10/02/2019 18:42 GMT+7

'Điện thoại chỉ nghe tiếng nước chảy: mẹ đang lau nhà thuê'

TRẦN THU
TRẦN THU

TTO - Mẹ gói cẩn thận cặp bánh chưng đặt nốt vào chiếc làn cũ kĩ, rồi xách để trước cửa nhà. "Thu có đèo mẹ ra bến xe không?". Nước mắt tôi chực rơi trên đống quần áo đang gấp dở...


Điện thoại chỉ nghe tiếng nước chảy: mẹ đang lau nhà thuê - Ảnh 1.

Mùng 5 tết, hai mẹ con tôi lại phải xa nhau...

Chiếc ôtô phanh nghe kít cắt đứt sợi dây chằng cảm xúc giữ hai mẹ con, tay mẹ xách bên làn, bên túi chạy ra mấy bước. Bất giác, tôi òa khóc như đứa trẻ: "Mẹ đi vắng, con không muốn về nhà nữa".

Tất cả mọi người đã nhốn nháo vì xe có vẻ dừng hơi lâu. Nhưng chẳng ai buồn lên tiếng giục bác tài chuyển bánh. Bác tài vội vàng hai, ba câu rồi chiếc xe đóng cửa. Bánh xe lăn đi mang bao sự lưu luyến của những người con phải rời xa quê để bắt đầu hành trình năm mới.

Mẹ vẫn đứng đó, nhìn tôi, quát to: "Thế làm sao mà lại khóc?".

Tôi nhìn theo chiếc xe xa dần, lòng mới cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi vội vàng treo lại lên xe những túi quần áo mẹ chuẩn bị mang đi. Về nha mẹ!...

Quê tôi nằm ở một xã nhỏ tỉnh Hà Tây cũ cách trung tâm Hà Nội chừng 40km, đường vốn chẳng xa nhưng con đường về quê với tôi lại xa lắc.

Nhà là nơi để về, vì ở đó có mẹ có cha, có hơi ấm gia đình. Vậy mà 360 ngày mẹ bặt tăm ở Hà Nội, nay đây mai đó, tôi chỉ gặp được mẹ khi có cuộc gọi từ bệnh viện E mỗi lần mẹ bị ngã vào viện (Mẹ tôi bị khớp 10 năm nay nên chân đi khập khễnh không vững, đi lại thường bị ngã).

30 tết, tôi đi chợ mua con gà cúng giao thừa. Mâm ngũ quả cũng chưa được bày biện đẹp đẽ. Dù tôi đã mua đủ những thứ mẹ dặn nào chuối, nào quýt, nào bưởi…

Bà con hàng xóm chẳng ai nghĩ rằng mẹ tôi sẽ về ăn tết vì 30 còn chưa thấy đi chợ tết. Còn tôi, trong những cuộc điện thoại với mẹ, chỉ nghe thấy tiếng nước chảy - mẹ đang lau nhà thuê dịp tết.

Sớm mùng 1, tôi vẫn nài nỉ mẹ mừng tuổi tôi câu nói "năm nay mẹ sẽ ở nhà khâu nón" ngày giỗ ông bà được thắp nén nhang, thi thoảng gặp những người bạn ăn cốc chè đá, nói dăm ba câu chuyện làng, xóm. 

Nhưng có vẻ mẹ chẳng bằng lòng. Mẹ hứa "Mẹ sẽ đi làm nốt năm nay" - câu nói giống như hồi 3 tuổi tôi được nghe. Nhưng ngóng chờ mãi mẹ vẫn tất bật khắp các gia đình ở thành phố để làm giúp việc, chẳng chịu về như lời hứa năm nào.

Vậy là lời chúc năm nay đã là sự thật. Hai mẹ con từ bến quay lại nhà. Trên chiếc xe máy nhỏ, hai mẹ con không ai nói với ai câu gì. 

Chỉ nghe tiếng bà con xóm giềng đi chúc tết hai bên đường vui vẻ, huyên náo: "Hai mẹ con ăn tết to thế!"...

Điện thoại chỉ nghe tiếng nước chảy: mẹ đang lau nhà thuê - Ảnh 2.

Mời bạn đọc kể chuyện về quê ăn tết

Năm hết tết đến, người dân Việt xa quê ai cũng mong muốn được về bên gia đình, hưởng một cái tết đầm ấm.

Đến hẹn lại lên, hành trình về quê trong những ngày cuối năm luôn là một trải nghiệm đầy cảm xúc, với những câu chuyện đẹp về tình người và cũng không thiếu những bức xúc bởi những trắc trở trên đường. Đường về quê tết này có thuận lợi, suôn sẻ không? Dọc đường có gì vui, đẹp, độc, lạ?...

Kính mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ những trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Kỷ Hợi 2019, chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".

Đừng ngần ngại gửi về cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip theo địa chỉ email: vequeantet@tuoitre.com.vn từ nay đến 11-2-2019 (mùng 7 tháng giêng).

Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 2 triệu đồng. Ngoài ra, Tuổi Trẻ Online sẽ chọn 10 tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất để trao tặng "Lộc xuân 2019", mức 5 triệu đồng/tác phẩm.

Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines là đơn vị đồng hành.

Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!


TRẦN THU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: về quê ăn tết