Ngày 29-12 (giờ địa phương), cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter qua đời tại nhà riêng ở bang Georgia, hưởng thọ 100 tuổi.
Nước Mỹ nợ ông Carter
"Hôm nay, nước Mỹ và thế giới đã mất đi một nhà lãnh đạo, chính khách và nhà nhân đạo phi thường", Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden chia sẻ. Trong khi đó, Phó tổng thống Kamala Harris ca ngợi: "Cuộc đời của Jimmy Carter là minh chứng cho sức mạnh của sự phục vụ... Ông đã nhắc nhở đất nước chúng ta và thế giới rằng có sức mạnh trong sự đàng hoàng và lòng trắc ẩn".
"Trong vai trò tổng thống, Jimmy đối mặt với những thử thách vào thời điểm quan trọng đối với đất nước chúng ta và ông đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để cải thiện cuộc sống của tất cả người Mỹ. Vì điều đó, tất cả chúng ta đều nợ ông một món nợ biết ơn", Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói.
Cựu tổng thống George W. Bush gửi lời chia buồn, nhấn mạnh rằng ông Carter đã để lại một di sản về việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người Mỹ.
Cựu tổng thống Bill Clinton cũng ca ngợi những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Carter trong các lĩnh vực như bảo tồn động vật hoang dã, phát triển năng lượng, và thúc đẩy dân chủ cũng như hòa bình. "Ông đã làm việc không mệt mỏi vì một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn" - ông Clinton bày tỏ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng ông Carter đã truyền tải sự chính trực, lòng trắc ẩn và cam kết thúc đẩy tự do, an ninh và phúc lợi của người khác vào chính sách đối ngoại của mình. "Tổng thống Carter cũng cho chúng ta thấy những gì có thể đạt được thông qua ngoại giao không mệt mỏi và có nguyên tắc", ông Blinken chia sẻ.
Người hòa giải
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đánh giá sự lãnh đạo của ông Carter "đã đóng góp đáng kể vào hòa bình và an ninh quốc tế", bao gồm Hiệp định Trại David mang tính bước ngoặt, Hiệp ước SALT II và Hiệp ước Kênh đào Panama.
"Ông đóng vai trò quan trọng trong việc hòa giải xung đột, giám sát bầu cử, thúc đẩy dân chủ, phòng ngừa và xóa bỏ bệnh tật. Những nỗ lực này cùng nhiều nỗ lực khác đã giúp ông giành được Giải Nobel Hòa bình năm 2002 và góp phần thúc đẩy công việc của Liên hợp quốc", ông Guterres nhận định.
Sau khi hay tin, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi gửi lời chia buồn tới gia đình ông Carter và người dân Mỹ.
"Vai trò quan trọng của ông trong việc đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Ai Cập và Israel sẽ mãi được ghi vào biên niên sử, và công tác nhân đạo của ông là minh chứng cho tiêu chuẩn cao cả về tình yêu, hòa bình và tình anh em. Di sản trường tồn của ông đảm bảo rằng ông sẽ được ghi nhớ như một trong những nhà lãnh đạo phục vụ nhân loại lỗi lạc nhất thế giới", nhà lãnh đạo Ai Cập nhìn nhận.
Tại châu Mỹ, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino nhớ lại vai trò của ông Carter đối với nước này.
"Nhiệm kỳ của ông tại Nhà Trắng được đánh dấu bằng những thời điểm khó khăn và đóng vai trò quan trọng đối với Panama trong việc đàm phán và ký kết Hiệp ước Torrijos-Carter năm 1977, chuyển giao kênh đào (Panama) vào tay người Panama và biến đất nước chúng tôi thực sự có chủ quyền. Cầu mong linh hồn ông được yên nghỉ", ông chia sẻ.
Còn Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez bày tỏ lòng biết ơn những nỗ lực của ông Carter trong việc cải thiện quan hệ, những chuyến thăm của ông đến Cuba.
Ở phương Tây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh giá: "Trong suốt cuộc đời mình, ông Jimmy Carter luôn là người ủng hộ kiên định cho quyền của những người dễ bị tổn thương nhất và đã đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình".
Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng bày tỏ lòng kính trọng, ca ngợi "nhiều thập kỷ cống hiến quên mình phục vụ người dân" của ông Carter.
"Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình ông Carter, những người thân yêu của ông và người dân Mỹ đang thương tiếc một cựu tổng thống và một nhà nhân đạo trọn đời. Mong rằng sự phục vụ quên mình của ông sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta trong nhiều năm tới", Thủ tướng Canada Justin Trudeau chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận