Thường xuyên bị đổ trộm rác, nơi đây trở thành điểm đen rác thải của phường HIệp Bình Chánh - Ảnh: L.PHAN
"Các bãi rác liên tục xuất hiện dù trước đó đã được dọn, chỉ sau một đêm bãi đất được dọn dẹp sạch sẽ thì rác lại lổn nhổn. Tụi nó đổ xà bần, bao vải hồi nào tui không hay dù nhà tui ở ngay con hẻm bên cạnh. Sáng ra quét dọn nhà cửa, sân cổng là thấy mấy bao rác nằm đó rồi" - bà Huyền (ngụ tại đường số 11, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) ngao ngán trước đống rác ngồn ngộn vừa xuất hiện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết phường cũng rất đau đầu với vấn nạn này. Dù chủ động dọn dẹp thường xuyên nhưng không thể kiểm soát được nạn đổ rác trộm trên các tuyến đường vắng, bãi đất vắng chủ.
"Mỗi tuần chúng tôi đều vận động 9 khu phố dọn dẹp vệ sinh đường phố, dọn dẹp rác thải. Bản thân cán bộ phường cũng tham gia việc dọn dẹp, nhưng cứ dọn xong là hôm sau hoặc vài hôm là rác lại xuất hiện.
Lượng rác này không phải của người dân trên địa bàn phường mang ra đổ, không ai sống ở đó mà lại để chỗ mình ở có rác cả. Nhiều người từ các nơi canh lúc vắng người hoặc đêm khuya đem tới bỏ rồi rời đi.
Chúng tôi cũng đã bắt quả tang một số trường hợp và xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa thể triệt để. Lực lượng mỏng cùng với nhiều khu vực chưa có camera quan sát để trích xuất nên việc xử phạt còn nhiều khó khăn.
Về các bãi rác mà người dân phản ánh, chúng tôi cũng đã dọn dẹp rất nhiều lần, mong người dân nâng cao ý thức hơn để TP được xanh sạch đẹp. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra giám sát và theo dõi xử lý các trường hợp vi phạm để xóa các điểm đen rác thải trên địa bàn", ông Tuấn chia sẻ.
Theo tìm hiểu, khu vực điểm đen rác này nằm phía trước bãi đất trống dùng làm bãi xe, phía trước được rào chắn tôn, chủ đất ít lui tới nên nhiều người dân đem rác đến vứt. Thấy người này vứt được, người khác cũng vứt theo, lâu dần thành điểm đen tập kết rác. Dù chủ đất có treo tấm bảng lớn "CẤM ĐỔ RÁC, KHU VỰC CÓ CAMERA QUAN SÁT" nhưng có vẻ không nhằm nhò gì, rác vẫn cứ lù lù xuất hiện.
Cách đó không xa, dọc phần tường của Trường đại học Luật TP.HCM nằm trên đường số 13, một đoạn đường dài gần chục mét từ đoạn giao với quốc lộ 13 trở vào cũng ngổn ngang rác. Từ vải vụn, bao nilông, quần áo, giày dép… đều được vứt ra đường.
Một khu vực còn dấu vết của việc đốt rác tại chỗ, mặt đường đầy vụn than và cháy sém. Thi thoảng một vài người nhặt ve chai lại lục tìm lon nước, chai nhựa trong đống rác sau đó rời đi khiến các loại rác nhẹ bị bới lên bay khắp nơi.
Hai khu vực điểm đen rác trên đã được bạn đọc Tuổi Trẻ phản ánh qua bài viết "Đừng đổ cho... nghèo!". Bạn đọc này bày tỏ: Không lẽ nghèo đến độ không có 50.000 đồng/tháng cho chuyện đổ rác?
Tôi không tin điều đó, và cho dù có nghèo thật, cũng đừng đổ cho nghèo bởi ông bà mình có câu "đói cho sạch, rách cho thơm" khi mỗi ngày đi làm đều thấy rác thải tràn lan trên con đường thảm nhựa ngay ngắn, trơn láng. Đáng nói hơn, khu vực lại nằm chỗ đông dân cư và cách UBND phường không xa.
Kính mời bạn đọc gửi bài viết tham gia diễn đàn qua email: baoky@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM; ngoài bì thư ghi rõ "Bài tham gia diễn đàn: Môi trường nơi tôi sống".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận