh kiện trị giá hơn 12 triệu USD cho Nga.

Có hai khoảnh khắc được truyền thông thế giới đặc biệt lưu ý trong chuyến làm việc của ông Tập tại Nga. Đầu tiên là tại cuộc gặp chung hôm 21-3 trước khi vào hội đàm kín.

Ông Tập nói về cuộc bầu cử tổng thống của Nga dự kiến diễn ra vào năm tới, và trong khi bản thân ông Putin chưa hề nói lời nào về việc có lại ra tranh cử hay không thì ông Tập "tin chắc rằng người dân Nga sẽ ủng hộ" ông Putin.

Khoảnh khắc thứ hai là lời ông Tập khi chia tay: "Giờ đây đang diễn ra những thay đổi chưa từng có trong một trăm năm qua.

Chúng ta sẽ cùng nhau dịch chuyển những đổi thay này". Có lẽ không sai khi tờ Washington Post bình luận: "Kết quả các cuộc đàm phán là mối quan hệ không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị giữa Nga và Trung Quốc ngày càng sâu sắc... Sự phát triển của mối quan hệ Nga - Trung, vốn có đặc điểm chống phương Tây, chỉ mới bắt đầu".

Thông điệp từ hội đàm Nga - TrungThông điệp từ hội đàm Nga - Trung

Kế hoạch hòa bình cho Ukraine do Trung Quốc đề xuất trong cuộc hội đàm Nga - Trung trở thành trọng tâm trong chuyến thăm chính thức của ông Tập tới Nga. Tại Matxcơva, ông Tập đã có cuộc gặp lần thứ 40 với ông Putin trong một thập niên qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên