27/05/2018 09:50 GMT+7

Đi du lịch dã ngoại, để đừng “nằm” lại Tà Năng

ĐỖ HUỲNH HOA
ĐỖ HUỲNH HOA

TTO - Sau cái chết của bạn T.A.K., đã có nhiều ý kiến về hoạt động du lịch dã ngoại, leo núi (trekking) về việc yêu cầu chính quyền địa phương cần phải kiểm soát cung đường Tà Năng - Phan Dũng, thậm chí phải lập trạm ngăn cấm.

Đi du lịch dã ngoại, để đừng “nằm” lại Tà Năng - Ảnh 1.

Các thành viên của đoàn chúng tôi giúp nhau vượt suối trong chuyến trekking Tà Năng - Phan Dũng - Ảnh: Đ.H.HOA

Nhưng là một người từng đến nơi này, tôi lại có một góc nhìn khác.

Tà Năng - Phan Dũng là cung đường hoạt động du lịch dã ngoại, leo núi (trekking) rất đẹp. Trải qua cung đường này, người đi được trải nghiệm nhiều điều. Vì vậy, không thể áp dụng kiểu "quản không được thì cấm" để ngăn mọi người, nhất là giới trẻ tham gia cung đường này.

Vấn đề đặt ra là đảm bảo sao cho những ai tham gia cung đường này nhận thức được việc làm thế nào đảm bảo "đi đến nơi về đến chốn". Không đơn giản như những chuyến du hành khác, trekking Tà Năng - Phan Dũng không thể là cứ khoác balô mà đi. Phải chuẩn bị thật tốt cho chuyến đi, không phải từ ngày hôm trước khi đi mà là từ... tháng trước.

Là người thích... đi bụi, tôi luôn nằm lòng câu "đi để... trở về". Từng tham gia chuyến trekking Tà Năng - Phan Dũng, tôi xin kể lại chi tiết cuộc hành trình của mình. Đầu tiên, dù đoàn khá đông nhưng được những người tổ chức họp mặt hai lần trước chuyến đi gần cả tháng để hướng dẫn tập thể lực, kinh nghiệm và ý thức kỷ luật khi tham gia.

Trong chuyến đi của chúng tôi luôn có người dẫn đầu, có người bọc hậu, có người hỗ trợ ở giữa để đảm bảo không ai bị lạc đoàn. Một số bạn khỏe được phân công và cả tự giác mang vác nặng phụ các bạn nữ nên không có sự cố gì đáng tiếc. 

Ở chỗ cắm trại qua đêm trong ngày đầu tiên, dù gần đó có con thác nhỏ nhưng người hướng dẫn yêu cầu chúng tôi không xuống đó vì quá hiểm trở. Giờ đây nghĩ lại, đó quả là một yêu cầu sáng suốt.

Ngày thứ hai, từ thác Yavly, đường bằng phẳng xuyên qua những cánh rừng thưa và nguy hiểm nhất là những con suối chảy xiết giữa trời mưa. Các bạn trong ban tổ chức cho từng nhóm chậm rãi từng bước dẫn dắt nhau vượt suối. 

Gần đến nơi hạ trại qua đêm, có hai bạn nam tự ý vượt lên trước, khi nghe báo người hướng dẫn vội chạy lên đi tìm và dẫn về trong những ánh mắt không hài lòng của mọi người. "Không được tách đoàn" - ban tổ chức lại nhắc.

Một năm trước, lệ phí tham gia hành trình Tà Năng - Phan Dũng ba ngày của đoàn mà tôi tham dự chỉ có 800.000 đồng/người. Nhưng sau đó thì tăng gấp đôi và rồi gấp ba, điều này dẫn đến việc nhiều bạn trẻ tự tổ chức đi hoặc đi theo người quen từng đi cung đường này. Đây cũng là lý do của việc gặp nhiều rủi ro và nguy hiểm khi muốn chinh phục cung đường này.

Với những gì đã trải qua, tôi chỉ xin được nhắn gửi để an toàn trekking trên cung đường Tà Năng - Phan Dũng, không nên đi mà không có người tổ chức và hướng dẫn chuyên nghiệp.

"Cần phải kiểm soát cung đường Tà Năng - Phan Dũng" 'Cần phải kiểm soát cung đường Tà Năng - Phan Dũng'

TTO - Sau các sự cố đáng tiếc vừa xảy ra với anh T.A.K (24 tuổi) và một du khách nữ trên cung Tà Năng - Phan Dũng một năm trước, có nhiều ý kiến về hoạt động du lịch dã ngoại, leo núi (trekking) nơi đây.

ĐỖ HUỲNH HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên