23/08/2016 12:05 GMT+7

Đi làm và học những điều tử tế

ĐẶNG QUỲNH GIANG (TP.HCM)
ĐẶNG QUỲNH GIANG (TP.HCM)

TTO - Tôi làm việc trong một doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Nhật Bản, hoạt động lĩnh vực công nghệ cao ở khu chế xuất của TP.HCM.

Công ty được thành lập cách đây 20 năm và hiện có bốn nhà máy đang hoạt động. Ông chủ tịch người Nhật đến công ty tôi quản lý sau khi đã điều hành rất nhiều nhà máy của tập đoàn mẹ trên toàn thế giới. Công ty bắt đầu làm việc từ 8g, nhưng ngày nào cũng vậy, đúng 7g ông và những chuyên gia Nhật khác đã có mặt ở bàn làm việc và luôn là những người rời công ty sau cùng.

Ông chủ tịch không sử dụng phòng làm việc riêng. Khối văn phòng chúng tôi ngồi chung trong một phòng rộng lớn, san sát nhau với gần 200 người. Dấu hiệu để nhận biết chức vụ, cấp bậc trong công ty là vị trí các dãy bàn trong phòng làm việc và màu của những chiếc mũ bảo hộ mà họ đội. Còn điều kiện, tiện nghi làm việc thì gần như giống nhau giữa các cấp bậc.

Các chuyên gia Nhật đi làm chung trên một chiếc xe 16 chỗ hiệu Mercedes khá cũ, được thuê của một đơn vị dịch vụ. Nhiều lần các cấp quản lý Việt Nam đề nghị đổi xe mới hơn nhưng họ từ chối vì lý do xe vẫn còn chạy tốt và đặc biệt, anh tài xế rất cẩn thận, từ tốn và đúng giờ.

Những nơi đặc biệt được quan tâm, để ý trong công ty là nhà vệ sinh, nhà ăn và nơi để rác. Ban đầu tôi cứ ngỡ người Nhật kỹ tính nên nơi nào họ cũng chăm chút tỉ mỉ. Nhưng gần đây tôi mới hiểu được đằng sau đó là cả một quan niệm hết sức sâu sắc và nhân văn.

Lãnh đạo công ty tôi quan niệm những nơi sinh hoạt, sử dụng chung dễ mất vệ sinh, bừa bộn. Nếu những khu vực đó được sắp xếp tốt, chứng tỏ ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân đối với tập thể rất cao, mà xa hơn là với cộng đồng, xã hội. Đó sẽ là tập thể mạnh, đáng tin và văn minh.

Một điểm hay trong công ty tôi là liên quan đến quyền lợi, thụ hưởng của công nhân viên như lựa chọn thực đơn hằng ngày, loại quà do công ty tặng hay địa điểm du lịch, công nhân luôn là những người được quyết định. Khi công ty xây dựng, ban hành một chính sách, chế độ, đối tượng được nghĩ tới đầu tiên cũng sẽ là những người làm việc ở xưởng. “Đơn giản vì họ là số đông, trực tiếp làm ra sản phẩm, lao động vất vả hơn. Các cấp quản lý đã được nhận lương cao hơn và được hưởng một số chế độ tốt hơn họ rồi” - có lần tôi đã được nghe giải thích như vậy.

Chủ tịch công ty cũng luôn dành sự quan tâm nhiều đến tổ tạp vụ, các anh bảo vệ, tài xế và những người tổ chức khi công ty có hội hè, tiệc tùng. Câu đầu tiên ông sẽ nói là công ty biết các bạn đã rất vất vả, rồi gửi lời cảm ơn đến họ. Ông giải thích, họ là những người ít được quan tâm, chú ý nhất trong công ty, nhưng luôn góp phần quan trọng và thầm lặng cho tập thể.

Chúng tôi đi làm và để học những điều bình dị, tử tế như vậy.

ĐẶNG QUỲNH GIANG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên