28/02/2022 10:38 GMT+7

Đi giữa rừng khổ đau để tìm chiếc lá hạnh phúc

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Nếu cái sung sướng nằm ở đôi mắt được mân mê, trái tim được xoa dịu thì tranh của họa sĩ Nguyễn Công Hoài đã làm điều ngược lại với người xem.

Đi giữa rừng khổ đau để tìm chiếc lá hạnh phúc - Ảnh 1.

Tác phẩm Một mình - Ảnh: MAI THỤY

26 tác phẩm của anh đang được đặt trong không gian của May Artspace (quận Bình Thạnh, TP.HCM) từ nay đến ngày 10-3 là khoảng nghỉ để khán giả nhìn lại giá trị của ưu sầu.

Phải tốn nhiều thời gian để bóc tách được phần nào Nguyễn Công Hoài. Vẻ bề ngoài khinh bạc, giọng nói to và vồn vã của anh không chút gì liên quan đến những tác phẩm thâm u trải ra trên khắp bức tường gạch.

Anh trưng bày nỗi khổ đau của mình, những nỗi đau không thét thành tiếng. Nhân vật của Hoài cô độc và khổ ải đến mức cứ nhích dần vào tường, chìm vào bóng tối và nhòa đi trong chính cái bóng.

Đi giữa rừng khổ đau để tìm chiếc lá hạnh phúc - Ảnh 2.

Họa sĩ Nguyễn Công Hoài bên tác phẩm Phơi bày - Ảnh: MAI THỤY

Theo lời họa sĩ Hồ Hưng, nhiều năm trước Nguyễn Công Hoài đã đến với hội họa trong một hoàn cảnh bĩ cực, ai cho màu lấy màu, ai cho bố lấy bố. Bao nhiêu chất chứa của một cuộc sống nhọc nhằn, anh vắt cả lên tranh.

Họa sĩ đặt tên triển lãm là Nghe những tàn phai, anh gặm nhấm sự ưu sầu bằng mỗi nhát bay khi dày khi mỏng, đan xen mềm mại. Ba bức tranh đặt liền kề nhau Hình hài, Mục ruỗng và Lăn tăn rất đáng xem, tông màu rực chọi nhau chan chát. Những thân người trong tranh luôn mang trạng thái hoặc co rúm hoặc buông thả, tượng trưng cho hai trạng thái cựa quậy dữ dội và bất động.

Ở thái cực nào, Nguyễn Công Hoài cũng đẩy công chúng vào trạng thái cô lập hoàn toàn đến mức người xem phải cảm thấy hết sức mặc cảm khi đứng trước tranh vì mình có vẻ... quá hạnh phúc.

Sự cực đoan của họa sĩ làm chúng ta phải bước chậm hơn đến những khoái cảm sung sướng và khơi lại những mảng ký ức trầm uất. Đau khổ cũng là một mặt của cuộc sống, ngay cả khi là mặt bị chối từ.

"Ở một góc nhìn khác, cô đơn và đau khổ là một ân sủng quý giá. Nó thường sẽ được trao cho những kẻ đủ mạnh để chịu đựng, để trưởng thành hơn. Nó tạo ra một thái độ ứng xử và nhìn nhận đời sống trầm tĩnh và sâu sắc hơn. Cuối cùng nó mang lại sự yêu thương, cảm thông và cùng tồn tại hạnh phúc với tha nhân, với cuộc đời" - họa sĩ Lương Lưu Biên nói về những bức tranh trong triển lãm.

Họa sĩ sắp chạm đến rìa nỗi đau, liệu anh có tìm thấy cho mình chiếc lá hạnh phúc như hy vọng của họa sĩ Lương Lưu Biên? Tranh của Nguyễn Công Hoài vẫn đang để ngỏ câu hỏi.

Đi giữa rừng khổ đau để tìm chiếc lá hạnh phúc - Ảnh 3.

Ba tác phẩm Lăn tăn, Mục ruỗng, Hình hài (từ trái sang) - Ảnh: MAI THỤY

Đi giữa rừng khổ đau để tìm chiếc lá hạnh phúc - Ảnh 4.

Tác phẩm Một mình - Ảnh: MAI THỤY

Đi giữa rừng khổ đau để tìm chiếc lá hạnh phúc - Ảnh 5.

Các tác phẩm được treo trong không gian triển lãm với những bức tường thô ráp gạch vữa - Ảnh: MAI THỤY

Đi giữa rừng khổ đau để tìm chiếc lá hạnh phúc - Ảnh 6.

Các tác phẩm được treo trong không gian triển lãm với những bức tường thô ráp gạch vữa - Ảnh: MAI THỤY

Mỹ thuật đương đại Việt Nam có gì? Mỹ thuật đương đại Việt Nam có gì?

TTO - Những đại diện tiêu biểu của mỹ thuật đương đại từ Thành Chương, Lê Quảng Hà, Đặng Xuân Hòa… cho tới những người trẻ hơn như Khổng Đỗ Tuyền, Vũ Đình Tuấn, Phạm Bình Chương… từ nay sẽ được giới thiệu cố định tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên