09/12/2021 10:08 GMT+7

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Ở trọ cũng phải bảo vệ môi trường

PHẠM NGỌC NHẬT LINH (quận Tân Bình)
PHẠM NGỌC NHẬT LINH (quận Tân Bình)

Câu chuyện về giữ gìn môi trường chung ở các xóm trọ, khu dân cư lao động vốn dĩ không mới nhưng vẫn khiến nhiều người trong cuộc phải ngao ngán lắc đầu.

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Ở trọ cũng phải bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Một khu xóm trọ tại TP.HCM với vô số vật dụng, rác lấn chiếm lối đi - Ảnh: NHẬT THỊNH

Tôi đang thuê nhà sống tại một xóm trọ ở quận Tân Bình, TP.HCM. Bên cạnh hàng xóm đều là những người cùng hoàn cảnh từ tỉnh xa đến TP làm việc, tôi cảm thấy thật gần gũi, vui vẻ. Tuy nhiên, trải qua một thời gian sống trong khu xóm trọ cũ kỹ, cơ sở hạ tầng xuống cấp, ngổn ngang rác thải, nước tù đọng khắp nơi, cá nhân tôi cảm thấy mỏi mệt và thật sự chán ngán.

Khu xóm trọ tôi đang sống gồm hơn 20 phòng, nằm liền kề cạnh nhau trong một con hẻm nhỏ, tấp nập người ra kẻ vào. Dù đã có quy định rõ ràng về việc vứt rác sinh hoạt đúng nơi quy định nhưng nhiều người vẫn thản nhiên vứt lung tung các loại phế phẩm, thức ăn thừa... bừa bãi khắp mọi nơi. Nhiều khu tập kết rác thải tự phát nằm ngổn ngang trên lối đi chung cách khu nhà trọ của chúng tôi chỉ vài bước chân. 

Chính điều này khiến khu trọ luôn nồng nặc mùi rác thải, ẩm thấp và nhiều muỗi, gián, côn trùng... Thậm chí, nhiều vật dụng và quần áo bỏ đi của các anh chị công nhân không được xử lý cứ vứt tạm hoặc treo lơ lửng trên một chiếc sào, gây nên tình trạng "hãi hùng" cho những người mới đến.

Vào mùa mưa, triều cường dâng cao còn gây tình trạng ngập cục bộ, tạo ra những vũng nước tù đọng khiến môi trường xung quanh trở nên nhếch nhác đến khó tả. Chúng tôi, dù muốn hay không, vẫn là người chịu tác động không ít từ môi trường chung ấy. Bản thân tôi có hai con gái nhỏ đã vài lần phải nhập viện vì sốt xuất huyết do bị muỗi đốt cũng bởi ảnh hưởng từ môi trường ẩm thấp, ngột ngạt xung quanh.

Dù tôi đã nhiều lần phản ảnh đến chủ nhà trọ, nhờ cô nhắc nhở khéo những anh chị hàng xóm xung quanh nhưng tình hình vẫn chẳng cải thiện là mấy. Thậm chí, nhiều người còn tỏ vẻ khó chịu, hậm hực khi được nhắc nhở khiến cô chủ lâu ngày cũng cảm thấy e dè và khó xử. Cư dân trong khu trọ đa số là công nhân, thường bận rộn cả ngày, thậm chí tăng ca đến tận khuya nên quan niệm nhà trọ chỉ là nơi để ngủ, thế là cứ thoải mái "mạnh ai nấy xả". 

Kết quả là cả khu xóm trọ đều bị ảnh hưởng trầm trọng, không có cách nào để cải thiện. Không chỉ môi trường xung quanh bị ảnh hưởng mà cả hệ thống cống rãnh cũng thường xuyên bị tắc nghẽn do rác thải, phế phẩm từ nhựa, thức ăn thừa... từ các hộ dân thiếu ý thức vứt trực tiếp xuống. Đó là lý do khiến không gian sống tại xóm trọ của tôi vốn đã ngột ngạt lại còn thường xuyên oi nồng mùi khó chịu.

Bản thân tôi và một số anh chị hàng xóm đồng quan điểm sau khoảng thời gian góp ý mỏi mệt, đã quyết định chung tay cùng dọn dẹp, thu dọn rác thải, phát quang các bụi cỏ rậm, khơi thông cống rãnh, diệt lăng quăng, muỗi... Thế nhưng, chúng tôi còn có công việc và nhiều điều bộn bề phải lo toan nên lâu ngày chỉ đành cố gắng giữ gìn vệ sinh cho phòng trọ của mình, chứ không thể gánh vác hết toàn bộ môi trường công cộng bên ngoài. Và đơn giản là do ý thức kém của mọi người xung quanh khiến việc dọn dẹp của chúng tôi chỉ được vài ngày rồi thì đâu lại vào đấy. Thậm chí, đội ngũ các anh chị công nhân vệ sinh mỗi ngày đều đến thu dọn nhưng vẫn không thể xử lý hết toàn bộ số rác thải được vứt ra môi trường xung quanh.

Dù biết đồng lương công nhân ít ỏi, không thể đòi hỏi một môi trường sống chất lượng nhưng cá nhân tôi vẫn hy vọng mỗi người nên có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống. Thiết nghĩ, ngoài trách nhiệm của công ty vệ sinh, tổ dân phố, chủ nhà trọ thì ý thức của mỗi người thuê trọ vẫn là điều quan trọng nhất. Bởi bảo vệ môi trường sống xung quanh cũng là cách hướng tới cuộc sống chất lượng và khỏe mạnh hơn cho mỗi người chúng ta.

Kính mời bạn đọc gửi bài viết tham gia diễn đàn qua email: baoky@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM; ngoài bì thư ghi rõ "Bài tham gia diễn đàn: Môi trường nơi tôi sống".

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Đồ nhựa cần, nhưng phải tiết giảm! Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Đồ nhựa cần, nhưng phải tiết giảm!

TTO - Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (Citenco), mỗi ngày TP.HCM thải ra 1.500 tấn chất thải nhựa chiếm tỉ trọng cao chỉ sau rác hữu cơ.

PHẠM NGỌC NHẬT LINH (quận Tân Bình)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên