Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 15 năm ngày hai nước Việt Nam và Trung Quốc thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao và cũng đánh dấu 10 năm khái niệm xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai chung cho nhân loại được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất lần đầu tiên.
Khái niệm này sau đó đã phát triển thành một tầm nhìn có ý nghĩa toàn cầu và được công nhận bởi nhiều nước và tổ chức quốc tế trên thế giới, mặc dù khái niệm này lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam. Hàm ý chính của khái niệm cộng đồng chia sẻ tương lai đặt Trung Quốc giữ vai trò trung tâm trong quản trị toàn cầu, và có trách nhiệm thúc đẩy một thế giới cởi mở và tươi đẹp, có hòa bình lâu dài, vì an ninh toàn cầu và sự thịnh vượng chung.
Nếu nhìn từ khía cạnh toàn cầu hóa, Trung Quốc nhận thức rằng việc phấn đấu vì cộng đồng chia sẻ tương lai sẽ giúp các quốc gia hiểu được tầm quan trọng của việc cùng nhau phát triển và thịnh vượng, thay vì "bần cùng hóa láng giềng". Các quốc gia có lợi ích gắn chặt với nhau với việc Trung Quốc giữ vai trò hạt nhân trong quá trình cùng nhau phát triển và chia sẻ lợi ích.
Nếu nhìn trong mối quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc, trong bài viết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên báo Nhân Dân sáng 12-12-2023, ông nhấn mạnh: "Xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam có ý nghĩa chiến lược: Mở ra trang sử mới chung tay hướng tới hiện đại hóa".
Ông cũng khẳng định "sẵn sàng cùng phát triển và thịnh vượng với các nước láng giềng". Với quy mô nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới và dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực sản xuất chế biến, công nghiệp và công nghệ, Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng để giúp đỡ và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.
Ông Tập cũng đã viết: "Doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư hình thành cụm ngành công nghiệp điện mặt trời nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, nhà máy điện mặt trời và điện gió do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư xây dựng đóng góp tích cực cho sự phát triển và chuyển đổi năng lượng của Việt Nam".
Điều này cũng phù hợp với nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn, việc quan hệ Việt - Trung bước lên tầm cao mới là một điểm son trong một thế giới đầy căng thẳng về mặt địa chính trị cũng như địa kinh tế.
Trong thời gian gần đây, trật tự quốc tế biến động nhanh chóng và đầy bất định. Sự bùng nổ của đại dịch COVID-19, cuộc xung đột dai dẳng ở Ukraine, bất ổn bạo lực tại khu vực Trung Đông và những mầm mống của cuộc căng thẳng vẫn còn âm ỉ ở nhiều điểm nóng khác nhau trên thế giới khiến việc nâng tầm mối quan hệ song phương Việt - Trung trở nên hết sức quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Điều hết sức quan trọng của khái niệm "chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược" là nó được xây dựng dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, và nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau.
Trong bối cảnh thế giới đầy rẫy những cuộc xung đột cũng như khuynh hướng sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các tranh chấp thì tuyên bố chung của hai bên tái nhấn mạnh ý nghĩa của việc tuân theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế trở nên quý giá và là hình mẫu cho các mối quan hệ ngoại giao khác trên thế giới. Bên cạnh đó, nó không tách rời khỏi các giá trị chung của nhân loại về hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Chính sự tương đồng về ý thức hệ cũng như tình hữu nghị song phương được bồi đắp từ nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đặt nền tảng cho việc chung tay gây dựng mối tình hữu nghị truyền thống Việt - Trung "vừa là đồng chí, vừa là anh em" với phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Mối quan hệ vừa mang đậm ý nghĩa cùng chí hướng lý tưởng, vừa mang màu sắc thân tình chí cốt, nên tạo động lực cho việc giải quyết các khúc mắc còn tồn tại ở Biển Đông thông qua con đường hòa bình. Điều này có ý nghĩa hết sức chiến lược đối với sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội trong tương lai.
Hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên toàn cầu, và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong các quốc gia ASEAN. Do đó, hợp tác bình đẳng cùng có lợi không chỉ mang ý nghĩa đối với quan hệ song phương mà còn đa phương.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) do Trung Quốc dẫn dắt không chỉ được kỳ vọng giúp đỡ nền kinh tế Việt Nam trở nên quan trọng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu mà còn nâng cao vai trò hình ảnh của Trung Quốc trong các diễn đàn đa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận