12/03/2023 10:41 GMT+7

'Địa chấn' ở Thung lũng Silicon

Sáng 10-3 (giờ Mỹ), Ngân hàng Silicon Valley (SVB) chính thức dừng hoạt động. Đây là sự sụp đổ lớn thứ hai của một tổ chức tài chính trong lịch sử Mỹ kể từ năm 2008.

Cảnh sát có mặt tại trụ sở Ngân hàng Silicon Valley (SVB) ở TP Santa Clara, bang California, Mỹ vào ngày 10-3 - Ảnh: AFP

Cảnh sát có mặt tại trụ sở Ngân hàng Silicon Valley (SVB) ở TP Santa Clara, bang California, Mỹ vào ngày 10-3 - Ảnh: AFP

SVB - ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với tài sản 209 tỉ USD - đã sụp đổ trong 48 giờ. Các nhà quản lý bang California, Mỹ đã đóng cửa SVB và đặt ngân hàng này dưới sự kiểm soát của Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC). 

Theo đó FDIC sẽ thanh lý tài sản của SVB để trả cho người gửi tiền và các chủ nợ của ngân hàng này.

Chuyện gì đã xảy ra?

Ông Ryan Gilbert, người sáng lập Công ty đầu tư mạo hiểm Launchpad Capital, gọi sự sụp đổ của SVB là cơn địa chấn với những hố sâu lớn. Theo Đài CNN, rắc rối bắt đầu vào hôm 8-3, khi SVB Financial Group - công ty mẹ của SVB - thông báo đã bán 21 tỉ USD trái phiếu để có tiền mặt ngay, chấp nhận lỗ 1,8 tỉ USD.

SVB Financial Group cũng cho biết sẽ phát hành thêm 2,25 tỉ USD cổ phiếu mới để tăng thêm tiền mặt bù đắp phần thiếu hụt trong bảng cân đối kế toán. Thông tin này khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm hoảng loạn và hối thúc các doanh nghiệp rút tiền khỏi SVB.

Cổ phiếu SVB Financial Group giảm tới 60% trong ngày 9-3, kéo theo cổ phiếu của một số ngân hàng khác giảm. Đến sáng 10-3, cổ phiếu SVB Financial Group bị tạm ngừng giao dịch và SVB cũng bỏ nỗ lực huy động vốn hoặc tìm người mua gấp. Một số cổ phiếu của các ngân hàng phương Tây khác như First Republic, PacWest Bancorp và Signature Bank cũng bị tạm ngừng giao dịch vào ngày 10-3.

Thời điểm FDIC tiếp quản SVB vào giữa buổi sáng 10-3 cho thấy tính gấp gáp đặc biệt, bởi thông thường cơ quan này vẫn đợi đến khi thị trường đóng cửa mới can thiệp.

"Tình trạng của SVB xấu đi nhanh chóng đến mức họ không thể trụ thêm 5 giờ nữa. Đó là vì những người gửi tiền đã rút quá nhanh khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán và việc đóng cửa trong ngày là không thể tránh khỏi do bị rút tiền ồ ạt", ông Dennis M. Kelleher, giám đốc điều hành của Tổ chức phi lợi nhuận Better Markets, nhận định.

Theo báo The Guardian, sụ sụp đổ của SVB có thể bắt nguồn từ việc Cục Dự trữ liên bang (Fed) - tức ngân hàng trung ương Mỹ - tăng lãi suất mạnh trong năm qua, và vì các nhà đầu tư sợ rủi ro.

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Hãng đánh giá rủi ro Moody's Analytics, giải thích lãi suất cao đặc biệt ảnh hưởng nặng đến ngành công nghệ, làm giảm giá trị các cổ phiếu công nghệ và khiến việc huy động vốn khó khăn hơn. Điều đó khiến nhiều công ty mảng này phải rút tiền gửi tại SVB để duy trì hoạt động.

Khó có hiệu ứng domino?

Ngày 10-3, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo trấn an công chúng sau sự sụp đổ đột ngột của SVB: "Các nhà quản lý liên bang đang chú ý đến tổ chức tài chính đặc biệt này. Khi nói tới hệ thống tài chính nói chung, chúng tôi rất tự tin vào năng lực và khả năng phục hồi của hệ thống". 

Ông cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi có các công cụ cần thiết để đối phó với các sự cố như những gì đã xảy ra với SVB". Ông Adeyemo cho biết giới chức Mỹ đang tìm hiểu thêm về vụ việc của SVB và từ chối dự báo về tác động của nó đến nền kinh tế hoặc ngành công nghệ.

Bất chấp sự hoảng loạn ban đầu ở Phố Wall vì SVB khiến giá nhiều cổ phiếu sụt giảm, các nhà phân tích cho rằng vụ việc này khó có thể gây ra hiệu ứng domino với ngành ngân hàng như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

"Hệ thống hiện nay được vốn hóa tốt và có tính thanh khoản cao. Những ngân hàng gặp rắc rối hiện nay quá nhỏ để có thể trở thành mối đe dọa đáng kể đối với hệ thống nói chung", nhà kinh tế Mark Zandi đánh giá.

Theo báo New York Times, một số ngân hàng lớn nhất của Mỹ dường như vẫn "bình yên vô sự". Giá cổ phiếu của các ngân hàng Wells Fargo, JPMorgan và Citigroup nhìn chung không thay đổi trong ngày 10-3.

Đó là vì các ngân hàng lớn nhất của Mỹ hoạt động trong "một thế giới rất khác". Các yêu cầu về vốn của họ nghiêm ngặt hơn và họ cũng có cơ sở khách hàng gửi tiền rộng hơn nhiều so với các tổ chức tài chính như SVB - những ngân hàng vốn không thu hút được nhiều khách lẻ.

Các cơ quan quản lý của Mỹ cũng đã cố gắng ngăn các ngân hàng lớn tập trung quá nhiều vào một lĩnh vực kinh doanh, và phần lớn tránh xa các tài sản mang rủi ro cao như tiền mã hóa.

Tuy nhiên nhà phân tích thị trường Ed Moya tại Công ty Oanda cho rằng các ngân hàng nhỏ hơn có thể gặp khó khăn do mối quan hệ ràng buộc không cân xứng với các ngành thiếu tiền mặt như công nghệ và tiền mã hóa.

Ảnh hưởng tới start-up công nghệ

SVB được xem là đối tác cho vay hàng đầu của các công ty khởi nghiệp (start-up) công nghệ. Theo trang web của SVB, gần một nửa số start-up công nghệ và y tế đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2022 sau khi được hậu thuẫn bởi dòng vốn mạo hiểm tại Mỹ đều là khách hàng của SVB.

"Sự sụp đổ của SVB là sự kiện mang "cấp độ tuyệt chủng" đe dọa các start-up. Nó sẽ khiến các công ty này thụt lùi tới 10 năm hoặc hơn thế", ông Gary Tan, giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Y Combinator ("vườn ươm start-up" từng đầu tư vào Airbnb, Stripe và Dropbox), bình luận.

Những 'vị thần' được sùng bái ở Thung lũng SiliconNhững "vị thần" được sùng bái ở Thung lũng Silicon

TTCT - Nước Mỹ, cái nôi của những thiên tài công nghệ, những nhà sáng lập kiêm CEO của các đế chế vươn lên từ kỹ thuật số và Internet, từ lâu cũng đã tôn thờ, sùng bái họ như những vị thần, có khả năng cải biến thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên