02/11/2019 17:25 GMT+7

Dịch giả được nhớ như thủ môn trong một trận thua

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Ba dịch giả Lê Quang, Trần Tiễn Cao Đăng và Lâm Vũ Thao vừa có cuộc gặp gỡ trong buổi chuyện trò về “Dịch và đọc” do Văn Boookstore tổ chức sáng 2-11.

Dịch giả được nhớ như thủ môn trong một trận thua - Ảnh 1.

Không gian buổi trò chuyện về Dịch và đọc - Ảnh: L.ĐIỀN

Dù vậy, những trao đổi thiên về dịch hơn là đọc, bởi có lẽ một khi đã chạm vào vấn đề dịch thuật với những quan niệm câu chữ, cách hiểu và những trường phái chuyển ngữ "dịch bám" hay "dịch thoát"... là những ý kiến tuôn chảy không thôi.

Thế nào là bản dịch hay

Từ góc độ người đọc, cây bút trẻ Huỳnh Trọng Khang cho rằng một bản dịch "đọc một lèo không thấy gợn, người đọc bản dịch có cảm giác như mình được trò chuyện với tác giả vậy, đó là một bản dịch hay".

Tán đồng nhận định này, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nói thêm đó là trường hợp dịch thoát, người đọc bản dịch cảm tưởng như bằng cách nào đó, tác giả kia đã viết ra bản văn tiếng Việt vậy. Tạo ra được cảm giác đó là dịch giả thành công.

Tuy nhiên, ông Đăng cũng lưu ý thêm "cố nhiên với một số tác phẩm thì dịch như vậy không phải là tốt".

Dịch giả Lâm Vũ Thao chia sẻ một khái niệm được anh gọi tên là "mỹ cảm tương đương". Theo đó, nếu bản nguyên tác viết theo lối thô tục thì bản dịch ra văn Việt cũng theo lối thô tục; nếu nguyên tác có giọng văn hài hước thì bản dịch cũng phải chuyển tải được cái hài hước có dụng ý ra văn Việt...

Và dịch giả Lê Quang thẳng thắn cho rằng nếu dịch mà người đọc thấy tác giả viết bằng tiếng Việt là làm hỏng mất văn gốc. Phải dịch sao để người đọc còn nhận ra đây là một tác phẩm dịch. "Trong dịch thuật, tôi chọn 1 từ là "thỏa hiệp", dịch là thỏa hiệp để có một cách khả dĩ nhất".

Theo ông, có nhiều trường hợp tác phẩm của tác giả đoạt giải Nobel vẫn có những hạt sạn, có sai sót, và người dịch cũng phải để bạn đọc có cơ hội biết cả những hạt sạn ấy, chứ nếu chuốt lại cho trôi chảy hoàn hảo như một áng văn Việt thì lại không đúng.

Như nhớ thủ môn trong một trận thua

Có ý kiến cho rằng dường như một khi có tác phẩm dịch hay, bán chạy, người đọc chỉ nhớ tác giả sách, hoặc nhớ quyển ấy từng đoạt giải nào, nội dung có gì đặc biệt..., chứ ít ai nhớ quyển đó được người nào dịch. Trong khi nếu phát hiện một bản dịch có lỗi, dù sai sót nhiều hay ít, thì lập tức người dịch được nhớ tới đầu tiên. Liệu có gì bất công không?

Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng trả lời ngay là: không. Về lý, dịch giả làm việc theo hợp đồng, có thù lao nhuận bút, là người chịu trách nhiệm đầu tiên và chủ yếu cho bản dịch. Nhiệm vụ của dịch giả là không để cho bản dịch có sai sót, cho nên khi có sai sót bị phát hiện, người dịch bị nhắc đến là đương nhiên.

Tất nhiên, khi sách in ra thị trường theo quy trình có cả các bước làm việc của biên tập viên ở nhà xuất bản. "Các biên tập viên góp phần tránh các lỗi sai, chứ không chịu trách nhiệm giùm cho dịch giả được", ông Cao Đăng nhận xét.

Chia sẻ với điều này, dịch giả Lê Quang ví von cái cách người đọc nhớ đến dịch giả cũng như công chúng nhớ đến thủ môn một trận bóng đá vậy: Khi đội bóng mình yêu thích thắng trận, người ta nhớ đến cầu thủ ghi bàn, nhớ huấn luyện viên tài giỏi..., còn khi đội mình thua, lập tức người ta thấy lỗi nằm ở chỗ cậu thủ môn đã để lọt lưới.

Dịch giả được nhớ như thủ môn trong một trận thua - Ảnh 2.

Dịch giả Lê Quang (giữa) bên cạnh dịch giả Lâm Vũ Thao (phải) và Trần Tiễn Cao Đăng (trái) chia sẻ các kinh nghiệm về dịch văn học - Ảnh: L.ĐIỀN

Dù vậy, cả ba dịch giả đều đồng cảm ở chỗ những ai bước vào con đường dịch thuật nghiêm túc đều có tâm huyết và xuất phát từ niềm yêu thích tác phẩm nguyên tác.

"Tất nhiên cũng có những trường hợp do nhà xuất bản đề nghị mình dịch, nhưng thường chỉ nhận những tác phẩm thuộc "gu" của mình" - dịch giả Lâm Vũ Thao chia sẻ.

Lý tưởng nhất vẫn là dịch từ nguyên tác

Một vấn đề quan trọng của việc dịch là chọn tác phẩm với ngôn ngữ nguồn nào để chuyển ngữ. Dịch giả Lê Quang cho rằng lý tưởng nhất vẫn là dịch từ nguyên tác với ngôn ngữ gốc của tác giả. Tuy nhiên, điều này là bất khả vì không có một nền dịch thuật quốc gia nào có đủ dịch giả thông thạo các ngôn ngữ.

Dịch giả Lâm Vũ Thao cho biết từng kiểm tra bản do Lê Quang dịch tác phẩm Tuyết của Orhan Pamuk và một bản dịch sang tiếng Anh thì thấy "bản tiếng Anh có cả một đoạn văn được sắp xếp lại, sửa đổi cả trật tự câu. Dịch giả Việt Nam chắc không ai dám làm như vậy" - Lâm Vũ Thao nhận định.

Ở nước ngoài cũng có tình trạng dịch phẩm sai lạc xa với nguyên tác. Dịch giả Lê Quang dẫn trường hợp các bản dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm, trong đó bản tiếng Đức dịch lại từ bản tiếng Anh, mà bản tiếng Anh có nhiều sai sót, thành ra bản tiếng Đức cũng sai rất nhiều.

Những chuyện như vậy quả thật chỉ có các dịch giả yêu nghề và kiến văn quảng bác mới nắm bắt được.

​Cần nhiều nỗ lực để thúc đẩy dịch thuật văn học ​Cần nhiều nỗ lực để thúc đẩy dịch thuật văn học

TT - Trong hai ngày 27 và 28-10, tại Trường đại học KHXH&NV Hà Nội diễn ra hội thảo quốc tế Dịch văn học - những vấn đề lý thuyết và các bài học kinh nghiệm.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên