30/12/2024 16:25 GMT+7

Di sản đối ngoại của cựu tổng thống Jimmy Carter

Khi các quốc gia đồng loạt hướng về Mỹ để bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của cựu tổng thống Jimmy Carter, thế giới có cơ hội nhìn lại những dấu ấn sâu sắc mà ông đã để lại.

Di sản đối ngoại của cựu tổng thống Jimmy Carter - Ảnh 1.

Ông Jimmy Carter phát biểu tại Jerusalem tháng 4-2008 - Ảnh: REUTERS

Ngày 29-12 (giờ địa phương), cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter qua đời tại nhà riêng ở bang Georgia, hưởng thọ 100 tuổi.

Một số người có thể gọi nhiệm kỳ của ông Carter là bốn năm đầy tranh cãi, tuy nhiên không thể phủ nhận vị tổng thống này đã góp phần thúc đẩy nền hòa bình và hữu nghị quốc tế, thông qua hàng loạt thành tựu mang tính bước ngoặt.

Hiệp ước Kênh đào Panama 1977

Di sản đối ngoại của cựu tổng thống Jimmy Carter - Ảnh 2.

Tổng thống Jimmy Carter và lãnh đạo Panama Omar Torrijos ký Hiệp ước kênh đào Panama - Ảnh: CƠ QUAN LƯU TRỮ VÀ QUẢN LÝ HỒ SƠ QUỐC GIA MỸ

Chính quyền Carter bắt đầu nhiệm kỳ mới với mục tiêu thiết lập và cải thiện quan hệ với các quốc gia ở Trung và Nam Mỹ. Mục đích của ông Carter lúc đó là xóa bỏ định kiến rằng Washington can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này vì lợi ích riêng.

Một trong những dấu ấn quan trọng trong chính sách đối ngoại của ông Carter là Hiệp ước Kênh đào Panama 1977. Trong lịch sử, Mỹ nắm quyền kiểm soát kênh đào Panama từ năm 1903.

Tuy nhiên đến năm 1977, ông Carter và lãnh đạo Panama Omar Torrijos đã ký kết một hiệp ước chuyển giao quyền kiểm soát kênh đào Panama từ Mỹ sang Panama. Hiệp ước có hiệu lực từ năm 1999, chấm dứt gần một thập kỷ Washington kiểm soát kênh đào này.

Tại thời điểm đó, ông Carter đã thể hiện sự khéo léo hiếm có trong việc thuyết phục Thượng viện Mỹ phê chuẩn cả hai hiệp ước liên quan đến kênh đào Panama, bao gồm Hiệp ước chuyển giao quyền kiểm soát và Hiệp ước trung lập, quy định kênh đào Panama phải duy trì sự trung lập và bình đẳng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Hiệp định Trại David 1978

Di sản đối ngoại của cựu tổng thống Jimmy Carter - Ảnh 3.

Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat (trái) trò chuyện cùng Tổng thống Jimmy Carter (giữa) và Thủ tướng Israel Menachem Begin tại Trại David năm 1978 - Ảnh: AFP

Tương tự như chính sách với Trung và Nam Mỹ, chính sách Trung Đông dưới thời Tổng thống Carter có mục tiêu đạt được một giải pháp khu vực toàn diện, trong đó hòa giải xung đột Ai Cập - Israel là ưu tiên hàng đầu.

Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất của ông Carter tại khu vực này là Hiệp ước Trại David 1978 - hiệp ước hòa bình đầu tiên giữa Ai Cập và Israel sau nhiều năm xung đột kể từ 1948.

Có thể nói đây là dấu ấn mang tính lịch sử góp phần thay đổi cục diện Trung Đông, với vai trò trung gian hòa giải thuộc về ông Carter. Ngay sau khi nhậm chức vào năm 1977, ông Carter đã nhiều lần gặp riêng Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin, theo New York Times.

Trong suốt khoảng thời gian đàm phán, hai nhà lãnh đạo Ai Cập và Israel từng rơi vào bế tắc, nhưng chính sự kiên trì của ông Carter đến giây phút cuối cùng đã giúp cuộc đàm phán được cứu vãn và đi đến một hiệp ước thống nhất.

Sự kiện này đã giúp ông Carter được nhìn nhận như một nhà giữ gìn hòa bình, đưa ông từng bước tiến vào con đường trở thành nhà ngoại giao quốc tế mà ông đã theo đuổi sau khi rời nhiệm sở năm 1981.

Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc

Di sản đối ngoại của cựu tổng thống Jimmy Carter - Ảnh 4.

Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình vỗ tay trước bài phát biểu của ông Carter tại Nhà Trắng tháng 1-1979 - Ảnh: THƯ VIỆN QUỐC HỘI MỸ

Theo tạp chí Foreign Affairs, ông Jimmy Carter từng cho biết quyết định quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông là bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Đây cũng là thành tựu mang tính bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á.

Trước thập niên 1970, Washington và Bắc Kinh hầu như không có mối liên hệ nào cho đến sự kiện tổng thống Mỹ khi đó là ông Richard Nixon có chuyến thăm Trung Quốc vào năm 1972 và sự ra đời của Thông cáo Thượng Hải 1972 - những sự kiện mở ra các cuộc đàm phán nhằm thiết lập quan hệ song phương Mỹ - Trung sau này.

Tuy nhiên quá trình đàm phán hướng tới bình thường hóa giữa hai quốc gia vẫn còn trì trệ. Cho đến khi ông Carter nhậm chức vào năm 1977 với quyết tâm hoàn thành nốt những mục tiêu và ông Nixon đã vạch ra.

Ngày 15-12-1978, Washington công bố thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, có hiệu lực từ 1-1-1979, với đích thân ông Carter theo dõi tiến trình đàm phán.

'Chính trị gia tử tế'

Di sản đối ngoại của cựu tổng thống Jimmy Carter - Ảnh 5.

Ông Jimmy Carter và vợ tham dự buổi lễ bế mạc dự án Habitat for Humanity tại Canada tháng 7-2017 - Ảnh: REUTERS

Không chỉ vậy, ông Carter và Lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev ngày 18-6-1979 đã ký kết Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược (SALT-II) tại thủ đô Vienna, Áo.

Thỏa thuận này được xem là một bước đột phá quan trọng trong việc xoa dịu căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Liên Xô vào thời kỳ chiến tranh lạnh.

Trong bốn năm tại nhiệm, ông Carter đã góp phần định hình chính sách đối ngoại Mỹ trong nhiều thập kỷ sau.

Giới phân tích quốc tế đánh giá di sản của ông hiện diện trong cách những người kế nhiệm đưa ra hướng tiếp cận đối với Trung Đông, Trung Quốc hay nhiều khu vực khác.

“Cha tôi là một anh hùng, không chỉ đối với tôi mà còn đối với tất cả những ai tin vào hòa bình, nhân quyền và tình yêu thương con người”, con trai ông Carter, ông Chip Carter, cho biết.

Ông Carter qua đời ở tuổi 100, lâu hơn bất kỳ vị tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ. Trong suốt những năm tháng sau khi rời Nhà Trắng, ông đã liên tục đấu tranh thúc đẩy nhân quyền, sự công bằng và cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người.

Vì lẽ đó, nhiều người Mỹ sẽ nhớ về các đóng góp tốt đẹp sau cùng của ông, thay vì những lời chỉ trích về chính sách của vị tổng thống này nhiều thập kỷ trước.

Tác giả Alvin S. Felzenberg của loạt sách về các đời tổng thống Mỹ, cùng nhiều nhà phân tích khác nhất trí rằng chính phẩm chất cá nhân của ông Carter đã giúp vị tổng thống này để lại dấu ấn trong lòng người dân, dù cho những chính sách của ông đến nay vẫn gây tranh cãi.

“Các nhà sử học đánh giá ông Carter là chính trị gia tử tế nhất từng làm chủ Nhà Trắng trong nhiều thập kỷ, và chắc chắn là vị tổng thống thông minh và chăm chỉ nhất thế kỷ 20”, nhà phân tích về chính trị gia Mỹ Kai Bird nhận định.

Di sản đối ngoại của cựu tổng thống Jimmy Carter - Ảnh 6.Mỹ tổ chức quốc tang cựu tổng thống Jimmy Carter ngày 9-1

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ngày 9-1 sẽ là ngày quốc tang dành cho cựu tổng thống Jimmy Carter vừa qua đời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên