Đồ họa: NGỌC THÀNH
* Bản tin cập nhật lúc 12h20 ngày 20-4
New Zealand kéo dài phong tỏa thêm 1 tuần
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 20-4 cho biết nước này sẽ kéo dài thời hạn phong tỏa thêm 1 tuần để ngăn chặn sự lây lan của virus corona trước khi nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại.
Như vậy, biện pháp phong tỏa Cảnh báo mức 4 của New Zealand sẽ kéo dài cho đến 23h59 ngày 27-4 trước khi hạ xuống Cảnh báo mức 3 trong vòng 2 tuần. Cho đến nay, số người qua đời vì virus corona ở New Zealand vẫn chỉ là 12 người và 1.431 người nhiễm, theo Reuters.
Bắc Kinh mở lại 73 điểm du lịch chính
Bắc Kinh ngày 19-4 đã mở lại 73 điểm du lịch chính của thành phố, bao gồm nhiều khu vực dọc Vạn Lý Trường Thành, theo Tân Hoa xã. Tất cả đều là các điểm du lịch ngoài trời và chiếm khoảng 30% các điểm du lịch của thành phố.
Một quan chức cục du lịch Bắc Kinh cho biết lượng du khách tham quan các địa điểm này sẽ được giữ ở mức 30% năng suất bình thường.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Phát hiện dấu vết virus corona trong đường ống nước của Paris
Hãng tin AFP cho hay đã phát hiện "dấu vết rất nhỏ" của virus corona trong đường ống nước ở Paris, nhưng là ở mạng lưới nước không uống được, dùng để làm sạch đường phố và tưới nước cho công viên. Không có rủi ro gì đối với mạng lưới nước dùng để uống, vốn là một hệ thống riêng biệt.
Phòng thí nghiệm của ban quản lý nước Paris phát hiện ra sự hiện diện của virus corona "trong 24 giờ qua" tại 4 trong số 27 điểm lấy mẫu được xét nghiệm. Tòa thị chính Paris ngay lập tức đình chỉ sử dụng nước từ mạng lưới nước không dùng để uống nhằm phòng ngừa rủi ro.
Việt Nam 4 ngày liền không có ca nhiễm mới
Theo bản tin cập nhật lúc 6h sáng 20-4 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong 4 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca bệnh mới.
Tổng số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam hiện vẫn là 268 trường hợp, trong đó 202 người đã ra viện. Trong số 66 trường hợp còn đang điều trị, 20 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1-2 lần.
Trước đó từ 19 đến 23h ngày 19-4 (giờ Việt Nam), các Bộ trưởng y tế G20 họp trực tuyến để thảo luận về tác động của COVID-19 đối với sức khỏe toàn cầu. Thứ trưởng Y tế Việt Nam Trương Quốc Cường đã dự họp và chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam và ASEAN (trên vai trò Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020) trong ứng phó với COVID-19.
Giá dầu thô Mỹ rớt xuống 15 USD/thùng
Giá dầu thô Mỹ tiếp tục lao dốc xuống dưới ngưỡng 15 USD/thùng trong ngày 20-4, thấp nhất trong 2 thập kỷ qua trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô bị đóng băng vì đại dịch COVID-19.
Trong phiên giao dịch sớm ngày 20-4 tại thị trường châu Á, giá dầu WTI mất hơn 19% xuống mức 14,73 USD/ thùng trước khi thị trường ổn định lại và giá dầu WTI quay trở lại mức 15,78 USD/thùng, theo AFP.
Giá dầu Brent cũng mất 4,1% xuống còn 26,93 USD/thùng trước khi tăng trở lại và ổn định ở mức 28,11 USD/thùng.
Thị trường dầu thô đã giảm liên tục trong vài tuần qua trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới áp đặt các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại... để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, làm giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên toàn thế giới.
50 người di cư bị trục xuất từ Mỹ về Guatemala nhiễm corona
Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei ngày 19-4 cho biết tổng cộng có 50 người di cư bị trục xuất từ Mỹ về Guatemala cho kết quả dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), bao gồm 14 người trên chuyến bay trục xuất tối 14-4.
Hầu hết những người bị Mỹ trục xuất về Guatemala trên chuyến bay trước đó cũng có kết quả dương tính với virus này.
Số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng ở Mỹ
Theo Hãng tin Reuters, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vừa công bố số ca dương tính ở Mỹ hiện là 720.630. Tổng số người tử vong do COVID-19 ở Mỹ là 37.202 người.
Hiện Mỹ là nước có tổng số người nhiễm và tử vong cao nhất thế giới.
Số liệu của CDC Mỹ có chênh lệch với các trang thống kê khác như của trường Đại học Johns Hopkins và trang worldometers.info. Theo Đại học Johns Hopkins, Mỹ hiện có 755.533 ca nhiễm và 40.461 ca tử vong.
Trong khi đó, số liệu của trang worldometers.info cho thấy Mỹ có tổng cộng 762.496 ca dương tính và 40.704 ca tử vong. Cũng theo trang web này, số ca nhiễm mới tính đến 6h ngày 20-4 (giờ Việt Nam) của Mỹ là 23.704 trường hợp, số ca tử vong mới là 1.464 người. Tổng số người tử vong do COVID-19 ở Mỹ là 40.478 người.
Tại Hàn Quốc, theo hãng tin Yonhap ngày 20-4, nước này ghi nhận thêm 13 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm cả nước lên 10.674. Tổng số ca tử vong là 234 trường hợp.
Tại Trung Quốc đại lục, đến hết ngày 19-4 nước này không có ca tử vong mới nhưng có thêm 49 trường hợp dương tính không có triệu chứng, 12 ca dương tính mới trong đó có 8 ca từ nước ngoài.
Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc đại lục hiện có tất cả 82.747 ca dương tính với virus corona và 4.632 ca tử vong.
Đông Nam Á
Đến hết ngày 19-4, toàn khu vực Đông Nam Á ghi nhận trên 28.200 ca nhiễm và trên 1.100 người tử vong. Singapore là nước có nhiều ca bệnh nhất trong khối ASEAN.
Nhóm 5 nước có nhiều ca mắc ở ASEAN lần lượt là Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, và Thái Lan. Sáu nước còn lại gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Brunei và Timor Leste có số ca nhiễm thấp hơn.
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho người lao động tại khu nhà ở của công nhân Westlite Toh Guan ở Singapore - Ảnh: REUTERS
Châu Âu
Tổng số ca tử vong ở châu Âu, không bao gồm Nga, đã là 100.316 trường hợp.
Theo báo Anh The Guardian, tỉ lệ chết đang giảm xuống ở Tây Ban Nha, Hà Lan. Ba nước có số người tử vong cao nhất ở châu Âu là Ý, Tây Ban Nha, Pháp.
Đức, Na Uy, Cộng hòa Czech, Ba Lan nới lỏng lệnh phong tỏa từ ngày 20-4 nhưng Tây Ban Nha tiếp tục duy trì giãn cách xã hội thêm 1 tuần, đến 27-4. Ngày 19-4, Pháp cho biết sẽ kéo dài các biện pháp hạn chế thêm ít nhất 3 tuần.
Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan ở Naples, Ý - Ảnh: REUTERS
Châu Mỹ Latin
Theo AFP, số ca dương tính được xác nhận ở châu Mỹ Latin đến ngày 5h sáng ngày 20-4 đã là 100.952 với tổng cộng gần 4.924 trường hợp tử vong.
Trong đó, Brazil, đất nước có dân số 210 triệu người có nhiều ca nhiễm nhất.
Tổng số ca nhiễm được xác nhận của Brazil là 38.654 trường hợp và 2.462 trường hợp tử vong.
Peru có tổng cộng 15.628 ca nhiễm và nước có số ca nhiễm cao thứ hai ở Nam Mỹ. Cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 ở Peru đã làm hàng triệu người thất nghiệp. Tổng số ca tử vong của Peru hiện là 400 người, theo số liệu của bộ Y tế nước này.
Người dân New York ra đường tập thể dục trong công viên ngày 19-4 - Ảnh: REUTERS
Bangladesh
Nhà chức trách Bangladesh đang điều tra vì sao khoảng 100.000 tín đồ lại có thể cùng lúc dự lễ tang của một nhà truyền giáo đạo Hồi nổi tiếng ở nước này trong ngày 18-4 bất chấp lệnh phong tỏa đất nước, cấm tụ tập đông người được ban hành từ 26-3, có hiệu lực đến 25-4.
Bangladesh đang lo ngại sự kiện này sẽ khiến virus lây lan dữ dội hơn trong cộng đồng. Ngày 19-4, Bangladesh có thêm 312 ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm của nước này đến nay là 2.456 trường hợp và 91 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Khoảng 100.000 tín đồ dự lễ tang của một giáo sĩ đạo Hồi nổi tiếng ở Bangladesh trong ngày 18-4 khiến nhà chức trách lo ngại dịch bệnh bùng phát - Ảnh: News.com.au
Mexico
Theo Hãng tin Reuters, Bộ Y tế Mexico ngày 19-4 cho biết đến cuối ngày 19-4, nước này có 764 ca dương tính với virus corona mới và 36 ca tử vong mới. Mexico đang có tổng cộng 8.261 ca dương tính được xác nhận với virus corona, 686 ca tử vong.
Úc
Theo Hãng tin Reuters, hơn 150 nhà kinh tế ở Úc ngày 20-4 đã cảnh báo chính phủ về việc nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội cho dù tỷ lệ lân lan của bệnh dịch đang chậm lại trong nhiều tuần. Hiện số ca nhiễm mới được xác nhận ở Úc là dưới 40 ca/ngày.
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã quyết định các biện pháp hạn chế để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 sẽ kép dài thêm ít nhất là đến giữa tháng 5 và cần ít nhất 40% người dân hợp tác để các biện pháp có hiệu quả. Số ca nhiễm mới của Úc đến hết ngày 19-4 là 26 và số ca tử vong mới là 1.
Úc hiện có tổng cộng 6.612 ca nhiễm, 71 ca tử vong.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận