Cũng dễ hiểu bởi Austin được gắn cho cái tên mỹ miều và hơi… thiếu khiêm tốn đó vì khi đến Austin là người ta nhắc đến những buổi công diễn âm nhạc ngoài trời hoành tráng hay các nhà hát thính phòng đồ sộ.
Đặc biệt Austin còn là sân nhà thường niên tổ chức chương trình "South by Southwest (SXSW)", lễ hội phim và âm nhạc lớn với hàng trăm sự kiện khắp nước Mỹ.
Hàng chục ngàn người đến thưởng thức hòa nhạc chào mừng quốc khánh Hoa Kỳ cạnh hồ Lady Bird. Ảnh: Quốc Vinh
Và khi du khách đến đây không thể bỏ lỡ cơ hội đến con đường số 6 nằm ngay trung tâm thành phố vào ban đêm với nhiều quán bar mini nhạc sống mang đậm chất miền Viễn Tây.
Chắc có lẽ cũng không quá khi mọi người đặt tên cho con đường này là "Live bar street of the world" nghĩa là "đường phố hội hè của thế giới".
"Hội hè" có vẻ diễn tả đúng hơn thực tế ở đây ngoài "nhạc sống" vui nhộn còn có quán bar để bù khú, nhà hàng sang trọng để thưởng thức ẩm thực và các dịch vụ du lịch đa dạng.
Khi màn đêm xuống là con phố số 6 lại nhộn nhịp lên đèn đón du khách. Ảnh: wordpress
Dĩ nhiên với tôi, con đường này cũng có mức độ "ăn chơi" dù ở cấp độ "không sợ mưa rơi" nhưng cũng sợ... lụt bão chứ không "tới bến tới bờ" như con đường chính ở Las Vegas.
Ngay từ đầu đường số 6, du khách có thể đọc được lịch sử của con đường tấp nập này. Bắt đầu với cái tên nguyên gốc là đường Pecan do ngài Edwin Waller – kiến trúc sư và cũng là thị trưởng đầu tiên của Austin – đặt tên vào năm 1839.
Con đường được xây dựng với mục đích kết nối vùng trồng trọt ven thành phố từ phía Đông Austin vào trong khu vực buôn bán nội thành.
Từ đó con đường này trở thành trung tâm của sự phát triển Austin vào thế kỷ 19. Và giờ đây con đường tiếp tục phục vụ du khách thập phương, đặc biệt là du khách trẻ đến vui chơi, nhảy nhót thâu đêm.
Còn nếu chỉ đi dạo một vòng như tôi thì mất khoảng hơn một tiếng đồng hồ để rong ruổi hết hai chiều của con đường này để khám phá được nhiều thứ.
Đó là những chiếc xe ngựa chở khách rong ruổi thành phố như nó đã từng diễn ra ngày còn sơ khai, là những quán bar san sát nhau nhưng lại mang mỗi phong cách khác nhau để thu hút khách, nhất là thanh niên tuổi đôi mươi.
Tôi trộm nghĩ "Sau khi uống say bí tỉ thay vì gọi taxi thì tửu khách cũng có thể gọi... xe ngựa để chở về nhà". Ảnh: Quốc Vinh
Đặc biệt, khách sạn Bullock cổ kính nằm ngay góc đường Pecan và Congress chính là điểm dừng chân mà du khách có thể thư giãn với không gian trầm mặc, một chiếc xe cổ đỗ trước mặt khách sạn, một tiệm bánh có từ hàng trăm năm, ánh đèn dìu dịu cùng với tiếng nhạc du dương níu người đi đường trở lại với một Austin của gần 2 thế kỷ trước.
Khi du khách nói đến một Austin sôi động là nhắc đến đường số 6 này, nơi tập trung rất nhiều quán bar nhạc sống từ tầng hầm nóng hầm hập đến trên tầng thượng chan chát cho khách vừa nốc vừa...rock!
Nơi này cũng có các cô phục vụ ăn mặc mát mẻ đứng trong cửa gương nhìn ra mời gọi khách vào uống bia hay lượn lờ làm "chim mồi" cho các quán bar.
Có thể coi như đó là trung tâm ăn chơi đúng nghĩa của Austin bởi tôi đọc đâu đó trên mạng rằng nơi đây là "phố đèn đỏ" có vẻ như mang nghĩa tiêu cực nhiều hơn.
Nếu là "phố… đỏ đèn" thì chính xác hơn bởi ở thành phố Austin thì nhiều tuyến xe bus, tàu điện chạy đến 3 giờ sáng, rồi 5 giờ sáng hoạt động trở lại nên con đường này khi nào cũng đỏ đèn chiều chuộng khách đến vui chơi.
Con đường số 6 luôn sáng đèn cho mọi người đến đây ăn uống...
Đi hết một vòng của con đường số 6, tôi cảm thấy nơi đây vừa lạ vừa quen quen.
À, hình như con phố "Tây" Bùi Viện ở Sài Thành, phố Phạm Ngũ Lão ở Cố Đô hay Đinh Liệt ở Hà Thành mà tôi đã từng ghé đến.
Còn giờ đây tôi đã là một trong những "người... Tây" ở trên con phố nhộn nhịp của nước Mỹ này rồi chứ còn gì?
Các bạn trẻ đến từ Châu Á hóa trang cho lễ hội Halloween trên con phố Tây của nước Mỹ. Ảnh: Quốc Vinh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận