Thống kê đến cuối tháng 3-2017cho thấy 18/22 bộ và cơ quan ngang bộ đã cung cấp 557 dịch vụ công mức 3 và 295 dịch vụ công mức 4. Trong khi đó, đã có 63/63 tỉnh, thành triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 10.152 dịch vụ mức 3 và trên 1.101 dịch vụ mức độ 4.
Thông tin này được ông Nguyễn Thành Phúc - cục trưởng Cục Tin học hóa - đưa ra trong hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử do Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội phối hợp Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức ngày 5-4.
Thông tin này cũng phù hợp với một đánh giá về mức độ cung ứng dịch vụ công của các tỉnh thành vừa được UNDP công bố trong khuôn khổ chỉ số PAPI.
Theo đó, chỉ số cung ứng dịch vụ công tăng mạnh ở 35 tỉnh thành trong năm 2016, là chỉ số được người dân tham gia khảo sát đánh giá cao nhất.
Ông Nguyễn Thành Phúc cũng cho biết hiện có nhiều ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Như thuế có hơn 99% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử, 95% nộp thuế điện tử, 100% cơ quan hải quan triển khai hải quan điện tử, thực hiện chương trình một cửa quốc gia, kết nối ASEAN, cấp hộ chiếu phổ thông trực tuyến…
Theo ông Phúc, một trong những nhiệm vụ trọng tâm tới 2020 là Việt Nam sẽ xếp thứ 65-70 trong bảng xếp hạng về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, năm 2016, Việt Nam đứng thứ 89/193 thế giới, tăng 10 hạng so với 2014, đứng thứ 6 ASEAN trong bảng xếp hạng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận