23/03/2020 13:49 GMT+7

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 6: Nghèo vật chất mà giàu nghĩa nhân

SƠN LÂM - THÁI LỘC
SƠN LÂM - THÁI LỘC

TTO - 'Con còn nhỏ, bố phải nằm khum lưng chồm che cho con khỏi ướt suốt cả đêm, vậy mà ông thường kêu mẹ dẫn mấy người ăn xin rách rưới, hôi hám, không nơi nương tựa về cho tá túc, ăn uống cùng', ông Nguyễn Hữu Vũ kể về cha - nhà thơ Hữu Loan.

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 6: Nghèo vật chất mà giàu nghĩa nhân - Ảnh 1.

Nhà thơ Hữu Loan (ngồi giữa) cùng con cháu những năm 2000 - Ảnh: THÁI LỘC chụp tư liệu gia đình

Nhà thơ Hữu Loan có 10 người con và có đến hơn 40 cháu chắt. Con cháu đều xem ông là một tấm gương nhân nghĩa, cả đời sống và nghĩ đến những người nghèo khổ, thấp bé trong xã hội.

Bão về, gió chiều nào phải hùa nhau đứng vịn chống cột ngược lại chiều ấy cho khỏi sập nhà. Con còn nhỏ, bố phải nằm thế khum lưng chồm che cho con khỏi ướt suốt cả đêm, vậy mà ông thường kêu mẹ dẫn mấy người ăn xin rách rưới, hôi hám, không nơi nương tựa về cho tá túc, ăn uống cùng...

Lễ giỗ ấm cúng

Ngày 25-2-2020, nhằm ngày 3-2 năm Canh Tý, chúng tôi ghé nhà xưa của Hữu Loan ở làng Vân Hoàn đúng ngày giỗ 10 năm ông về miền thi ca vĩnh hằng.

10h sáng, bà Nguyễn Thị Hương, người con thứ hai, đã đến mở cửa nhà. "Con cháu đã có nhà riêng, từ ngày bố mẹ mất không ai ở, chỉ ghé thắp nhang và mỗi năm một lần dồn về cúng giỗ", bà Hương vừa nói vừa lau bàn thờ.

Bên ngoài, người cháu ngoại quét sân vườn, khói lá nghi ngút phủ lên căn nhà cũ kỹ mà năm xưa vợ chồng nhà thơ và 10 người con quây quần vượt qua khốn khó.

Đợt giỗ lần này thiếu ba gia đình, đó là người con đầu Nguyễn Hữu Cương đang ở TP.HCM, con gái thứ bảy Nguyễn Thị Định ở Đồng Nai và con gái út Nguyễn Thị Triệu hiện ở Hàn Quốc.

Bảy gia đình quây quần, nhà nào cũng đã ổn định kinh tế, không còn ai phải thiếu hụt khó khăn như thời của bố. Mỗi gia đình đều chuẩn bị hoa quả và một vài món đem đến bày biện, dâng cúng.

Ngay sau dâng hương, mâm cỗ được bày dưới mái tôn trên sân trước, có đủ các món từ gà, nộm, bánh lá, bánh lọc, cà ri bò, nem rán, canh mực, canh miến nấu cua...

"Ông cụ thích ăn rau lắm. Ông ăn uống dễ, thanh đạm, chỉ cần cơm với ít rau cũng xong bữa", bà Hương mở đầu câu chuyện về người bố đã đi xa đúng 10 năm. Tất cả như chợt nín lặng khi người con Nguyễn Hữu Đán nhắc: "Chúng ta đang ngồi ở chỗ nhà tre nứa tám mái của ông cụ anh nhỉ?"...

Những câu chuyện cũ bỗng ùa về. Nào là chuyện ông tự làm nhà, chở đá nhọc nhằn. Nào là chuyện ông muốn chụp lại cái cảnh ngôi nhà từ đọt cây dừa bên hồ cá mà không biết bằng cách gì.

Chuyện ông tự tay đào ao, chở đá xanh từ núi Vân Hoàn về xếp bờ ao, làm thêm mấy bậc tam cấp đá dẫn xuống làm chỗ rửa chân. Rồi chuyện ông mỗi ngày thắp nhang cạnh tảng đá xanh cạnh bên, hoặc uống trà hay rượu đều rưới lên tảng đá cho thập loại chúng sinh không nơi nương tựa mà hồn còn lẩn khuất đâu đây...

Đòi đánh nếu không trả giấy báo nhập học

Khui chai rượu mang từ Đức về giỗ bố để mời mọi người, ông Nguyễn Hữu Đán lần lượt giới thiệu cho chúng tôi về người nhà. Với tay sang bà Hương, ông Đán nhắc kỷ niệm cũ của bố: "Chị Hương giờ đã là giáo viên về hưu, mà năm xưa không có bố xông vào ty giáo dục tìm giấy báo thì không làm giáo viên được đâu".

Câu chuyện lại kéo về ngày đói khổ, vợ chồng nhà thơ người thồ đá, người làm bánh bán chui nuôi con. Những người con của Hữu Loan ngày ấy chỉ học bổ túc, nhưng trí nhớ và sự thông minh thì cả làng biết đến.

Con trai cả Nguyễn Hữu Cương sau thi đại học biết mình đủ điểm du học Liên Xô. Vậy mà giấy báo nhập học chờ hoài không thấy, dù Hữu Loan mấy lần đạp xe lên huyện và lên tỉnh hỏi thăm. Đời ông Cương từ đó rẽ sang hướng khác, quần quật đủ thứ nghề chân tay cho tới khi con gái vào TP.HCM lập nghiệp rồi theo vào.

Đến lượt bà Hương thi sư phạm cũng gặp cảnh không nhận được giấy báo. Thương con gái và cũng muốn con làm nghề dạy chữ, Hữu Loan đạp xe thẳng lên Ty giáo dục Thanh Hóa. Những người trên ty lại bảo về hỏi huyện, huyện bảo hỏi xã, xã lại chỉ cấp trên. Tức mình, ông xông thẳng vào ty giáo dục, bảo nếu không trả giấy thì không về.

Ông Đán kể: "Bực quá, bố xông vào xáo lục đống giấy tờ làm rối tung. Người phụ trách lúc ấy kêu ông đừng làm vậy rối loạn, hỏng hết việc.

Ông bảo: "Chính tau đẻ ra cái này", ý nói ông từng tham gia thành lập chính quyền và làm chức tương đương phó chủ tịch, phụ trách giáo dục. "Nếu hôm nay mày không trả, tau đánh mày".

Lần ấy, không những tìm được giấy báo nhập học cho con gái, ông còn tìm được cả giấy báo nhập học cho con trai đầu nhưng đã bị sửa thành Nguyễn Hữu Cường. Những người con cho rằng chính lý do ấy làm ông chán ngán không cho các con sau học đến nơi đến chốn.

Người con gái thứ ba Nguyễn Thị Hà học hết bổ túc lớp 10, ông cho nghỉ ở nhà lấy chồng. Con trai thứ tư Nguyễn Hữu Vũ học hết lớp 7 cho theo nghề cơ khí, xẻ gỗ và người con gái kế út Nguyễn Thị Chung học hết lớp 9...

Trường hợp ông Đán học xong phổ thông cũng nghỉ mở tiệm hàn ở quê. Đến năm 1991 khi cửa hàng đắt khách, ông Đán lại quyết chí đi học và đỗ vào ngành kiến trúc ở Hà Nội.

Ông nhớ như in: "Bố bảo tôi thôi đừng đi học nữa, học hay làm gì thì cũng kiếm tiền. Có cửa hàng, có nghiệp vụ, có khách hàng, làm kiếm tiền lương thiện rồi. Lên Hà Nội cũng khó khăn, bố mẹ không có điều kiện giúp con được".

Tuy nhiên, đó chỉ là những lo lắng của người cha trước thời cuộc. Khi ông Đán nói rõ sở thích được đi học của mình, người bố cũng không can ngăn nữa.

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 6: Nghèo vật chất mà giàu nghĩa nhân - Ảnh 3.

Con cháu dâng hương lễ giỗ 10 năm thi sĩ về miền thi ca vĩnh hằng - Ảnh: SƠN LÂM

Bài học nhân nghĩa

Những người con nhắc rất nhiều đến sự dạy dỗ của một người bố rất ân tình, nhân nghĩa, luôn quan tâm và thương những thân phận nghèo khổ.

Khi rời báo Văn Nghệ ở Hà Nội về quê trong cảnh túng thiếu, vậy mà Hữu Loan sẵn sàng cho một gia đình mượn nhà ông trước đó ở tiếp để thu hoạch hết vụ hoa màu trong vườn nhà.

Phần mình, ông dẫn vợ con sang vùng Nga Điền, Nga Sơn xin cày mấy mẫu ruộng do người vào Nam bỏ hoang.

"Cái nhà tự tay bố tôi làm lợp cói, cỏ năng. Mỗi đêm mưa dột, cả nhà phải lóp ngóp chen nhau che nước. Có đợt bão về, gió chiều nào phải hùa nhau đứng vịn chống cột ngược lại chiều ấy cho khỏi sập nhà.

Con còn nhỏ, bố phải nằm thế khum lưng chồm che cho con khỏi ướt suốt cả đêm, vậy mà ông thường kêu mẹ dẫn mấy người ăn xin rách rưới, hôi hám, không nơi nương tựa về cho tá túc, ăn uống cùng.

Thiếu thốn, nhà chật còn không đủ chỗ cho con đông vậy mà cảnh mấy người ăn xin chen ăn, chen ngủ trong nhà như một điều tự nhiên" - ông Nguyễn Hữu Vũ kể và cho rằng tình thương người trong mấy người con cứ thế thấm dần theo bố.

Phần mình, nhà thơ Hữu Loan rất trực tính, nghiêm nghị, đôi khi đánh con sai quấy. Khi con cái hục hặc với nhau, ông chỉ đánh đứa lớn hơn, vì ông cho rằng đứa lớn thì sẽ làm gương được cho đứa nhỏ.

Tuy nhiên, ông cũng là một người cha rất tinh tế, không bao giờ dạy con theo khẩu hiệu mà gần như mọi lúc mọi nơi, từng ngày từng giờ để dạy con, phân giải cho con cái hiểu mọi thứ khúc mắc.

"Đặc biệt thấy làm sai là ông nói ngay, chứ không dạy dỗ theo kiểu hình thức phải thế này, thế nọ. Bố là người rất sát thực và có khả năng nhìn thấu tim mỗi người con. Bố cũng dạy mỗi người mỗi khác, hễ ai có tính xấu thì bố sẽ có cách để làm giảm tính xấu lại", ông Đán xúc động nhắc nhớ bố mình.

“Lúc tôi đang là sinh viên ở Hà Nội, bố rất lo tôi bị nghiện hút vì nước da tôi trắng và gầy. Có lần về nhà, bố bảo tôi leo lên dọn mấy cây dừa trong vườn và hái xoài rồi đứng dưới dõi theo.

Đến khi tôi làm một hơi hết 5 cây, leo xuống thở hổn hển thì bố cười bảo: “Mày còn làm được như thế thì đúng là chưa nghiện hút thật”. Đấy, bố luôn có cách tinh tế, lo toan và để ý con kiểu ấy” - ông Nguyễn Hữu Đán cho biết.

Vào miền Nam sau gần 30 năm "ẩn cư" dưới chân núi Vân Hoàn, Hữu Loan đã viết những câu thơ tự sự: 

"Tôi là cây gỗ vuông chành chạnh
Suốt đời đã làm thất bại mọi âm mưu đẽo tròn".

Kỳ tới: Tôi là cây gỗ vuông chành chạnh

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 1: Đứa bé đẻ rơi và bài thơ tình thế kỷ Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 1: Đứa bé đẻ rơi và bài thơ tình thế kỷ

TTO - 18-3 là ngày giỗ 10 năm thi sĩ Hữu Loan (1916-2010) giã từ cuộc thế. Phóng viên Tuổi Trẻ trở lại những đồi sim ấy để tìm hồn thơ của ông và tình yêu bất tử với "nàng vá tấm áo cho chồng ngày xưa"...

SƠN LÂM - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên