PGS.TS Đỗ Văn Đại - Ảnh: Phan Duyên |
Ông từng là một trong số thủ khoa của các trường ĐH tại VN được chọn đi du học ở Pháp. Ông cũng từng phải nếm trải những “cay đắng” trong việc trở về dù quay về với mong muốn tham gia xây dựng một nền pháp luật tốt hơn. Ông cho biết:
- Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ ở lại định cư tại Pháp hay một nước nào khác để làm việc. Tôi luôn tâm niệm rằng phải cố gắng học ở Pháp được nhiều thứ nhất để về phục vụ cho đất nước, vì hệ thống pháp luật của Pháp rất tốt trong khi đó hệ thống pháp luật của nước nhà đang trong quá trình hoàn thiện nên rất có nhu cầu về nhân lực. Hơn nữa gia đình gốc ở VN thì được làm việc gần gia đình vẫn là ưu tiên đối với tôi.
* Cái khó khi trở về là gì, thưa ông?
- Khó khăn xuất phát từ hai phía. Về phía mình, đôi khi chưa thể hiện một cách tốt nhất để người ta hiểu mình. Do đó phải thường xuyên nhìn lại mình, đánh giá lại những gì mình làm để biết những nhược điểm, từ đó có hướng khắc phục.
Về phía cơ chế, môi trường làm việc trong nước cũng có nhiều cái để nói. Tuy nhiên, cơ chế và môi trường làm việc không thật sự là điều tôi hướng tới; điều cá nhân tôi hướng tới là tập trung vào giáo dục và hoàn thiện hệ thống pháp luật khi trở về.
Hai mục tiêu này vẫn có thể đạt được dù có những rào cản nêu trên bằng cách mình làm tốt công việc với sinh viên, viết sách, viết tạp chí, tham gia xây dựng pháp luật do cơ quan nhà nước tổ chức. Thực chất những rào cản mà tôi gặp phải chủ yếu tập trung vào lá phiếu đánh giá cá nhân hay đánh giá công trình mình triển khai.
Vì thế tôi chọn cách né va chạm vào những vấn đề đó, sẵn sàng hi sinh những thứ đó (vì đó không thật sự là mục đích mình hướng tới) và tập trung vào những việc khác có ích cho giáo dục, cho hệ thống pháp luật nước nhà.
* Có bao giờ ông cảm thấy “cay đắng” khi đã lựa chọn trở về không?
- Có chứ, sau khi trở về tôi quyết định làm việc tại một cơ quan liên chính phủ giữa Pháp và VN tại Hà Nội mặc dù một trường ĐH của Paris đã chấp nhận tôi làm việc. Tuy nhiên, sau khi kết thúc hợp đồng có thời hạn 10 tháng, phó giám đốc người Pháp muốn tôi tiếp tục làm việc, còn giám đốc người Việt không ký tiếp hợp đồng nữa nên tôi bị “thất nghiệp”.
Sau đó tôi có nộp đơn đến Bộ Tư pháp nhưng đợi một thời gian không có thông tin trả lời nên đã quyết định quay lại Pháp giảng dạy (theo kiểu “lánh nạn”). Cảnh tượng tôi lủi thủi một mình ra sân bay sang Pháp để làm việc đã diễn ra cách đây khoảng 10 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in trong đầu.
Du học sinh VN tham gia sự kiện Vòng tay nước Mỹ 3 (hoạt động thường niên do Hội Thanh niên sinh viên VN tại Hoa Kỳ tổ chức) diễn ra vào tháng 8-2015 ở thành phố Austin (tiểu bang Texas) - Ảnh: T.Anh |
* Theo ông, có giải pháp nào để giảm bớt cách mà mọi người hay gọi là “chảy máu chất xám”?
- Rất khó để nghĩ rằng đã ra đi là trở về vì nhu cầu của mỗi người là khác nhau. Ngay cả như Mỹ với nhiều ưu đãi cho người có ý tưởng thì không phải ai cũng muốn làm việc ở đó.
Kinh nghiệm cá nhân tôi cho rằng người đứng đầu cơ quan nhà nước có vai trò quan trọng trong việc trọng dụng nhân lực vì nếu họ biết đặt lợi ích chung lên trước, biết chấp nhận sự khác biệt để phát triển thì người có năng lực sẽ trở về. Đồng thời nếu có một cơ chế lương tốt sẽ thu hút được nhân lực chất lượng cao về làm việc.
Tôi vẫn thường nói với sinh viên VN đang học tại Pháp trong những lần có cơ hội gặp nhau là về VN vẫn có thể phát triển được. Ở nước ngoài cũng có thể đóng góp được cho đất nước nhưng việc đóng góp từ xa không hiệu quả bằng những đóng góp trực tiếp. Tôi vẫn thường nói có khó khăn khi về làm việc tại VN, nhưng nhìn một cách tổng thể thì niềm vui mang lại từ những gì mình làm được cho đất nước vẫn nhiều hơn những thứ làm ta buồn phiền.
Xây dựng một ngôi nhà an toàn, ấm cúng Là một du học sinh đã trở về và làm việc tại quê nhà, tôi nghĩ ngoài những lý do khách quan, có lý do trở về, đó là niềm tin: niềm tin vào chính mình có thể thay đổi vận mệnh, tạo ra sự thay đổi lớn ở một đất nước đang phát triển như VN và niềm tin vào đất nước sẽ thay đổi, môi trường làm việc sẽ tốt hơn, con người sẽ văn minh hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được hai loại niềm tin này. Niềm tin thứ nhất chỉ dành cho người thật sự có tầm vóc, có tầm nhìn, đòi hỏi bản lĩnh và cả sự dũng cảm, quyết tâm. Niềm tin thứ hai thuộc về môi trường, khó dự đoán trước được, đặc biệt đối với những người học chuyên ngành. Nhìn sang nước láng giềng, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng từng từng đau đớn vì những năm tháng “chảy máu chất xám” hàng loạt. Nhưng sau đó những đứa con đi xa làm việc, tích lũy kinh nghiệm, tiền của để khi trở thành người thành đạt, họ lại đem tiền của, kinh nghiệm, kiến thức tích lũy của mình về đầu tư tại quê nhà. Điều đó giống như ba mẹ đầu tư cho con cái đi học, khi tốt nghiệp hãy để con vẫy vùng, lăn xả, tích lũy kinh nghiệm năm châu, hơn là về quanh góc nhà lấy công làm lời. Để khi họ đủ lớn, đủ cả niềm tin vào chính mình, niềm tin yêu vào quê hương nguồn cội, họ sẽ trở về, mạnh mẽ và giỏi giang gắp trăm lần trước kia. Điều quan trọng nhất chúng ta cần truyền lại cho thế hệ sau chính là cho họ cảm giác được về nhà. Hãy xây dựng một ngôi nhà an toàn, ấm cúng; cũng chính là xây dựng một xã hội giảm tệ nạn, biết quan tâm chăm lo cho dân, và mỗi một người luôn làm tốt công việc và vai trò của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận