26/02/2012 04:11 GMT+7

Đi... "tàu bay chợ"

PHÚC NGUYÊN
PHÚC NGUYÊN

TT - Ai đã một lần đi “tàu chợ” của ngành đường sắt chắc sẽ nhớ đời loại tàu này. Ngày nay có nhiều hãng hàng không mới ra đời và số người chọn đi lại bằng đường hàng không cũng không ít.

Tuy nhiên, nhiều người đi máy bay vẫn không bỏ được những thói quen xấu khiến hành khách trên những chuyến bay này có cảm giác như mình đi... “tàu bay chợ”.

Nên in lời nhắc nhở hành khách ngay sau ghế ngồi

Theo tôi, ngoài nguyên nhân nhiều hành khách chưa kịp thay đổi thói quen để có “văn hóa giao thông” khi đi máy bay thì nhiều người hình như chưa hiểu rõ vì sao phải cài dây an toàn, phải tắt điện thoại, phải ngồi đúng số ghế quy định... Hãng hàng không có thể in các chỉ dẫn này ngay phía sau thẻ (vé) lên máy bay cho hành khách biết. Hơn nữa, hiện tại tất cả các thiết bị, hệ thống trên máy bay đều chú thích, chỉ dẫn bằng tiếng Anh và ký hiệu, trong khi không phải ai cũng có thể đọc được tiếng Anh hay hiểu được ký hiệu.

Tôi thường xuyên đi lại giữa TP.HCM - Buôn Ma Thuột (trung bình 3 tuần/lần) và thỉnh thoảng đi từ Buôn Ma Thuột ra Đà Nẵng hoặc từ TP.HCM ra Quy Nhơn, Đà Nẵng trên những chuyến “tàu bay chợ” như thế. Từ khâu lấy thẻ (vé) lên máy bay - qua cửa an ninh - qua cửa ra máy bay - lên xe buýt (với các loại máy bay nhỏ) - lên máy bay - rời khỏi máy bay - lên xe buýt trở ra ga đến... tất tần tật đều không thiếu những hình ảnh chưa đẹp vì chẳng ai nhường ai, cảnh chen lấn diễn ra thường xuyên.

Trong đó, đáng kể nhất là đoạn ra cửa máy bay, lên xe buýt và đoạn rời máy bay trở ra ga đến. Vừa có thông báo ra cửa máy bay, đã có hàng đoàn người chen chúc nhau cho nhân viên hàng không soát vé, lên xe buýt. Khi lên xe buýt, chuyện nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai hoặc đi với con nhỏ là chuyện khá hiếm hoi.

Nhiều người là những “nam thanh nữ tú” khỏe mạnh nhưng lên xe rồi cứ ngồi thu lu và “đánh cục lơ” trước những phụ nữ đi với con nhỏ tay xách nách mang mà phải đứng trên xe buýt. Thậm chí có người sau khi chiếm một chỗ ngồi trên xe buýt thì để luôn túi hàng lý xách tay của mình lên ghế bên cạnh. Khi đến chỗ đậu máy bay thì lại bu đen bu đỏ nơi cầu thang để mong lên máy bay cho sớm.

Nhưng cảnh chen lấn thường thấy và gây khó chịu nhất là khi rời máy bay. Thông thường với các máy bay loại nhỏ, hành khách chỉ xuống bằng một cửa. Thế là, đáng ra hành khách ngồi gần cửa nhất phải được xuống trước thì có khi phải xuống sau cùng vì những người phía sau đã ùn ùn đứng dậy, lấy hành lý, đứng hết lối đi và khi máy bay mở cửa thì tuôn xuống ào ào. Trong một chuyến bay từ Đà Nẵng về TP.HCM mà tôi từng đi, trên máy bay có một số hành khách người nước ngoài. Những hành khách này ngồi ngay ngắn cho đến khi đèn báo hiệu có thể tháo dây an toàn nhưng sau đó họ đã tròn xoe mắt và lắc đầu ngao ngán trước cảnh những người ngồi phía sau đã ào ào lấn tới để xuống máy bay.

Nhiều người đi máy bay mà tưởng như đang ở phòng khách nhà mình. Họ nói cười ồn ào với đủ thứ chuyện mà những người xung quanh chẳng muốn nghe, chẳng liên quan. Có không ít người tự ý chuyển chỗ ngồi khi thấy ghế trống khiến tiếp viên phải mời về chỗ cũ...

Và bực mình nhất là chuyện sử dụng điện thoại trên máy bay. Trong một chuyến bay từ Buôn Ma Thuột về TP.HCM mới đây, tôi chứng kiến một hành khách đã phải “nổi nóng” giùm tiếp viên khi tiếp viên này nhắc nhở một hành khách khác về việc không sử dụng điện thoại di động trong suốt hành trình bay nhưng vị khách này vẫn phớt lờ, vẫn mở điện thoại chơi game bình thường. Một lần khác từ Buôn Ma Thuột về TP.HCM, một hành khách xỉn quắc cần câu ngồi cạnh tôi đã khiến những người xung quanh phát hoảng vì khi đã nhìn thấy mặt đất gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, điện thoại của vị này đã hai lần báo có tin nhắn. Khi máy bay còn chạy ù ù trên đường băng thì có cuộc gọi, vị này mở điện thoại oang oang: “Tới rồi, tới rồi”.

Tóm lại, tôi thấy trên những chuyến bay nói trên mọi nhắc nhở của tiếp viên với hành khách rất ít được quan tâm. Chẳng hạn khi tiếp viên còn đang nhắc: “Quý khách vẫn ngồi tại chỗ, cài chặt dây an toàn cho đến khi đèn hiệu tắt, điện thoại di động chỉ mở khi vào đến nhà ga” thì trong máy bay đã loạn xạ tiếng “cạch cạch” mở khóa, tiếng điện thoại phát nhạc khởi động...

PHÚC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên