Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn do Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp với Đại học Văn Lang tổ chức.
Khách mời tham gia tọa đàm có GS Kim Jae Yong, nhà văn trẻ Choi Eun Young đến từ Hàn Quốc, nhà văn Trần Văn Tuấn, dịch giả Hiền Nguyễn, nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang.
Cần đào tạo thế hệ dịch giả đủ năng lực
Theo nhà văn Huỳnh Trọng Khang thì dường như nhà văn nào có tác phẩm được dịch và đưa ra thế giới đều cảm thấy rất hạnh phúc.
Tuy nhiên, lộ trình để đưa tác phẩm Việt ra thế giới vẫn còn nhiều khó khăn mà như nhiều người nhận định là chưa bài bản và vẫn còn thực hiện theo cách manh mún, cá nhân.
Nhà văn trẻ Choi Eun Young, người có tác phẩm Nụ cười của Shoko được dịch, phát hành tại Việt Nam, chia sẻ ở nước cô có Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc hỗ trợ giới thiệu văn học Hàn ra nước ngoài.
Viện này sẽ hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí cho dịch giả và nhà xuất bản. Về quảng bá, cơ quan này cũng sẽ hỗ trợ kinh phí cho tác giả, nhà xuất bản ra nước ngoài giao lưu, giới thiệu tác phẩm.
Tuy nhiên, gần đây hỗ trợ này đang bị cắt giảm. Bù lại, Hàn Quốc đang đẩy mạnh vấn đề đào tạo đội ngũ dịch giả chuyên nghiệp tại Hàn Quốc và các nước.
Nhiều người tham dự buổi gặp gỡ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dịch giả trong việc làm cầu nối cho xuất khẩu văn chương Việt. Hội Nhà văn TP.HCM gần đây đã có thêm giải thưởng cho dịch giả, thể hiện sự quan tâm lĩnh vực này khi hội nhập thế giới.
Dịch giả quan trọng nhưng người viết quan trọng hơn
Nhà văn Trần Văn Tuấn cho rằng Hàn Quốc đã có chiến lược công nghiệp văn hóa rất mạnh, từ cách đây 30 năm.
Việt Nam ta hiện còn rất chậm. Tuy nhiên không vì chậm mà chúng ta nôn nóng, từ bây giờ phải cố gắng đầu tư thật căn cơ.
Dịch giả Lệ Chi có kinh nghiệm dịch và đưa tác phẩm Việt ra thế giới bày tỏ công việc dịch thuật tác phẩm văn học không hề dễ và rất mất thời gian. Dịch giả cần hiểu đúng vị trí, vai trò của mình và dịch cho đúng, hay.
Chị ngao ngán khi có vài người dịch hiện nay tùy tiện viết lại câu chữ của nhà văn theo ý mình, thậm chí có đoạn cảm thấy khó quá tự ý bỏ luôn không báo cho nhà xuất bản.
Vì vậy, Lệ Chi cho rằng có một viện hỗ trợ cho dịch thuật văn chương là điều cần thiết. Dịch giả không chỉ có vốn ngoại ngữ tốt mà còn có trình độ, kiến thức, sự am hiểu văn hóa…
Ông Trần Văn Tuấn nhấn mạnh dịch giả quan trọng với tiến trình đưa văn chương Việt ra thế giới nhưng người viết, nhà văn còn quan trọng hơn.
Ông cho rằng nhà văn cứ viết cho hay trước. Tác phẩm chất lượng mới là thiết yếu, những bước sau đó là điều kiện chắp cánh cho văn chương bay xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận