08/05/2021 05:40 GMT+7

Dịch đe dọa, tổ chức thi cuối cấp ra sao?

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ

TTO - Dịch COVID-19 bùng phát trở lại khi năm học đang kết thúc, nhiều địa phương trong cả nước đã có những phương án tổ chức cho học sinh lớp 9, lớp 12 ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT.

Dịch đe dọa, tổ chức thi cuối cấp ra sao? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 Trường THPT An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM) nghe hướng dẫn cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ngoài phương án ôn tập trực tuyến, cũng có trường bàn đến chuyện giãn cách giữa các phòng học cho học sinh.

Ôn theo nhiều hình thức

Ông Phan Văn Quang - phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình (TP.HCM) - cho biết: "Học sinh lớp 9 ở Q.Tân Bình đã hoàn tất kiểm tra cuối học kỳ 2 năm học 2020 - 2021 từ ngày 29-4. Tuần lễ từ 3 đến 8-5, các em được học trực tiếp với giáo viên để hoàn thành chương trình lớp 9. 

Như vậy, công tác ôn thi cho học sinh lớp 9 sẽ bắt đầu từ 10-5. Hầu hết các trường THCS ở Q.Tân Bình đều chọn hình thức ôn tập trên Internet thông qua nhiều hình thức như gửi clip, giao bài tập, giải đáp thắc mắc trực tuyến...".

Trong khi đó, ông Hoàng Sơn Hải - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP.HCM) - cho hay: "Trường chúng tôi đã lên hai phương án để ôn tập trực tiếp cho học sinh khối 12. 

Một là tách lớp, hai là vẫn để học sinh học theo lớp cũ nhưng cách phòng. Tức là một phòng học đến một phòng trống rồi lại đến một phòng học. Trường ưu tiên chọn phương án 2 vì không bị động về giáo viên đứng lớp".

Còn cô H. - giáo viên môn văn ở Q.Bình Thạnh - đề nghị: "Năm học trước chúng tôi đã rất bất ngờ khi học sinh chỉ học trực tiếp trong sáu tuần là kết thúc học kỳ 2. Năm học này cả giáo viên và học sinh cùng chạy đua với thời gian để có thể hoàn tất đợt kiểm tra học kỳ, có lớp học sinh phải làm bài kiểm tra ba môn/buổi. 

Xong kiểm tra rồi tiếp tục ôn thi trong bối cảnh rất đặc biệt. Học - ôn - thi đều trong tình trạng chạy đua với thời gian thì rất khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Sở GD-ĐT TP.HCM nên xem xét đến yếu tố này để ra đề thi tuyển sinh lớp 10".

Tương tự, nhiều giáo viên THPT ở TP.HCM mong muốn có một kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng và vừa sức. 

"Nếu được thì Bộ GD-ĐT nên hạn chế phần kiến thức thuộc khối 10 và khối 11 mà chỉ nên tập trung vào phần kiến thức khối 12. Với tình hình như hiện nay, e rằng học sinh sẽ khó mà ôn hết chương trình như yêu cầu" - một giáo viên môn vật lý ở TP Thủ Đức (TP.HCM) bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - khẳng định: "Các trường THCS, THPT nên đa dạng hóa hình thức ôn tập cho học sinh như ôn trực tiếp, ôn từ xa bằng cách giao bài tập, giải đáp thắc mắc... 

Đề thi tuyển sinh lớp 10 sẽ giữ sự ổn định về cấu trúc, định dạng đề. Tuy nhiên, khi biên soạn đề, sở sẽ cân nhắc về số lượng câu hỏi thuộc dạng vận dụng cao, độ khó của những câu hỏi này cho phù hợp với tình hình dạy - học của năm nay".

Các trường phía Bắc lo thu xếp

Tại Yên Bái, mặc dù chỉ có bốn huyện, thị xã và TP phải cho học sinh nghỉ học nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu - trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT tỉnh này, sở đã xây dựng sáu tình huống tương ứng với các mốc thời gian khác nhau để dự phòng học sinh có thể nghỉ học dài hơn 1-2 tuần.

Trong đó có tình huống học sinh một số nơi phải tạm dừng đến trường hết tháng 5. Trong tình huống đó, lịch kết thúc năm học và các nội dung quan trọng như thi cử, tuyển sinh sẽ phải có sự thay đổi. 

Yên Bái là tỉnh khó khăn nên nhiều nơi học sinh không có điều kiện học trực tuyến, Sở GD-ĐT phải chỉ đạo linh hoạt áp dụng nhiều hình thức hướng dẫn học tập, ôn luyện từ xa.

Theo ông Trịnh Văn Mừng - trưởng phòng giáo dục phổ thông Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, hiện học sinh các cấp đang tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. Sở đã hướng dẫn các trường hoàn thành chương trình trước 25-5 và vẫn kết thúc năm học trước 31-5. 

Vì thế đối với học sinh cuối cấp sẽ thi chuyển cấp hoặc thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn này sẽ vừa học kiến thức mới để chạy hết chương trình vừa ôn tập. 

Tuy nhiên, theo ông Mừng, để việc ôn tập với hình thức hướng dẫn từ xa hay trực tuyến có hiệu quả, các nhà trường rất cần sự hỗ trợ của phụ huynh trong việc cùng giám sát, đôn đốc học sinh.

Chia sẻ về "nhiệm vụ kép" trong thời gian này, thầy giáo Nguyễn Hồng Quân - phó hiệu trưởng Trường THPT Xuân Hòa (Vĩnh Phúc) - cho biết: 

"Đối với học sinh lớp 12, trường chỉ đạo giáo viên tăng cường giao đề thi có mức tương đương với đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT hoặc đề thi tốt nghiệp các năm trước để học sinh ôn luyện, rèn kỹ năng làm bài trong thời gian này. 

Nếu dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, học sinh chưa thể trở lại trường, trường sẽ tiếp tục vừa dạy học trực tuyến vừa dạy học qua truyền hình, kết hợp hướng dẫn học sinh ôn tập qua các ứng dụng Zalo, Facebook...".

Dịch đe dọa, tổ chức thi cuối cấp ra sao? - Ảnh 2.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10, TP.HCM) làm bài kiểm tra học kỳ 2 trước khi nghỉ tránh dịch COVID-19, sáng 6-5 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cố gắng giữ ổn định

Tại Hà Nội, phần lớn các trường THPT đã hoàn thành kiểm tra học kỳ 2 tất cả các môn học. Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, hiện học sinh lớp 12 chỉ còn vài môn chưa kết thúc chương trình học. 

Các môn học đều đã tổ chức kiểm tra học kỳ 2. Cho dù không xảy ra tình trạng dừng đến trường vì COVID-19 thì trường vẫn phải chủ động sắp xếp để học sinh hoàn thành chương trình dần ở các môn học vào hai tuần đầu tháng 5 để có thời gian cho học sinh ôn tập, chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.

Tuy vậy, Hà Nội cũng còn nhiều trường THCS, THPT chưa kịp hoàn thành việc kiểm tra định kỳ cuối năm. "Nếu học sinh phải dừng đến trường khoảng hai tuần, lịch kiểm tra, kết thúc năm học sẽ có xáo trộn" - lãnh đạo một trường THCS tại Q.Long Biên (Hà Nội) cho biết.

Về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết thông tư 09/2021 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong trường phổ thông và giáo dục thường xuyên có hiệu lực từ tháng 5-2021. 

Thông tư này cho phép các trường trong trường hợp bất khả kháng có thể tổ chức cho học sinh kiểm tra định kỳ (giữa, cuối học kỳ 1, học kỳ 2) bằng hình thức trực tuyến.

"Trong trường hợp này, hiệu trưởng có trách nhiệm giải trình về chất lượng kiểm tra. Trong đó phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giám sát việc kiểm tra qua hình thức trực tuyến một cách khách quan, minh bạch" - ông Thành cho biết. 

Như vậy nếu nghỉ do COVID-19 phải kéo dài, dẫn tới không kịp thời gian để thực hiện nhiều nội dung công việc kết thúc năm học, các trường có thể kiểm tra định kỳ trực tuyến.

Bộ cũng khẳng định các trường được chủ động chọn hình thức kiểm tra định kỳ phù hợp với tình huống cụ thể.

Quảng Ngãi: chờ vài ngày nữa xem thế nào

Ngày 7-5, ông Đỗ Văn Phu - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi - cho biết hiện công tác chống dịch vẫn được đặt lên hàng đầu, tạm thời học sinh toàn tỉnh phải nghỉ học cho đến khi nhận thông báo mới. Điều này dẫn đến việc ôn tập, chuẩn bị thi vào lớp 10 của học sinh ít nhiều bị ảnh hưởng.

"Giờ phải chờ vài ngày nữa xem việc truy vết cho kết quả thế nào. Nếu tình hình khả quan, dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ tổ chức cho các em ôn tập, thi học kỳ và chuẩn bị phương án ôn tập cho học trò thi vào lớp 10 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6" - ông Phu nói.

Trong trường hợp dịch bệnh trong cộng đồng bùng phát, ngành giáo dục sẽ lên phương án phù hợp để ôn thi cho các em. Quan trọng nhất vẫn là tương tác giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh, có thể ôn tập online. (TRẦN MAI)

Sẽ tổ chức thêm đợt thi nếu cần thiết

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - cho biết: Quan điểm của Bộ GD-ĐT là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.

* Trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay có điều chỉnh phương án không?

- Tùy tình hình diễn biến của dịch COVID-19 để quyết định phương án tổ chức kỳ thi theo nguyên tắc sẽ tổ chức kỳ thi đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội). Sẽ tiến hành các biện pháp khử khuẩn, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tại các điểm thi.

Tại các điểm thi, khu vực thi sẽ bố trí các phương án bố trí phòng thi cho các thí sinh diện F1, F2, F3 với các phương án phòng chống dịch phù hợp với các nhóm thí sinh diện này.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức thêm đợt thi. Để thực hiện phương án này, hiện bộ đã chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi đáp ứng số lượng, chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nhiều đợt.

Nhưng trước mắt các địa phương, trường thực hiện tốt các phương án phòng chống dịch COVID-19; tổ chức dạy học, ôn tập với các hình thức linh hoạt, hiệu quả; ổn định về tâm lý, không lơ là và cũng không chủ quan để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

* Trong bối cảnh chịu tác động của dịch COVID-19, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, đồng thời vẫn đảm bảo cho các trường ĐH - CĐ sử dụng kết quả thi xét tuyển không?

- Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 sẽ không được đưa vào đề thi năm nay.

Đề thi sẽ gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đồng thời cũng có số lượng hợp lý các câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi của thí sinh (nhất là đối với vùng điểm cao như điểm 9, điểm 10).

Để thí sinh thuận lợi khi làm bài, các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó. Các nhà trường nên bám sát đề thi tham khảo để làm cơ sở hướng dẫn học sinh ôn tập.

Với cấu trúc đề thi tham khảo đã công bố như vậy, kết quả thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT không những được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương mà còn phân hóa tốt kết quả thi của các nhóm thí sinh, giúp đánh giá đúng chất lượng học tập của các em và làm cơ sở để phần lớn các trường sử dụng trong tuyển sinh.

Thực tế những năm qua, nhất là năm 2020, cho thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm túc thì cũng sẽ hỗ trợ tốt công tác tuyển sinh ĐH, CĐ. (VĨNH HÀ thực hiện)

Đà Nẵng: ôn trực tuyến 3 môn

Tại Trường THCS Tây Sơn (Q.Hải Châu, Đà Nẵng), thầy Nguyễn Đức Tú Anh - hiệu trưởng - cho biết học sinh trên toàn TP phải nghỉ học nhưng học sinh lớp 9 sẽ đi ôn tập thi vào lớp 10. Do đó trường tính đến phương án cho các em ôn tập trực tuyến ba môn.

Ông Mai Tấn Linh - phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng - cho hay sở đã có hướng dẫn dạy học trong thời gian nghỉ học để phòng chống COVID-19.

Các trường, đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch dạy học ôn tập đến học sinh cuối cấp; tập trung hướng dẫn học sinh giải bài tập, các đề thi tham khảo, đề thi tốt nghiệp THPT, thi THPT quốc gia, đề thi tuyển sinh các năm trước để củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài.

Đối với việc chuẩn bị thi lớp 10, tùy diễn biến dịch sẽ có điều chỉnh thời gian thi hợp lý. (ĐOÀN CƯỜNG)

Ôn thi trực tuyến có hiệu quả không?

132c7522-b0f1-494e-abd6-4c3e89bccbd7 7(read-only)

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) trước khi vào lớp - Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi về lo lắng của nhiều hiệu trưởng ở Hà Nội về việc ôn thi trực tuyến không hiệu quả, thiệt thòi cho học sinh chuẩn bị thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết việc ôn tập cho học sinh trực tiếp hay trực tuyến thì đều phải dựa trên nguyên tắc giao việc cho học sinh.

Có nghĩa việc hệ thống kiến thức, luyện tập qua các phiếu bài tập, phiếu luyện đề đều phải để học sinh tự làm trước; giáo viên sửa, giảng giải sau khi học sinh hoàn thành nhiệm vụ được giao.

"Khi ôn tập trực tuyến, việc này càng cần phải lưu ý. Không nên máy móc tổ chức các lớp học qua phần mềm trực tuyến để giáo viên giảng lại nội dung bài học và coi đó là cách ôn tập.

Giáo viên phải giao việc cho học sinh lập đề cương ôn tập thông qua hệ thống câu hỏi do giáo viên xây dựng với các nhóm đối tượng học sinh khác nhau để các em tự ôn luyện, hoàn thành các phiếu bài tập; tổ chức cho học sinh làm các đề bài căn cứ vào đề thi tham khảo.

Những phần việc này học sinh có thể chủ động thực hiện. Còn trong các giờ ôn tập online, giáo viên chỉ trao đổi, giảng giải những nội dung học sinh chưa hiểu, còn làm sai. Nếu làm đúng như thế thì ôn tập trực tuyến cũng vẫn hiệu quả".

Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết với những địa phương khó khăn trong tổ chức dạy học trực tuyến thì có thể sử dụng lại các bài dạy của giáo viên trên truyền hình đã thu năm trước hoặc ghi hình mới.

Trong đó những video bài dạy đã ghi hình năm trước trùng với nội dung đang triển khai ở thời điểm này có thể chia sẻ cho học sinh qua mạng. Kèm theo đó là kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tự học của học sinh, kiểm tra việc học tập của học sinh qua hệ thống bài tập.

Ngoài ra, các hình thức như gửi phiếu bài tập, tài liệu học tập cho học sinh các vùng khó khăn, nhà trường kết hợp với phụ huynh để kèm học sinh tự học mà nhiều địa phương đã làm tốt năm trước cũng có thể tiếp tục triển khai.

Cục trưởng Mai Văn Trinh: Sẽ tổ chức nhiều đợt thi tốt nghiệp THPT nếu cần thiết Cục trưởng Mai Văn Trinh: Sẽ tổ chức nhiều đợt thi tốt nghiệp THPT nếu cần thiết

TTO - Ngày 7-5, nói về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết sẽ tổ chức nhiều đợt thi nếu cần thiết.

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên