Thành phố Venice đang trải qua đợt ngập kỷ lục trong 50 năm gần đây - Ảnh: AFP
Chính quyền thành phố Venice đang phải đau đầu giải quyết trận ngập lụt nghiêm trọng nhất trong vòng 50 năm. Ông Venigi Luigi Brugnaro, thị trưởng Venice, đã đăng lên mạng xã hội Twitter thông báo trận lụt đang nhấn chìm phần lớn thành phố nổi tiếng này. Nước lũ tràn vào cả nhà thờ Thánh Marco, nơi có tuổi đời 1.000 năm và được xem là địa danh nổi tiếng nhất ở Venice.
Tùy theo các địa điểm mà thiên nhiên sẽ có tác động khác nhau. Một số nơi có thể bị ngập lụt như ở Venice hoặc đối mặt với mực nước biển dâng cao, đất xói mòn và hứng chịu nhiều cơn bão như khu phố cổ George Town ở bang Penang, Malaysia. Nghiêm trọng hơn là vườn quốc gia Yellowstone ở Mỹ đang chịu cảnh tuyết tan nhanh, cháy rừng thường xuyên và thay đổi hệ sinh thái.
Những thay đổi ở đại dương sẽ tác động mạnh đến những địa điểm này. Nhiệt độ nước biển tăng có thể giết chết phần lớn san hô ở rạn san hô Great Barrier tại Úc. Mực nước dâng cao lại đe dọa cuốn trôi nhiều địa điểm khảo cổ vĩ đại trên thế giới như làng đồ đá Skara Brae ở Scotland.
Theo Time, các chuyên gia cho rằng không thiếu giải pháp để cứu lấy những địa điểm này. Tuy nhiên, đa số biện pháp đều rất tốn kém. Mechtild Rossler, giám đốc Trung tâm Di sản thế giới, cho rằng các quốc gia cần phải liên kết với nhau để đưa ra chiến lược bảo vệ các di sản văn hóa. UNESCO đã cho các quốc gia trao đổi kinh nghiệm về "những biện pháp đã có hiệu quả và những biện pháp không hữu dụng".
Sau đây là một số di sản văn hóa thế giới đang có nguy cơ bị thiệt hại và biện pháp để bảo tồn các di sản này, do tạp chí Time phối hợp cùng các nhà khoa học thực hiện.
Venice
Rất hiếm nơi trên thế giới bị đe dọa bởi khí hậu biến đổi như ở Venice, bởi thành phố được xây dựng trên đầm lầy. Sự tồn tại của thành phố đòi hỏi việc duy trì cân bằng tuyệt đối giữa thành phố và thiên nhiên. Nhưng trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã khiến sự cân bằng đó bấp bênh như "ngàn cân treo sợi tóc".
Mực nước biển dâng cao khiến triều cường và lũ lụt ngày càng phổ biến hơn ở Venice. Theo AP, tháng 11 năm nay, Venice đã trải qua ba trận ngập lụt kỷ lục chỉ trong vòng một tuần.
Chiara Bertolin, phó giáo sư Đại học Khoa học và công nghệ Na Uy, cho rằng nước biển bẩn và mặn có thể xâm nhập vào các tòa nhà và tượng đài ở Venice, khiến chúng nở ra, nứt vỡ hoặc thậm chí là nổ tung như bong bóng.
Một căn phòng ở Cung điện Gritti bị ngập nước trong đợt triều cường dâng cao ngày 12-11-2019 - Ảnh: AFP
Ông Bertolin còn cho biết không thể dễ dàng thay thế các vật liệu xây dựng các công trình bằng vật liệu có khả năng đàn hồi. "Cần dọn dẹp, tẩy rửa thật chậm và không dùng các biện pháp sấy khô", ông Bertolin nói.
Theo Reuters, chính quyền thành phố Venice đã thành lập dự án xây dựng hệ thống cửa chắn lũ gọi là MOSE. Dự án này tiêu tốn của thành phố hàng tỉ đô. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, dự án vẫn chưa hoàn thành dù đã được bắt đầu từ năm 2012, bởi các vấn đề kỹ thuật, quan liêu và cáo buộc tham nhũng.
Adam Markham, phó giám đốc Chương trình khí hậu và năng lượng của Liên minh Các nhà khoa học, cho biết: "Họ cần phải nhanh chóng hành động". Ông cảnh báo Venice có thể mất vài công trình kiến trúc lịch sử khi mực nước đang ngày càng dâng cao. Chúng có thể làm suy yếu cấu trúc và nền móng của các tòa nhà khiến chúng dễ dàng sụp đổ.
Làng đồ đá Skara Brae ở quần đảo Orkney, Scotland
Địa điểm tiếp theo nằm trong danh sách là ngôi làng thời kỳ đồ đá Skara Brae ở Scotland. Ngôi làng này là một trong những di tích lịch sử đáng chú ý nhất châu Âu. Không chỉ có kiến trúc vững chãi nhờ các khối đá mà Skara Brae còn được biết đến bởi sự kỳ lạ của những đồ nội thất trong các ngôi nhà mà người ta đã từng sinh sống cách đây hơn 5.000 năm.
Các nhà khoa học cảnh báo Skara Brae có thể bị cuốn trôi theo nghĩa đen, khi tần suất các cơn bão ở quần đảo Orkney ngày càng tăng cao. Dù đập ngăn nước biển bảo vệ khu vực này, nơi đây vẫn không ổn định và thậm chí có thể sụp đổ khi các bức tường đang bị xói mòn dần sau các cơn bão.
Ngôi nhà bằng đá tại làng đồ đá Skara Brae thuộc quần đảo Orkney, Scotland - Ảnh: Reuters
"Một ngày nào đó bạn có thể thức dậy và thấy ngôi làng biến mất như chưa từng tồn tại", ông Markham chia sẻ với Time.
Vườn quốc gia Yellowstone ở Mỹ
Vườn quốc gia Yellowstone nằm ở miền tây Wyoming, Montana và Idaho ở Mỹ, được thành lập vào năm 1872. Yellowstone là vườn quốc gia đầu tiên và xưa nhất thế giới, chuyên bảo vệ các loài động vật hoang dã và các điểm địa nhiệt.
Yellowstone không bị cuốn trôi hoặc biến mất bởi nước biển nhưng Markham cảnh báo rằng hệ sinh thái nơi đây có thể bị biến đổi theo khí hậu. Theo thời gian, thành phần thực vật và động vật sống ở vườn quốc gia sẽ ít dần đi.
Vườn quốc gia Yellowstone chuyên bảo vệ các động vật hoang dã và địa điểm địa nhiệt - Ảnh: AP
Biến đổi khí hậu có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong công viên và khu vực xung quanh. Ví dụ, sự thay đổi về mật độ tuyết rơi và tốc độ tan chảy của tuyết có thể khiến nước sông giảm đi. Cộng đồng sinh sống xung quanh khu vực lại phụ thuộc vào nguồn nước sông này để trồng trọt, sinh hoạt. Sự thay đổi lượng nước còn gây ảnh hưởng đến sự sinh sản của loài cá và khuyến khích các loài xâm lấn phát triển.
Khu phố cổ Georgetown ở Penang, Malaysia
Các nhà khoa học cho rằng khi Trái đất nóng lên, những cơn bão mạnh bất thường có thể trở nên "bình thường hơn". Cùng với mực nước biển dâng cao, điều này có thể đe dọa nhiều di tích lịch sử, nơi thường được xây dựng thấp và sát biển.
Du khách tận hưởng khoảnh khắc hoàng hôn buông xuống tại Penang - Ảnh: AP
George Town, là thủ phủ của Penang, Malaysia, vốn là pháo đài lập năm 1786 rồi trở thành cảng lớn. Penang thu hút người châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Bugis, Ả Rập, Armenia, Ba Tư, Thái Lan, Miến Điện và Sumatra…
Nơi đây đang gặp nguy hiểm vì được xây dựng thấp và gần biển. Các tòa nhà còn được làm bằng gỗ, vật liệu dễ bị mục và mốc nếu bị ướt. Lượng mưa lớn do bão cũng có thể gây lở đất, gây thiệt hại các khu vực lịch sử và ảnh hưởng cuộc sống của người dân trong khu vực.
Rạn san hô Great Barrier ở Úc
San hô trên thế giới đang bị trải qua đợt tẩy trắng hàng loạt. Hiện tượng này xảy ra khi san hô bị căng thẳng do nhiệt độ nước biển tăng. Các nhà nghiên cứu phát hiện sự sinh sản của san hô đã giảm 89% ở vùng rạn san hô Great Barrier và tình trạng đang ngày càng nghiêm trọng hơn.
Một phần san hô tại rạn san hô Great Barrier ở Úc - Ảnh: Greenpeace
Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu cảnh báo rằng nếu nhiệt độ Trái đất tăng lên 1,5 độ C, 70 đến 90% san hô trên thế giới sẽ suy giảm. Nhưng nếu nhiệt độ tăng lên 2 độ C, hơn 99% san hô sẽ biến mất.
"Dù sao đi nữa, chúng ta sẽ mất đi rất nhiều rạn san hô và nhiều nhất là san hô ở vùng Great Barrier", Markham chia sẻ.
Úc đã đưa ra nhiều biện pháp để bảo vệ rạn san hô, trong đó bao gồm kế hoạch ngăn chặn loài sao biển ăn san hô và kiểm soát dòng chảy nước biển. Nhưng Markham nhận định chỉ có một cách duy nhất để cứu lấy loài san hô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận