20/03/2020 09:37 GMT+7

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 3: Khí phách sau những vần thơ tình thổn thức

THÁI LỘC - SƠN LÂM
THÁI LỘC - SƠN LÂM

TTO - Những người bạn văn của Hữu Loan kể rằng ông từng làm 'quan to' ở Thanh Hóa và có 'công việc sang trọng' ở báo Văn Nghệ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng cả hai lần ông bỏ ngang về quê bởi cá tính bộc trực, quyết liệt của mình.

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 3: Khí phách sau những vần thơ tình thổn thức - Ảnh 1.

Hữu Loan cùng các bạn văn nghệ sĩ Thanh Hóa (chụp thập niên 2000) - Ảnh: THÁI LỘC chụp lại

Tham gia thành lập chính quyền

Trước Cách mạng Tháng 8, năm 1936, Hữu Loan tham gia nhiều phong trào chống Pháp tại quê nhà cho đến năm 1943 thì làm phó chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nga Sơn.

Lịch sử Đảng bộ xã Nga Lĩnh ghi giai đoạn cuối năm 1942 - đầu năm 1943: "Các đồng chí Nguyễn Hữu Loan (làng Vân Hoàn) và Phạm Minh Thanh (xã Nga Thanh ngày nay) là cán bộ Việt Minh đang hoạt động tại thị xã Thanh Hóa đã trở về địa phương xây dựng tổ chức Việt Minh. Hai đồng chí đã tích cực vận động giác ngộ, kết nạp được một số hội viên cứu quốc như các đồng chí... Đầu năm 1943, tại làng Vân Hoàn thành lập được tổ chức Việt Minh do đồng chí Nguyễn Hữu Loan phụ trách".

Tài liệu này cũng chú thích rất cụ thể: "Đồng chí Nguyễn Hữu Loan là người làng Vân Hoàn (Nga Lĩnh) lúc này là giáo viên và là cán bộ Việt Minh dạy học tại thị xã Thanh Hóa. Do cơ sở Việt Minh bị lộ, đồng chí đã trốn khỏi sự vây ráp của kẻ thù về địa phương tiếp tục hoạt động".

Trong nạn đói khủng khiếp gây chết hàng loạt tại Thanh Hóa, tổ chức Việt Minh tại Vân Hoàn do Hữu Loan đứng đầu đã vận động lý trưởng không thu thuế nhà nghèo, chỉ thu thuế những nhà giàu nhưng không nộp lên trên.

Tài liệu Đảng bộ xã ghi: "Đồng chí Nguyễn Hữu Loan đã dẫn đầu đoàn đại biểu của làng Vân Hoàn lên huyện đấu tranh đòi khất thuế... Tổ chức Việt Minh tại các làng phát động phong trào kiên quyết cứu đói cho dân bằng mọi hình thức như vận động nhà giàu cho dân vay thóc, kêu gọi mọi người đồng tâm bớt sữa, góp gạo nấu cháo cứu đói... do đó đã kịp thời giúp nhân dân thoát khỏi nạn đói".

Hữu Loan cũng tích cực tham gia lãnh đạo các hoạt động tại địa phương chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Một đội tự vệ cứu quốc cấp xã ở Nga Lĩnh lúc đó được thành lập gồm 71 đội viên, riêng làng Vân Hoàn của Hữu Loan tham gia đến 30 người.

Cách mạng Tháng 8 thành công, Hữu Loan tham gia thành lập chính quyền, làm ủy viên văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa, được xem tương đương chức phó chủ tịch tỉnh phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và công chính. Nhưng rồi ông "bỏ ngang" về quê Vân Hoàn, Nga Sơn trong sự bất ngờ của nhiều người.

Nhà thơ Nguyễn Văn Túy - phó chủ tịch thường trực Hội VHNT Thanh Hóa - nói: "Hồi đó do bất đồng quan điểm nên ông bỏ ngang về quê chứ chẳng hề bị kỷ luật gì".

Ông Túy biết chuyện, bởi khi làm chánh văn phòng hội, ông nhận nhiệm vụ đi "xác minh lý lịch" để khôi phục lương hưu cho Hữu Loan giai đoạn từng làm việc ở báo Văn Nghệ.

Gặp gỡ nhân chứng và tâm sự với Hữu Loan, ông cho biết: Thời ấy, Hữu Loan nằm trong ban vận động quyên góp ủng hộ cách mạng Tuần lễ vàng. Người dân đóng góp vàng bạc rất nhiều nhưng có người trong bộ phận quản lý có dấu hiệu biển thủ, Hữu Loan đã thẳng thừng lên tiếng rồi chỉ mặt từng người dẫn đến bất đồng, sau đó ông bỏ về quê.

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 3: Khí phách sau những vần thơ tình thổn thức - Ảnh 2.

Con trai út và chân dung người cha Hữu Loan cùng bằng công nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật - Ảnh: THÁI LỘC

Rời báo Văn Nghệ

Sau khi tiếp quản thủ đô 1954, Hữu Loan ra Hà Nội làm biên tập cho báo Văn Nghệ, đến năm 1957 thì tham gia thành lập Hội Nhà văn VN.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải nêu thực tế thời Hữu Loan làm báo Văn Nghệ, vào Hội Nhà văn VN: "Hội nhà văn hồi ấy sang trọng lắm, ai mà hội viên Hội nhà văn được coi như "siêu nhân", thậm chí đi đâu cũng được bí thư tỉnh ủy tiếp".

Vậy mà Hữu Loan lại bỏ công việc nhiều người mơ ước ở Hà Nội về quê Nga Sơn lao động thồ đá. Nhiều người cho rằng ông bỏ về quê vì "liên quan đến vụ Nhân văn - Giai phẩm".

Ngay ở quê Vân Hoàn, theo lời người con Nguyễn Hữu Vũ, nhiều cán bộ chính quyền địa phương gọi thẳng họ là "con (của nhà văn) Nhân văn - Giai phẩm".

Trên thực tế, thi sĩ Mầu tím hoa sim liên quan thế nào với phong trào văn nghệ này và vì sao ông lại từ bỏ "công việc sang trọng" về quê?

Nhà văn Hoàng Quốc Hải - người khá nhiều lần gặp gỡ Hữu Loan - cho rằng: "Hữu Loan không bị án kỷ luật gì. Ông bỏ việc sang trọng về quê là do khí phách nhà thơ can đảm, dám chịu trách nhiệm việc mình làm, dám nói thẳng với cấp trên về vấn đề gay cấn của xã hội".

Tương tự, nhà thơ Nguyễn Văn Túy khẳng định: "Trong toàn bộ lý lịch của cụ Hữu Loan không hề bị một cái kỷ luật gì hết. Cụ không (tham gia) Nhân văn - Giai phẩm, mà do bất đồng quan điểm với một số cá nhân ở trong Hội nhà văn của ông, thì ông bỏ về".

Khôi phục lương hưu

Theo nhà thơ Nguyễn Văn Túy, chính nhờ không có kỷ luật gì trong lý lịch nên Hữu Loan được khôi phục lương mức chuyên viên 3 về hưu. Ông kể khi tiến hành làm hồ sơ, "cái tính gàn của cụ" làm ông bao phen khổ sở.

Hồi đó, vì giận một người con không nghe lời cụ mà "nghe theo cán bộ chính quyền", cụ nhất quyết không ký vào hồ sơ nếu có tên người con này: "Tôi viết tên con ông ấy, ông không ký. Cuối cùng, tôi gửi lại hồ sơ cho ông Kiều Vượng (lúc ấy là đại diện báo Văn Nghệ ở miền Trung - NV).

Ông Vượng lại phải ra Hà Nội nhờ ông Hữu Thỉnh. Ông Hữu Thỉnh lại phải vào thuyết phục ông ấy thì ông mới ký. Nó khó khăn đến mức độ như thế chứ không phải dễ".

Chưa hết, ông Túy kể tiếp nhà thơ Hữu Loan còn đòi được truy lĩnh lương cả giai đoạn bỏ việc về quê: "Tức là cụ bỏ cụ về nhưng cụ đòi truy lĩnh mấy chục năm trời. Tôi bảo không được đâu".

Ông Túy giải thích thêm với nhà thơ rằng chế độ lương hưu dựa trên tiền đóng góp bảo hiểm một phần của cá nhân và của cơ quan trong giai đoạn làm việc. Lúc đó ông cụ mới ký vào hồ sơ...

Thi sĩ lãng mạn mà khí phách

"Tôi thân với Hữu Loan ở Thanh Hóa trong thời gian Trường Bưởi (Chu Văn An) Hà Nội sơ tán về tỉnh này. Đến hồi giành chính quyền năm 1945, chúng tôi vẫn liên lạc với nhau dù tôi hoạt động ở Hà Nội, còn Hữu Loan tham gia ở quê nhà là chính.

Phải khẳng định anh thông minh, giỏi tiếng Pháp và đọc nhiều thơ tác giả Pháp, nên bài Mầu tím hoa sim của anh vừa diễm lệ ái tình vừa có phong cách hiện đại, bi tráng của thơ tình phương Tây" - ông Hoàng Giáp (tức Hoàng Tấn Anh, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 523, sư đoàn 304 tham chiến ở Điện Biên Phủ) kể lại.

Từng nhắc nhiều về các bạn Hữu Loan, Quang Dũng, Văn Cao, ông Hoàng Giáp đã tâm sự rằng những tên tuổi này đều có tác phẩm để đời và "lên bờ xuống ruộng" vì một thời bị quy kết "ủy mị tiểu tư sản". Trong đó, Hữu Loan là người "nóng tính" nhất mà có lẽ dùng đúng từ là "khí phách".

Tài hoa, trong sáng, nhưng cuộc đời Hữu Loan lại rất lận đận, khó khăn và bị hiểu nhầm.

Có lẽ, không ai tìm thấy một "cái tội" nào trong lý lịch Hữu Loan, nhưng ông vẫn "bị tội" trong suy nghĩ của một số người, dù rằng rất nhiều người mến mộ tài năng và tính cách ngay thẳng của ông.

Q.M.

________________________________

Sau cuộc hôn nhân thứ nhất với nỗi đau khôn nguôi để lại đời áng thơ Mầu tím hoa sim diễm lệ, duyên số lại đưa đẩy Hữu Loan đến với "em là con đồng xanh"...

Kỳ tới: Yêu nhau cởi áo cho nhau

Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 2: Chị xoáy theo dòng nước Đi tìm màu tím hoa sim - Kỳ 2: Chị xoáy theo dòng nước

TTO - Người em trai 'nàng thơ' bảo rằng, suốt mấy chục năm trời gia đình không ai dám đọc dám nghe bài thơ Mầu tím hoa sim vì nó quá thật, gợi sự 'rờn rợn', đau đớn, tiếc thương.



THÁI LỘC - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên