28/09/2020 09:14 GMT+7

Đi chợ… thể dục

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - “Bán cho tôi bó rau, con cá, nhớ thêm tí hành ngò, chanh ớt nhé”. Tại một số công viên, bờ hồ ở Hà Nội, người dân tập thể dục buổi sáng giờ còn có thể mua thức ăn, đồ dùng được bày bán nhỏ gọn ở đầu cổng ra vào hoặc ven vỉa hè chạy bộ.

Đi chợ… thể dục - Ảnh 1.

Đàn ông tập thể dục sẵn đi chợ, được chọn món mình thích - Ảnh: TÂM LÊ

Các "chợ cóc" này chỉ diễn ra bằng khoảng thời gian buổi tập thể dục sáng. Khi người vãn thì "chợ" cũng tan, vỉa hè lại trở về bình thường.

Nhiều cô bán hàng giờ cũng rất ý thức vệ sinh. Khi họ rời đi là dọn dẹp sạch rác rưởi để không ảnh hưởng đến ai.

Bà Trần Thị Hà (người dân tập thể dục)

Một công đôi việc

Chị Nguyễn Thanh Loan trong bộ đồ thể dục quần lửng, áo cộc, giày bata, xách hai tay nặng trĩu rau quả, thịt, bánh chưng, bánh xèo. "Chỗ này đủ ăn sáng và bữa trưa, tối cho cả nhà. Tôi không phải đi chợ nữa, mai lại mua cái khác cho tươi ngon" - chị Loan mồ hôi nhễ nhại cười nói.

6h30 sáng, người đi thể dục ở hồ Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội bắt đầu dừng tập. Nhiều người, cả nam nữ, già trẻ ghé vào các xe, sạp hàng đang được bày bán dọc lối đi bên hồ để mua hàng.

Có nhiều hàng, chủ yếu là thực phẩm rau quả, thịt cá, mỗi loại một hai hàng. Đồ may mặc, quần áo, chăn gối mỏng, giày dép thể thao vừa tiền. Ngoài ra còn có hàng đồ cũ như đồng hồ, radio, kính mắt. Một số đặc sản vùng miền như mắm tôm, mắm tép, táo mèo, hạt dẻ...

Số lượng không nhiều, mỗi hàng chỉ bày nhỏ gọn một góc vừa tay với, tiện cho việc cơ động. Một số vẫn để cả sạp hàng trên xe để bán như thịt, chuối, bánh trái... vì thời gian bán chỉ được khoảng một tiếng rưỡi.

"Ba năm trở lại đây người đi thể dục nhiều, hàng bán cũng tăng lên vì người mua tiện thể vừa đi thể dục vừa đi chợ luôn cho gia đình" - chị Xuyến, một phụ nữ luống tuổi, chia sẻ. Chị cũng cho biết có chợ đầu mối ở cuối đường lớn, thuộc địa bàn của phường, nhưng chỉ hôm nào cần mua nhiều mới đi, còn ở đây cũng tạm đủ rồi.

Một số hồ lớn như hồ trong công viên Thống Nhất, hồ Tây, người bán cũng chọn nơi người đi thể dục qua nhiều để chào hàng. Cổng phía ngã tư lớn giao nhau giữa đường Lê Duẩn và Đại Cồ Việt của công viên Thống Nhất, ngoài bán rau, quả còn có cả hải sản tươi sống.

Đi chợ… thể dục - Ảnh 3.

Hàng hóa được bán trên xe để tiện cơ động và không xả rác ra đường - Ảnh: TÂM LÊ

Đàn ông đi chợ

Đi chợ, chuẩn bị bữa ăn gia đình thường thuộc về tay phụ nữ. Nhưng ở đây, nhiều người đàn ông đã giúp vợ việc mua sắm đó, có người còn rất thành thạo, kinh nghiệm chọn đồ, trả giá.

Anh Nguyễn Xuân Hải một tay xách mớ rau muống to kèm thêm những đùm nhỏ thịt, hành, ớt, chanh; một tay xách quả bưởi, kèm theo túi có mấy quả khổ qua. "Trước đây tôi ít khi đi chợ, giờ thì hầu như ngày nào cũng mua món gì đó" - anh Hải cười vui vẻ. Đi cùng anh còn có một ông lớn tuổi cũng xách mớ rau, mấy quả chanh và một túi con nhộng vàng ươm.

Ở hàng cá, ốc, ếch, cua đồng, một người đàn ông chọn những con ếch béo mũm, nhờ người bán làm sạch rồi đưa cho cô đi cùng, đoán chừng vợ chồng cùng đi bộ thể dục. Anh chồng rút ví thanh toán tiền rồi cả hai sang hàng rau gia vị.

Thực tế, sáng sáng các ông chồng chạy bộ nhiều hơn vợ, nên phần lớn các ông trở thành "bà nội trợ" bất đắc dĩ.

Nhiều cụ ông, cụ bà cũng dễ dàng đi chợ này. Không cần đạp xe, tránh ôtô ở đường lớn, các cụ vừa đi tập thể dục vừa mua những túi thực phẩm gọn nhẹ. Có cụ mua một bó lá cây về nấu nước, có cụ chỉ mua cái bánh đa, vài lạng thịt...

Cụ Đỗ Thị Hiền, 83 tuổi, ngồi nghỉ ở bậc thềm trước khi về. Bên cạnh cụ đã có đùm bánh mì, mớ rau ngót, bó chè tươi. "Tôi chỉ ăn vậy thôi, già rồi, ăn vậy chứ giờ mua đồ hộp chay lại ngộ độc sợ lắm" - vừa nói cụ vừa xoa bóp cánh tay.

Nhiều người không đi thể dục cũng đạp xe đến vì đồ ăn tươi ngon, rẻ, lại tiện lợi mua sắm. Chợ... thể dục cũng hay thay đổi hàng, hôm nay thêm rau quả vườn, tôm cua; mai lại bớt hàng hạt dẻ, chanh ớt...

Đi chợ… thể dục - Ảnh 4.

Cụ già thương binh Lâm Xuân Trường với xô hàng đặc sản mắm tôm quê - Ảnh: TÂM LÊ

Gánh nghèo mưu sinh

Khác với khách hàng đa số là dân quanh khu vực, người bán ở các chợ "cóc" này từ khắp nơi tụ về. Có hàng từ chợ đầu mối lên, có hàng từ trong ngõ, trong hẻm ra, có hàng từ ngoại thành vào. Còn một điểm chung nữa là phần lớn hàng bán đều nhỏ lẻ, giá trị thấp. Tôi lặng lẽ nhìn những gánh hàng nhỏ bé nép một góc chợ.

Có hàng bán vài quả ổi, quả na của người phụ nữ gầy gò. Hàng bán vài chai mắm tôm, mắm tép của một cụ già cụt một bên tay. Hàng nón lá chỉ có độ mươi cái, úp lên gác sau chiếc xe đạp của một bà lão chân đi dép tổ ong xỉn màu.

Mặt hàng được xem là có "giá trị cao", cua đồng và cá sông, của chị Nguyễn Thị Xinh ở hồ Đền Lừ nhưng cũng chỉ là chiếc xe hàng rong. "Hôm nay chủ nhật, khách hàng họ đổi món nên thúng cá vẫn còn ế vài cân, mọi hôm hết nhanh lắm" - chị Xinh đang giới thiệu về món cá sông đặc sản mà chỉ 50.000 đồng/kg.

Chị tới đây từ 5h30 sáng, bán độ một tiếng không hết hàng lại chất lên xe đi bán dạo trong các ngõ phố. Điểm bán cho người đi thể dục đã gần 3 năm. Chị biết đến nơi này vì nhà mẹ ruột ở gần hồ, còn chị lấy chồng ở cách xa gần chục kilômet. Xe hàng rong là nguồn sống chính của gia đình bốn người gồm vợ chồng chị và hai con đang học cấp 2.

Riêng cụ già bị cụt tay và cái rổ nhựa có mấy chai mắm tôm, mắm tép đề biển đặc sản quê khiến tôi chú ý nhiều nhất. Cụ là Lâm Xuân Trường, đã 82 tuổi, thương binh nặng ở chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 1974, khi đất nước chỉ còn một năm nữa được hòa bình thì cụ bị đạn pháo cướp mất cánh tay phải.

"Tôi bán ở đây mới được 3 tháng, món mắm đặc sản ở quê ngon lắm. Có người mua liền một lúc 5 chai đấy, họ ăn ngon nên mách người khác nữa" - giọng cụ Trường ấm tiếng xứ Nghệ thân thương.

Mắm tôm, mắm tép là đặc sản quê Nghệ An của cụ. Hiện cụ Trường đang sống cùng con cháu ở gần hồ Đền Lừ. Trời chưa sáng, cụ đã đạp xe đèo theo cái xô gọn nhẹ ra ngồi ven hồ. Chiếc xe đạp dựng cạnh nơi cụ ngồi, có cái chân chống chế thêm để "phụ giúp" cánh tay đã mất của cụ.

Tiền bán cụ dành dụm giúp cháu trai đang học năm 3 Trường đại học Bách khoa Hà Nội. "Cháu học khoa cơ điện 5 năm mới xong. Mình lớn tuổi nhưng còn làm được thì giúp cháu tí" - cụ già cười móm mém.

Mặt trời ló dạng những tia nắng mới, người đi bộ đã vãn, người bán hàng cũng nhanh chóng thu gọn đồ đạc lên xe. Họ cố gắng không để vương vãi rác thải ra mặt hè đi bộ...

Chợ đồ cũ, đồ lạ

Đối diện cổng công viên sang góc đường Kim Liên, phía trên đường hầm, một khu "chợ trời" chuyên bán đồ cũ, đồ lạ như giày da, đồng hồ, máy nghe nhạc, băng đĩa, kính mắt, nồi cơm điện... và cũng chủ yếu phục vụ khách đi tập thể dục. Trước đây khu chợ này họp vào ban đêm khoảng 10h đến 12h, nhưng giờ họp vào đầu sáng. Có rất nhiều nam giới tập thể dục tò mò ghé qua xem, mua hàng trước khi về.

Công viên đóng cửa, nhiều người dân Hà Nội liều mình ra đường tập thể dục Công viên đóng cửa, nhiều người dân Hà Nội liều mình ra đường tập thể dục

TTO - Sau chỉ thị cách ly xã hội trên toàn quốc, nhiều công viên của Hà Nội đóng cửa, tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19. Không có chỗ giải trí, nhiều người dân đã đổ ra đường để tập thể dục.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên