25/11/2022 09:00 GMT+7

Điều kỳ diệu cho bệnh nhân ung thư phổi

MY LĂNG
MY LĂNG

Một ngày của ông V.P, một doanh nhân 71 tuổi đang sống tại TP.HCM, bắt đầu từ khá sớm.

Sáng nào ông cũng dành thời gian tập thể dục trên ban công, cảm nhận sự bình yên và trong lành của một sớm mai, tận hưởng sự thư thái và lắng nghe cơ thể mình…

Điều kỳ diệu cho bệnh nhân ung thư phổi - Ảnh 1.

Buổi sáng bình yên của ông V.P.

Những việc rất giản đơn, bình dị đó, đã có lúc, ông tưởng chừng mình không còn cơ hội để làm nữa. Đó là giai đoạn ông suy sụp và hoang mang khi phát hiện mình mắc ung thư phổi hồi 4 năm về trước…

Cuộc sống có biến cố…

Tháng 10-2018, sau chuyến đi công tác ở nước ngoài về, bị ho ra máu, ông đến Bệnh viện Gia Định khám và bàng hoàng nghe bác sĩ thông báo có u phổi. "Tôi không nghĩ mình lại bị ung thư. Không biết phải làm gì nữa. Đời người vô thường quá, mình không thể biết trước được mình sẽ như thế nào, thậm chí tôi không nghĩ mình lại bị ung thư", ông nói.

Do khối u quá to, không thể phẫu thuật được, sau khi nghe bác sĩ tư vấn, ông đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM gặp bác sĩ Nguyễn Tuấn Khôi (Trưởng Khoa Nội Ung thư Phổi - Phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) tìm hiểu về phương pháp điều trị ung thư mới. Rất nhiều phương pháp được thảo luận và trong trường hợp của ông, bác sĩ tư vấn điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Theo bác sĩ, đây là một trong những biện pháp điều trị mới hiện nay và là một phương pháp tiên tiến trong điều trị ung thư trong những năm gần đây. 

"Lúc đó tôi bi quan lắm, nhưng nghĩ rằng còn nước còn tát, còn thời gian còn có thể điều trị thì mình phải thử hết mọi cách. Biết liệu pháp điều trị miễn dịch đã được giải Nobel Y học, tôi thấy tin tưởng và quyết định điều trị bằng phương pháp này. Biết đâu đó là cơ hội cứu sống mình", ông kể.

Điều kỳ diệu cho bệnh nhân ung thư phổi

Sau khi làm xét nghiệm và kết quả phù hợp, ông bắt đầu được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Cứ 3 tuần 1 lần, ông lại đến bệnh viện. Đã 4 năm trôi qua, tiếp xúc rất nhiều bệnh nhân nhưng bác sĩ Nguyễn Tuấn Khôi - người trực tiếp điều trị cho ông vẫn còn nhớ rất rõ: "Ông vào bệnh viện khi ung thư phổi đã vào giai đoạn 4, khối u ở bên phổi phải rất lớn, di căn rất nhiều 2 phổi. Khi nói chuyện với tôi, giọng ông bị đứt quãng vì khó thở. Nhưng sau khi điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, thì chỉ sau 1 - 2 chu kỳ đầu tiên, kết quả đã có những chuyển biến thấy rõ. Các triệu chứng như mệt, khó thở đã giảm đi 50%. Sau khi điều trị hơn 2 tháng, chụp CT lại thì kích thước khối u đã giảm rất ngoạn mục".

Điều kỳ diệu cho bệnh nhân ung thư phổi - Ảnh 3.

Kích thước khối u đã giảm đi nhanh chóng chỉ sau hơn 2 tháng điều trị bằng liệu pháp miễn dịch

Hiện nay, cứ  4 - 6 tháng, ông đi tái khám và chụp CT một lần. Khi mới phát hiện, kích thước khối u là 3 con số, nhưng sau một thời gian điều trị, kích thước khối u chỉ còn 2 con số. "Đến lần tái khám vừa rồi, khối u chỉ còn 2 con số. Tôi cũng hy vọng trong quá trình điều trị mà nó cứ nhỏ lần đi thì rất mừng", ông phấn khởi nói.

…cũng có điều kỳ diệu

Ông cho biết khi bắt đầu bị bệnh, ông ăn chỉ để cho no chứ không cảm nhận được gì. Lúc đó ông suy sụp nên người gầy hẳn đi. Còn bây giờ, không những ăn uống bình thường, mà ông còn tăng cân, da dẻ hồng hào, sắc mặt tươi tắn hơn. "Người ta nói ung thư sống nhiều lắm là 2 năm, 3 năm là "đi" rồi chứ đâu còn ngồi đây. Nhưng cuộc sống có nhiều điều kỳ diệu lắm", ông P. mỉm cười nói.

Điều kỳ diệu cho bệnh nhân ung thư phổi - Ảnh 4.

Ông V.P vui vẻ chia sẻ về cuộc sống sau 2 năm điều trị bằng biện pháp miễn dịch

Điều kỳ diệu, đó là khi khi đi truyền thuốc, nhiều người bệnh thắc mắc tưởng ông mới đi truyền thuốc lần đầu, khi biết ông đã truyền lần thứ 10, họ ngạc nhiên hỏi ông sao không rụng tóc, sao da không bị tái mét?

Điều kỳ diệu là sau khi truyền thuốc về, ông không bị mất ngủ, biếng ăn hay sụt cân,… như nhiều bệnh nhân khác, mà vẫn ăn uống bình thường. "Bạn bè nhiều người không biết tôi bị ung thư phổi, gặp tôi cứ khen sao dạo này trông trẻ ra vậy", ông cười khà khà, nói.

Vị doanh nhân già chiêm nghiệm: "Khi mắc ung thư, tôi nghĩ không biết kéo dài thời gian sống được bao lâu. Tôi cũng nghe nói ung thư giai đoạn cuối sẽ hành hạ làm mình đau đớn nên sợ. Nhưng không ngờ điều kỳ diệu đến với mình, không ngờ khi vô thuốc tôi vẫn bình thường, thậm chí hàng xóm không ai biết tôi bị bệnh".

Từ khi biết mình mắc bệnh, vị doanh nhân đã biết quý trọng sức khỏe của mình. Giờ đây, ông sắp xếp lại cuộc sống, cho phép mình được sống chậm hơn, điều độ hơn. Ông thường dậy sớm, một ngày tập thể dục 2 lần và còn tham gia nhóm tập Yoga mỗi tuần một lần.

Điều kỳ diệu cho bệnh nhân ung thư phổi - Ảnh 5.

Ông V.P vẫn đều đặn tập thể dục hàng ngày

Là người trực tiếp điều trị cho ông từ những ngày đầu, chứng kiến cả những lúc bệnh nhân tiều tụy nhất cho đến khi sức khỏe tiến triển ngoạn mục, bác sĩ Nguyễn Tuấn Khôi bày tỏ sự lạc quan: "Chúng tôi không dám tự hào tất cả bệnh nhân ung thư phổi đều được như ông nhưng xác suất những người được như ông càng ngày càng cao".

Ông gửi gắm: "Tôi thấy phương pháp điều trị này rất tốt nhưng chi phí điều trị hiện nay cao quá, chỉ những người có tài chính thì mới theo được. Mà như vậy thì nhiều người bệnh khác không có tài chính tốt sẽ không có cơ hội được điều trị, sẽ bị mất đi cơ hội được sống dù có được phát hiện bệnh sớm. 

Tôi rất mong nên sớm đưa thuốc này vào danh mục được hưởng bảo hiểm y tế để mang đến cơ hội sống cho nhiều người hơn nữa. Người bệnh ung thư thì đâu có thể chờ lâu được. Cho nên tôi nghĩ thời gian xem xét phê duyệt danh sách thuốc được bảo hiểm y tế chi trả phải diễn ra thường xuyên hàng năm".

"Chúng tôi thấy như thần thoại vậy. Mấy chục năm trước chúng tôi hay mơ ước một ngày nào đó có một loại thuốc có cách điều trị nhẹ nhàng, hiệu quả mà không để lại gánh nặng tác dụng phụ, làm cho bệnh nhân khỏi bệnh, sống được lâu hơn.

Với liệu pháp miễn dịch, chúng tôi thấy ước muốn mang tính chất 'hoang đường' giờ đã trở thành hiện thực. Bệnh nhân đã đạt được những điều như chúng tôi mong muốn, nghĩa là khỏi bệnh gần như hoàn toàn, cuộc sống trở lại bình thường và làm được những việc giống như chưa hề bị bệnh".

BSCKII. Nguyễn Tuấn Khôi (Trưởng Khoa Nội Ung thư Phổi - Phụ khoa,
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM)

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên