11/12/2021 10:55 GMT+7

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Mơ về những chuyến xe không xả rác

NGUYỄN THỊ YẾN ANH (Q.Tân Bình, TP.HCM)
NGUYỄN THỊ YẾN ANH (Q.Tân Bình, TP.HCM)

TTO - Xe buýt - một loại hình giao thông công cộng vừa đảm bảo an toàn, vừa hạn chế khói bụi - đang bị nạn xả rác đe dọa.

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Mơ về những chuyến xe không xả rác - Ảnh 1.

Mùi rác bốc lên tại trạm chờ xe buýt Phổ Quang - Hoàng Văn Thụ

Đang cư ngụ tại quận Tân Bình (TP.HCM) nên một trong những điểm chờ xe buýt quen thuộc nhưng cũng gây ám ảnh nhất với tôi là ở giao lộ Phổ Quang - Hoàng Văn Thụ. Suốt nhiều tháng nay, điểm chờ xe tại đây bỗng trở thành một điểm tập kết rác nồng nặc mùi hôi và nước rỉ ra từ các thùng rác thải sinh hoạt.

Chuyện thường ngày trên những chuyến xe

Là một "tín đồ" của xe buýt nên tôi có dịp nhìn thấy một số điểm chờ xe buýt ở thành phố rơi vào tình trạng xuống cấp, xung quanh tràn ngập rác thải, các bảng quảng cáo phản cảm, những vết sơn bẩn che lấp hết cả bản đồ và tuyến đường của các chuyến xe. Dù đã được trang bị vô số thùng rác công cộng nhưng phần lớn số rác thải này xuất phát từ những người đứng chờ hoặc xuống trạm tiện tay vứt xả.

Với nhiều hành khách chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển ắt hẳn không còn xa lạ với những thùng chứa rác được đặt ngay cửa sau của xe, giúp bỏ rác đúng nơi quy định. Tuy nhiên, bản thân tôi nhận thấy việc này không mang đến hiệu quả cao trong thực tế do nhiều hành khách thường ngại phải di chuyển khi xe chạy nên hiếm chịu bỏ rác vào thùng.

Thực trạng này càng trở nên phổ biến hơn với những hành khách sử dụng dịch vụ giao thông này hằng ngày. Phần lớn mọi người, trong quá trình di chuyển, thường tiện tay vứt rác ra xe hoặc ném các loại rác thải, vé đi xe buýt... ra hè phố.

Ngoài ra, do tận dụng thời gian đi xe để dùng bữa, nhiều hành khách còn tranh thủ mang theo túi, hộp đồ ăn, cốc giấy, chai nước... lên xe.

Nhưng điều đáng nói là không ít hành khách sau khi dùng bữa xong lại đặt túi rác dưới chân hoặc treo ở thành ghế. Và khi bước xuống xe, họ vẫn không màng đến các loại rác thải, cứ thản nhiên để đó và tiếp tục hành trình của riêng mình. Thậm chí, đáng trách hơn, có nhiều người còn tự ý mở cửa sổ vứt tất cả mọi thứ xuống lòng đường.

Cá nhân tôi từng trông thấy và góp ý với một vài bạn trẻ đang độ tuổi sinh viên, ăn mặc lịch sự nhưng lại trút hết thức ăn thừa ra khỏi cửa xe, quăng hộp sữa ra lòng đường, dù chỉ cách vài bước chân đã có thể tìm thấy thùng rác ngay trên xe.

Kết quả tôi nhận được từ các bạn trẻ này là thái độ bất mãn và hậm hực nặng lời. Xét cho cùng, những hành động vô ý thức này lâu ngày có thể trở thành thói quen làm mất mỹ quan đô thị, văn minh đường phố, gây hại đến môi trường xung quanh.

Người Nhật làm được thì người Việt cũng làm được!

Bản thân tôi khi còn làm việc tại Nhật Bản đã rất ấn tượng với những cử chỉ văn minh lịch sự của người dân khi tham gia di chuyển trên các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt...

Dù xe buýt tại Nhật được thiết kế không quá sang trọng và tiện nghi như nhiều quốc gia khác, thậm chí còn rất đông hành khách vào những giờ cao điểm, nhưng trên xe tuyệt nhiên không có một tiếng ồn ào, một cử chỉ xô đẩy hay bất kỳ loại rác thải nào được tìm thấy trong quá trình di chuyển.

Đa số người Nhật đều tuân thủ thói quen vứt rác đúng nơi quy định, thậm chí họ còn tự mang theo những túi vải nhỏ để đựng rác, các loại hộp giấy, thực phẩm ăn thừa... để khi xuống trạm có thể bỏ đúng nơi quy định.

Trở lại câu chuyện bảo vệ môi trường tại Việt Nam mà cụ thể là TP.HCM, tôi có niềm tin rằng tất cả chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu một cuộc sống có ý thức, trách nhiệm bằng hành động vô cùng giản dị như việc giữ gìn vệ sinh trên xe buýt.

Bạn hãy học cách sống thân thiện với môi trường bắt đầu từ việc làm nhỏ nhất. Đừng để những trạm chờ xe buýt thành điểm tập kết rác thải hoặc quảng cáo vô tội vạ, và cũng đừng để những chiếc thùng rác trên xe buýt trở thành thứ vô hình trong mắt chúng ta.

Kính mời bạn đọc gửi bài viết tham gia diễn đàn qua email: baoky@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM; ngoài bì thư ghi rõ "Bài tham gia diễn đàn: Môi trường nơi tôi sống".

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Có yêu thành phố, hãy bảo vệ những dòng kênh! Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Có yêu thành phố, hãy bảo vệ những dòng kênh!

TTO - Rạch Xuyên Tâm, TP.HCM, với khoảng 1.600 hộ dân sống dọc dài gần 6,2km đoạn kênh nước đen ngòm và đầy rác bẩn. Gia đình tôi cũng như rất nhiều người luôn phải mỏi mệt vì tình trạng môi trường bị ô nhiễm trầm trọng suốt mấy năm qua.

NGUYỄN THỊ YẾN ANH (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên