Hội nghị thượng đỉnh Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 4 vào tháng 11-2020 - Ảnh: AFP
Theo Đài CNBC, đây là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với 15 thành viên, bao gồm 10 nước thuộc khối Đông Nam Á (ASEAN) - Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác thương mại lớn nhất của họ là Nhật Bản, New Zealand, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Hiệp định ký kết tháng 11-2020 sau 8 năm đàm phán.
Ngày 3-11, New Zealand ra tuyên bố xác nhận đã phê chuẩn hiệp định. Trước đó, 2-11, Úc thông báo đã phê chuẩn hiệp định này.
RCEP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày khi có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 quốc gia ngoài ASEAN ký phê chuẩn.
Cho đến nay, các nước Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định. Ngoài Úc và New Zealand, các nước ngoài ASEAN đã phê chuẩn RCEP là Trung Quốc và Nhật Bản.
Các nền kinh tế RCEP có quy mô 2,2 tỉ người - khoảng 30% dân số thế giới và là thị trường tạo ra 26.200 tỉ USD sản lượng toàn cầu - tương đương 30% của nền kinh tế toàn cầu.
RCEP lớn hơn các khối thương mại khu vực khác như Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) và Liên minh châu Âu.
Các nhà phân tích cho rằng lợi ích kinh tế của RCEP rất khiêm tốn và sẽ mất nhiều năm để hiện thực hóa. Tuy nhiên, thỏa thuận được coi là một chiến thắng địa chính trị của Trung Quốc vào thời điểm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đang suy yếu.
Hiệp định cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây. Việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử... và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận